Ra đời năm 1899, thị xã Huế ở đôi bờ sông Hương đã nhanh chóng được mở rộng để phát triển lên thành phố vào năm 1929.
|
Thành phố Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN PHONG |
Thành lập thị xã Huế
Đô thị Huế dưới triều Nguyễn bị chi phối rất nhiều bởi những yếu tố chính trị nặng nề, không có tổ chức hành chính và quản lý đô thị đúng nghĩa. Không gian đô thị bé nhỏ, các hoạt động nhộn nhịp chỉ tập trung ở Thành Nội và vài phố chợ vùng phụ cận. Với Hiệp ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884), thực dân Pháp cơ bản hoàn thành cuộc xâm lược nước ta. Chính từ giai đoạn này trở đi, các kiểu đô thị mới được hình thành.
Sau ngày Huế bị thất thủ (5/7/1885), người Pháp thành lập khu phố Tây ở bờ nam sông Hương để phục vụ cho bộ máy Tòa Khâm sứ Trung Kỳ và doanh trại quân đội được mở rộng. Trong vòng 30 năm sau khi người Pháp khởi công xây dựng bến Tòa Khâm sứ Trung Kỳ cho đến những năm đầu thế kỷ XX, khu vực nam sông Hương nhanh chóng phát triển, sớm hình thành nên vóc dáng một đô thị mới với những “dãy dọc, tòa ngang”, hệ thống đường sá bước đầu thuận lợi cho cả xe ngựa, xe kéo hai chiều và các loại phương tiện khác.
Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, khi đến Huế, người Pháp ép vua tôi Tự Đức phải cắt đất ở bờ nam sông Hương giao cho họ lấy chỗ đóng đồn binh. Dần dà lấy thêm nhiều khoảnh đất nữa để họ dựng Tòa Khâm sứ (được khởi công xây dựng tháng 4/1876 và hoàn thành vào tháng 7/1878), đặt Sở Dây thép (ngày nay là Bưu điện Huế), trạm thu thuế, mở trường Dòng, xây nhà thờ Thiên Chúa, lập bệnh viện, mở kho bạc, khách sạn, vũ trường…
Ngày 20/10/1898, Cơ mật viện triều đình Huế có tờ trình dâng lên vua Thành Thái, yêu cầu nhà vua cho phép “những nơi nào Khâm sứ Trung Kỳ và Cơ mật viện xét thấy cần thiết sẽ thiết lập ở đó một đô thị”. Đây là bước khởi đầu cho sự ra đời của một đơn vị hành chính mới ở Huế. Ngày 12/7/1899, vua Thành Thái xuống Dụ công bố thành lập thị xã Huế cùng 5 đô thị khác ở miền Trung là Thanh Hóa, Vinh, Hội An, Quy Nhơn và Phan Thiết. Một ngày sau đó (13/7/1899), Khâm sứ Pháp Boulloche phê duyệt tờ dụ của vua Thành Thái và đến ngày 30/8/1899, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định chuẩn y.
Phải 2 năm sau đó, vào ngày 31/12/1901, Toàn quyền Đông Dương mới ra nghị định, quy định ranh giới của thị xã Huế. Theo đó, khu vực Kinh thành không nằm trong đơn vị hành chính mới lập. Ranh giới ban đầu của thị xã Huế chỉ bao gồm các vùng phụ cận quanh Kinh thành Huế và một dải đất hẹp ở bờ nam sông Hương, dọc theo con đường sát bờ sông (tức Lê Lợi nay), từ bến đò Thọ Lộc (Đập Đá) lên quá Trường Quốc Học một đoạn.
|
Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương được xây dựng năm 1897. Ảnh: TƯ LIỆU |
Từ thị xã lên thành phố
Địa giới hành chính quá nhỏ của thị xã Huế đã không thể đáp ứng nhu cầu khai thác đô thị của tư bản Pháp, cũng như không tương xứng với vị trí chính trị là trung tâm của chính quyền thực dân tại Trung Kỳ. Ngày 22/6/1903, vua Thành Thái có tờ dụ và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y vào ngày 3/7/1903, thị xã Huế được mở rộng lần thứ 1. Người Pháp chủ yếu thêm giới hạn ở nam sông Hương. Khu vực mới sáp nhập là vùng phía sau Trường Quốc Học lên cầu Nam Giao, ngang dốc chùa Báo Quốc, con sông Phủ Cam đến dốc Bến Ngự, vòng qua chợ Phủ Cam, ra phía bờ sông cho đến giáp địa phận cũ.
Năm năm sau, ngày 9/5/1908, vua Duy Tân xuống dụ và Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y vào ngày 24/7/1908, cho phép mở rộng địa hạt Huế lần thứ 2. Trong lần mở rộng này, ranh giới thị xã Huế được quy định theo 2 vùng rõ rệt: Phía tả ngạn sông Hương, gồm vùng quanh Kinh thành, được giới hạn bởi các sông đào bên ngoài đến giáp sông Hương; khu vực sông Gia Hội được giới hạn bởi sông Hương và sông đào Đông Ba đến ngang bến đò sang Nam Phổ.
Bên kia bờ hữu ngạn, đất của thị xã, gồm từ sông Hương chạy dọc sông đào An Cựu đến đường chợ Phủ Cam, cắt thêm của Phủ Thừa, qua thửa đất 8 mẫu ruộng của làng Dương Xuân và Đông Lộc, băng ngang đường thuộc địa số 1 (nay là đường Hùng Vương) chạy thẳng tới phía nam bến đò Thọ Lộc. Toàn thị xã chia thành 8 phường, từ Đệ Nhất đến Đệ Bát, trong đó có 7 phường ở tả ngạn và duy nhất phường Đệ Bát, chiếm trọn phần đất bờ nam sông Hương.
Ngày 4/11/1921, vua Khải Định xuống dụ định lại ranh giới của thị xã Huế lần thứ 3 và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 25/2/1922. Thị xã Huế có thêm phường Đệ Cửu là phần đất mới mở ở quanh ga Huế, kéo dài từ cầu Nam Giao đến cầu Dã Viên. Ranh giới này được giữ nguyên cho đến năm 1975.
Ngày 12/12/1929, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định nâng cấp thị xã Huế lên thành phố Huế. Dù là trung tâm của chính quyền Pháp và Nam Triều nhưng việc nâng cấp từ thị xã lên thành phố Huế diễn ra khá muộn. Nhượng địa Đà Nẵng được thành lập thành phố cấp II từ ngày 24/5/1889. Trước Huế, ở miền Trung đã có các thị xã được nâng cấp lên thành phố cấp II, như Đà Lạt (31/10/1920), Vinh - Bến Thủy (10/12/1927), Thanh Hóa (31/5/1929). Với sự ra đời của thành phố Huế, đã xuất hiện nhiều khu đô thị mới, dân cư đông đúc hơn, phố chợ hoạt động nhộn nhịp hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đưa Huế phát triển ngang tầm với các thành phố trung bình thời Pháp thuộc.
Mãi đến ngày 21/11/1934, Bộ Lại của triều đình Huế mới dâng bản tấu lên Hoàng đế An Nam và 2 ngày sau (23/11/1934), vua Bảo Đại xuống chỉ số 41, chuẩn y chỉnh đốn thành phố Huế theo một trật tự mới. Bắt đầu từ năm 1935, việc chấn chỉnh lại thành phố được tiến hành. Địa giới giữ nguyên nhưng các đường phân thiết và giới hạn giữa các phường, làng và một phần làng trong thành phố bị cắt bỏ. Toàn thành phố được chia đặt thành 11 đơn vị hành chính, gọi là 11 phường theo tên mới, lấy chữ “Phú” làm nền chung. Vùng tả ngạn sông Hương, chủ yếu khu vực bao quanh Kinh thành, có 3 phường: Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thạnh. Khu vực cồn Gia Hội có 4 phường: Phú Cát, Phú Mỹ, Phú Thọ và Phú Hậu. Vùng hữu ngạn sông Hương có 4 phường: Phú Ninh, Phú Vĩnh, Phú Hội và Phú Nhuận.
(Còn tiếp)
Kỳ 2: Đi tìm mô hình phù hợp