ClockThứ Bảy, 02/11/2019 12:56

Du lịch “nước Huế”

TTH - “Phong cảnh, di tích, ẩm thực - đó là những thứ đặc sản nổi tiếng của Huế ai cũng biết rồi. Nhưng điều khiến tôi thích thú nữa đó là nước máy, mở vòi ra là tuôn ào ạt, tắm thỏa thích. Và thật bất ngờ, khi nước ở đây uống được tại vòi”.

Đảm bảo an ninh nguồn nướcKhơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương

Một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nói với tôi như thế, sau những ngày thăm thú Cố đô dưới cái nắng gay gắt của mùa hè 2019.

Nước sạch uống tại vòi - chỉ Huế mới có

Nước sạch, uống ngay tại vòi

Theo lời giới thiệu của du khách, tôi đến khách sạn Indochine Palace, khách sạn 5 sao nằm trên đường Hùng Vương, để tìm hiểu câu chuyện nước Huế. Giám đốc điều hành khách sạn là một người đàn ông đến từ Scotland, ông Hugh Campbell, cho biết, nước là một thứ tiện nghi mà du khách rất quan tâm khi đến nghỉ ngơi ở mọi khách sạn. Vì vậy, khi giới thiệu cho các công ty lữ hành hoặc với khách tìm hiểu đặt phòng, bao giờ khách sạn Indochine Palace cũng nhấn mạnh “nước của chúng tôi là nước an toàn, uống được tại vòi”. Trong mỗi phòng nghỉ của khách sạn đều có gắn một tấm biển bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Nhật: “Nước an toàn để uống/Safe water to drink”. Tại nhà hàng, luôn có một bình nước lớn từ nguồn nước máy, để du khách lấy vào chai khi đi chơi hoặc mang lên phòng để uống.

Hugh nói, ông đã tìm hiểu và biết rằng nước máy của Huế rất tốt, từ nguồn cung cấp là nước ở đầu nguồn sông Hương, cho đến việc xử lý trong nhà máy và hệ thống đường ống để đưa nước đến người sử dụng, rất an toàn. Ngoài ra, tại khách sạn của ông cũng có công cụ kiểm tra hằng tuần, nên rất yên tâm.

Nước đã an toàn thì đừng chứa trong chai nhựa!

Hugh cho rằng, các khách sạn khác ở Huế nên niêm yết thông báo “Safe water to drink” cho du khách được biết và chủ động cung cấp nước an toàn cho khách. Đồng thời, nên hạn chế dần việc chứa nước trong chai nhựa, bình nhựa, không tốt cho sức khỏe. Khách châu Âu không thích nước đựng trong chai nhựa, nhất là người Anh. Họ luôn mang theo dụng cụ đựng nước uống khi đi du lịch. Khi đến khách sạn Indochine Palace ở Huế, họ rất vui khi nhìn thấy chiếc bình đựng nước dành cho khách tiếp nước vào chai của mình, với dòng chữ “Bảo vệ trái đất khỏi rác thải nhựa, hãy đổ đầy chai của bạn” (Save the planet from plastic waste, refill your bottle).

Nước của dòng sông thơm

Từ câu chuyện của Hugh, tôi nghĩ rằng, các hướng dẫn viên du lịch cần giới thiệu với du khách về nước của Huế như là một đặc sản của xứ sở này. Hiện các khách sạn 4-5 sao ở Huế đã có dòng thông báo: “Nước an toàn để uống” bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, nhưng các khách sạn còn lại thì chưa. Nước Huế không chỉ sạch mà còn rất ngon và rất mạnh, mở vòi ra là tuôn chảy ào ạt. Bởi vì đó là nước sông Hương, những giọt nước từ suối nguồn Trường Sơn, chảy qua những làng mạc hiền hòa và tuyệt nhiên không có một nhà máy nào ở hai bên dòng sông. Nếu kể thêm truyền thuyết Hương Giang - dòng sông thơm, bởi nó được ướp bằng hương của loài cây thạch xương bồ nơi đầu nguồn, thì chắc chắn du khách sẽ mê mẩn với nước Huế. Ngành du lịch cũng nên đưa “đặc sản nước Huế” vào trong nội dung quảng bá du lịch Huế. Một giá trị Huế đã âm thầm hóa thân vào trong các sản phẩm du lịch xứ này, lặng thầm phục vụ du khách từ bao năm nay.

Cuộc “khủng hoảng nước” ở Hà Nội cho thấy, nước sạch vẫn là yêu cầu hàng đầu của cuộc sống. Trong những ngày đầu mùa du lịch hè 2019, khu du lịch Sa Pa dù ở trên núi cao mát mẻ vẫn báo động vì không đủ nước để phục vụ cho khách. Du khách đến Đà Nẵng trong những ngày nước sinh hoạt ở đây bị nhiễm mặn, dù là đối tượng được ưu tiên thì cũng không tìm đâu ra đủ nước cho cả hệ thống khách sạn. Nước sinh hoạt ở TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn là vấn đề căng thẳng, do nguồn nước vừa thiếu vừa chất lượng không cao. Nếu bạn đến du lịch ở Singapore thì mới thấy “nước quý như vàng”. 90% nước sinh hoạt của đảo quốc giàu có này phải mua từ Malaysia.

Từ Singapore, Hà Nội, Đà Nẵng mà nhìn về, sẽ thấy nước Huế là một giá trị nổi trội thế nào!

Nước Huế của “Nước Huế”

Người Huế khi đùa vui thường gọi mình là thần dân “Nước Huế”. Đó là cách người dân Nam bộ gọi vùng đất Huế, vào những năm xa xưa khi vẫn còn cách đò trở giang. Sau này, du khách thập phương cũng gọi “Nước Huế” như là cách gọi tên một vùng đất mang những sắc màu riêng biệt. Và bây giờ, từ sự bất ngờ của du khách về “nước uống được tại vòi” của Huế, gợi ý cho chúng ta một ý tưởng mới: du lịch “Nước Huế”. Nước Huế là đặc sản của “Nước Huế”!

Chưa kể một giá trị khác nữa của nước Huế, đó là giá trị lịch sử và văn hóa, với công trình nhà máy nước Vạn Niên - nhà máy nước đầu tiên của Trung Kỳ, xây dựng năm 1909. Nhà máy nước mà kiến trúc như một ngôi đền, ống khói được giấu trong một kiến trúc hình cây bút lông của nhà nho, từ xa nhìn thì giống như trụ biểu của các lăng tẩm. Đi thuyền dưới sông Hương nhìn lên, du khách tưởng như đang đi đến một khu đền đài của cung đình Nguyễn. Toàn bộ kiến trúc của nhà máy nước hòa hợp với vẻ đẹp đồi Vọng Cảnh đã trở thành một điểm tham quan ngay sau khi nhà máy nước này ra đời. Sách “Guide L’Annam” của tác giả Ph. Eberhandt xuất bản năm 1914 dưới thời Duy Tân đã xếp Usine des Eaux de Hué (Nhà máy nước Huế) vào danh mục công trình lịch sử văn hóa Huế để tham quan, với lời mời: “Chúng ta nên ghé thăm nhà máy nước được xây dựng để cung cấp nước sạch cho Huế. Nó thật sự tạo nên sự chú ý bởi một phong cách rất Việt Nam”.

Tích hợp tất cả những giá trị đặc sắc đó, hoàn toàn có thể tạo ra một sản phẩm “Du lịch nước Huế” rất độc đáo.

Bài: MINH ĐĂNG - Ảnh: LINH ĐAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top