ClockChủ Nhật, 19/09/2021 06:19

Doanh nghiệp tìm “đường sống” giữa đại dịch

TTH - Dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ vốn chưa kịp phục hồi “sức khoẻ” sau 3 đợt dịch trước. Lúc này, rất cần sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước giúp DN hoạt động, cầm cự vượt qua khó khăn.

Hỗ trợ doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu cuối năm khi COVID-19 kéo dàiTrợ lực cho doanh nghiệp

Các sản phẩm thủ công từ cỏ bàng

Gỡ khó

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 324 DN thành lập mới, giảm 13,6%; với tổng số vốn đăng ký là 2.619,825 tỷ đồng, giảm 48,8% so cùng kỳ. Số DN đăng ký tạm ngưng có thời hạn và số DN giải thể tăng do chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch. Trong đó, có 316 DN tạm ngưng (tăng 10,88%) tập trung ở các nhóm ngành: du lịch, vui chơi giải trí (22,5%), vận tải (8%), xây dựng (12,3%), sản xuất, chế biến (7,91%), bán buôn, bán lẻ (17,7%) và 75 DN thông báo giải thể, rút lui khỏi thị trường.

Theo đánh giá của cộng đồng DN, đến nay, có trên 90% DN đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, cũng có trên 3% số DN nhận được ảnh hưởng tích cực từ đại dịch, các DN này hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, y tế, bán lẻ…

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh - Dương Tuấn Anh cho rằng, trên địa bàn, các DN siêu nhỏ do thị trường nhỏ nên chịu tác động một phần nhất định chứ không như DN vừa và nhỏ, ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Có khoảng 2/3 số DN đã áp dụng ít nhất một trong những giải pháp để cố gắng thích ứng hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Phong Lan Việt - Hồ Sương Lan bày tỏ, bản thân đang điều hành 3 DN, mỗi tháng phải tốn chi phí gần 100 triệu đồng để vận hành, trả lương người lao động. Trong giai đoạn này, DN nào tự nuôi được thì mừng, DN không “sống” được, thì mình phải “nuôi” nó chờ ngày “hồi sinh”.

“Như hai tháng 7, 8 vừa qua, các sản phẩm túi xách, mũ handmade Maries từ cỏ bàng của công ty không thể xuất đi vì “tắc” vận chuyển. Bối rối vì đột ngột mất 70% doanh thu từ thị trường miền Nam, DN chuyển hướng ra thị trường miền Bắc nên vớt vát được gần 50%. Giờ nơi nào cho mở lại “vùng xanh” thì mình đẩy mạnh bán hàng trở lại”, CEO Hồ Sương Lan nói.

Ngoài chuyển thị trường, chị Lan còn tăng quảng cáo, bán hàng online, kích thích khách hàng tìm hiểu, đặt mua sản phẩm, nhờ đó ngoài việc bán trực tiếp vẫn có một lượng khách khá lớn đặt hàng qua mạng.

Mấy tháng qua, trong khi các khách sạn, nhà hàng đóng cửa vì dịch thì chuỗi nhà hàng Chạn, Lan Quế Phường, Tà Vẹt của Công ty Khang Hân vẫn có “đất sống”, có doanh thu để trang trải các chi phí. Thế nhưng “làn sóng” dịch thứ 4 diễn biến phức tạp buộc DN phải tìm lối ra.

Giám đốc Công ty Khang Hân - Nguyễn Thị Đông Phương cho hay, lo ngại dịch bệnh phức tạp, các nhà hàng vừa tạm đóng cửa, để có chi phí “nuôi” nhân sự, DN chuyển sang hình thức bán hàng ship tận nơi với thực đơn thay đổi liên tục, giá hợp lý. Cách làm này vừa để khách không “quên” chúng tôi, vừa duy trì hoạt động cho nhân viên.

Cần cụ thể, thực tế

Trên địa bàn tỉnh, ngoài các hoạt động như du lịch, lữ hành, lưu trú, vui chơi giải trí gần như ngừng hẳn, nhiều hoạt động thương mại dịch vụ khác như nhà hàng, quán cà phê, ô tô, xe máy đều vắng khách. Cộng đồng DN Thừa Thiên Huế, nhất là các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ chưa kịp phục hồi qua đợt các dịch trước, nay lại gặp “cơn bão mới” và rất dễ dàng bị “quật ngã”.

DN còn chịu tác động từ việc gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ hàng hóa; giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Không chỉ thế, các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch COVID-19.

Nhiều DN cho hay, họ bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.

Ông Nguyễn Hùng, chủ một DN vận tải bày tỏ, quan điểm duy nhất của DN lúc này là “cần sống sót, chờ phục hồi hoạt động an toàn hậu COVID-19. Muốn vậy, ngoài sự “chèo chống” của DN, rất cần tỉnh ưu tiên tiêm vắc-xin cho lái xe và nhân viên phục vụ, kể cả người điều hành vận tải. Hiện, trên xe khách thì lái xe và nhân viên phục vụ đều quan trọng giống nhau, thậm chí nhân viên còn tiếp xúc trực tiếp hành khách nhiều hơn, do đó, các đối tượng này đều cần được quan tâm tiêm vắc-xin sớm”.

“Mình có tìm hiểu nhiều chính sách nhưng thủ tục để tiếp cận rất nhiêu khê cộng với số tiền được hỗ trợ không đáng để DN thực hiện. Ví như có chính sách cho DN mượn tiền theo quỹ lương, nếu tính tổng thì DN sẽ được hỗ trợ cho mượn hơn 20 triệu nhưng thủ tục “khó hơn lên trời”, như vậy DN thà vay mượn còn hơn”.

CEO Công ty Phong Lan Việt bày tỏ: “DN cần cơ chế chính sách của Nhà nước, trong đó hỗ trợ để được giao thương hàng hoá, vận chuyển, hỗ trợ bảo hiểm cho người lao động, được giãn nợ, vay vốn.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh nhìn nhận, hiện có các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các bộ ngành nhằm hỗ trợ DN, như: Nghị định 52 về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021; Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; Thông tư 03/2021 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng… nhưng thực tế, để DN tiếp cận được rất khó khăn. Vì vậy, “rất cần sự hỗ trợ cụ thể hơn, thực tế hơn cho DN”, ông Dương Tuấn Anh đề xuất.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top