Các chuyên gia nước ngoài giúp Trường cao đẳng Du lịch cập nhập chương trình đào tạo mới
Đáp ứng được nhu cầu mới
Tại ngày hội việc làm do Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức trước Tết Nguyên đán Canh Tý, cũng là thời điểm mà 45 sinh viên tốt nghiệp theo chương trình đào tạo chuyển giao từ Úc. Ngoài một số sinh viên được phía đối tác Úc tiếp tục đào tạo, còn lại tất cả sinh viên đều được Khách sạn Azerai La Residence Huế và Khu nghỉ dưỡng Hoiana Nam Hội An tuyển dụng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thủy, Giám đốc nhân sự Khu nghỉ dưỡng Hoiana Nam Hội An cho biết, kế hoạch của Hoiana là mong muốn tuyển dụng tất cả các em sinh viên mới tốt nghiệp, bởi nhu cầu đang rất lớn. “Qua đợt thực tập và tham gia đánh giá năng lực cùng với nhà trường, chất lượng của đầu ra sinh viên đào tạo theo tiêu chuẩn của Úc đáp ứng được tất cả yêu cầu về chuyên môn từ phía DN, nhất là khả năng ngoại ngữ, điều mà lao động trong ngành còn khá yếu”, bà Thủy chia sẻ.
Theo Trường cao đẳng Du lịch Huế, đào tạo chuyển giao từ Úc là chương trình thí điểm nghề trọng điểm cấp độ quốc tế trình độ cao đẳng. Đây cũng là khoá đào tạo thí điểm đầu tiên trên cả nước của Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội triển khai. Trường cao đẳng Du lịch Huế là một trong số ít trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp giao triển khai với 2 chương trình đào tạo quản trị khu resort và hướng dẫn du lịch.
Ông Phạm Bá Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho biết, chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, lấy người học làm trung tâm. Thiết kế các chương trình thực hành, thực tế trải nghiệm gắn với từng chương trình năng lực. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch và thống nhất với Học viện Chisholm (đơn vị hỗ trợ từ nước Úc) để tăng thêm 8 tuần thực tập tại DN nằm tăng cường môi trường thực tế của sinh viên. Đặc biệt, ngôn ngữ sử dụng giảng dạy chính là tiếng Anh. Trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên là tiếng Anh đạt trình độ B1.
“Tăng thời gian thực tập là hoạt động mở rộng không nằm trong chương trình đào tạo nhưng vô cùng cần thiết để sinh viên được làm việc trong môi trường thực tế, điều được xem là quan trọng nhất đối với một sinh viên trường nghề. Nhà trường cũng gắn kết DN trong đào tạo, tham gia đánh giá, giảng dạy. Đó cũng là hoạt động tạo thêm cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường”, ông Phạm Bá Hùng thông tin.
Cũng theo ông Hùng, trong thời gian khoá học diễn ra, mỗi nghề có 6 lần chuyên gia Úc đến hướng dẫn, đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo theo từng học kỳ. Đoàn kiểm định độc lập của Úc cũng đến đánh ngoài các hoạt động đào tạo. Hệ thống quản lý học viên, tính điểm theo quy chế đào tạo của Úc được nhập trên phần mềm theo quy chế đào tạo, tính điểm của Việt Nam. Từ đó, giúp việc quản lý và đánh giá năng lực của sinh viên một cách chính xác nhất, giúp trường kịp thời có những điều chỉnh hợp lý.
Áp dụng vào chương trình giảng dạy
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, đối với du lịch, lao động phải có chuyên môn sâu mới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Sinh viên cần phải hiểu nghề, yêu nghề mới nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc hợp tác giữa nhà trường và DN cũng đòi hỏi phải chặt chẽ. Du lịch là ngành đang “hot”, có thu nhập tốt, hội nhập cao nên nhân lực bắt buộc bài bản và chuyên nghiệp. Như Huế đang xây dựng đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”, người phục vụ khách hàng không chỉ là đầu bếp mà phải biết truyền tải thông tin, đòi hỏi có ngoại ngữ...
Lãnh đạo Trường cao đẳng Du lịch Huế cho hay, chương trình đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Úc là chương trình thí điểm, nên sẽ không còn nhận được những hỗ trợ về vật chất, lẫn các yếu tố khác. Dù thế, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, tiếp nhận “công nghệ” giảng dạy theo chuẩn đào tạo từ Úc để có thể tiếp tục áp dụng vào chương trình đào tạo, nhằm cung cấp được những lao động mà ngành du lịch đang cần, nhất là lao động có chất lượng và chuyên môn sâu.
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho biết, trong năm học vừa qua, trường cũng đã bước đầu áp dụng chương trình mới vào một số ngành nghề đào tạo. Áp dụng các công cụ đánh giá cũng như cách thức đánh giá năng lực của sinh viên theo đúng chuẩn của Úc. Hoạt động triển khai thực hiện chương trình đồng bộ từ đội ngũ giảng viên; chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu và các điều kiện đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Úc. Các chuyên gia của Học viện Chisholm đến làm việc tại nhà trường, đào tạo, cập nhật năng lực cho giảng viên và triển khai chương trình, phương pháp giảng dạy mới.
“Bước đầu áp dụng chương trình mới cho thấy, quá trình học tập khó hơn và sinh viên rất dễ bị “bỏ lại” nếu không tự nỗ lực, cố gắng. Trong chương trình mới này, ngoại ngữ là yêu cầu rất quan trọng đối với mỗi sinh viên. Chỉ khi có ngoại ngữ tốt mới giúp sinh viên sau khi ra trường đi được nhiều nơi, hội nhập tốt nhất”, ông Phương nói.
Bài, ảnh: Đức Quang