ClockThứ Bảy, 21/08/2021 14:00

Dự trữ nguyên liệu duy trì sản xuất

TTH - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngoài lên phương án 3 tại chỗ, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng tính đến việc dự trữ nguyên liệu để duy trì sản xuất.

Doanh nghiệp dệt may chuyển dịch nguồn cung nguyên phụ liệu

Muốn duy trì sản xuất, các doanh nghiệp phải dự trữ nguyên liệu. Ảnh: TRUNG PHAN

Khó khăn chồng chất

COVID-19 hoành hành, nhiều DN điêu đứng, đặc biệt là những DN xuất khẩu. Còn nhớ, năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhà máy dệt may gặp khó trong việc thực hiện các đơn hàng, bởi thiếu nguyên liệu và sự khó khăn trong quá trình lưu thông hàng hóa. Khi ấy, nhiều DN phải chuyển dịch đơn hàng, chuyển dịch cả thị trường và hơn hết là chuyển dịch cả sản phẩm. Công ty Dệt may Phú Hòa An đã từng sống khỏe khi chuyển sang sản xuất các sản phẩm khẩu trang. Điều ấy giúp quy trình vận hành thông suốt, công nhân có thêm việc làm.

Bây giờ, khi dịch kéo dài, Công ty Dệt may Phú Hòa An duy trì bằng cách chủ động ổn định sản xuất với các đơn hàng chủ lực. Công ty tập trung sản xuất và giao dứt điểm các đơn hàng, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, tạo niềm tin cậy với khách hàng, nhờ vậy đơn hàng của công ty đảm bảo đến hết năm 2021.

Dù vậy, khó khăn dường như hiển hiện trước mắt. Với các mặt hàng xuất khẩu, khâu vận tải, khó lưu thông đang là trở ngại của DN. Giám đốc Công ty Dệt may Phú Hòa An, Lê Hồng Long cho biết: “Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu của công ty ổn định, tuy nhiên chi phí xuất nhập khẩu tăng lên gấp nhiều lần, tàu chở nguyên phụ liệu nhập khẩu thường bị chậm trễ từ 5-10 ngày…đó chính là những khó khăn trước mắt buộc đơn vị phải vượt qua”.

 

Từ nguồn nguyên liệu dự trữ, nhiều doanh nghiệp duy trì sản xuất

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc ổn định, duy trì sản xuất đóng vai trò sống còn đối với DN, song công tác phòng, chống dịch còn đặc biệt quan trọng hơn. COVID-19 vẫn còn kéo dài, các DN luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu. Dù vậy, trong quá trình lên phương án 3 tại chỗ, nhiều DN đang gặp khó.

Lãnh đạo một DN cho rằng, với phương án 3 tại chỗ, đơn vị sẽ khó khăn trong việc thực hiện bởi chi phí tăng. Các nhà máy chuyên sản xuất chưa từng bố trí lưu trú cho công nhân nên gây ra trở ngại. Ngoài ra, nhiều vấn đề phát sinh như việc cung cấp suất ăn cho công nhân, an ninh trật tự và khi thay đổi thói quen sinh hoạt, tâm lý công nhân cũng có sự thay đổi, đặc biệt là công nhân nữ…

Việc kiểm soát chặt chẽ phương tiện và người trong mùa dịch bệnh nhằm đảm bảo cao nhất yêu cầu chống dịch. Theo đó, cùng với các hoạt động khác, việc sản xuất lưu thông hàng hóa của DN cũng gặp khó khăn. “Thị trường xuất khẩu của chúng tôi chủ yếu châu Âu, Mỹ, trong khi đó nguyên vật liệu đầu vào được nhập từ Trung Quốc và các tỉnh, thành phía Nam. Dịch bệnh khiến việc lưu thông khó khăn. Việc thay thế vật tư sản xuất cũng phải đợi rất lâu. Bây giờ, công suất sản xuất giảm bởi yếu tố đầu vào đang hạn chế. Một số hạng mục đã đầu tư nhưng thị trường đầu ra chững lại, không được như mong muốn, đơn hàng cũng đang tạm hoãn”, ông Lê Dương Huy, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế bày tỏ.

Nỗ lực duy trì sản xuất

Hai thành tố quan trọng trong quá trình sản xuất của các DN, đó là nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra. COVID-19 chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, chủ động thích ứng và tìm cách duy trì sản xuất là các phương án được các DN hướng đến. Trong đó, việc chủ động nguyên liệu sản xuất đóng vai trò quan trọng.

Lãnh đạo Công ty CP Dệt may Huế cho biết, để duy trì sản xuất trong thời điểm việc lưu thông hàng hóa khó khăn, nhất là dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, đơn vị này đã dự trữ nguồn nguyên liệu đủ để sản xuất 6 tháng.

Trước những khó khăn thực tại, song song với việc sản xuất, công tác phòng dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu. “Bằng nguồn nguyên liệu dự trữ, chúng tôi cố gắng duy trì sự ổn định tạm thời. Những dự định về mở rộng quy mô hay thị trường tạm gác lại. Bây giờ, ngoài việc sản xuất, bảo vệ sức khỏe cho người lao động là hàng đầu, ông Lê Dương Huy, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Theo ông Lê Hồng Long, để sống chung với dịch và ổn định sản xuất, biện pháp hiệu quả là tiêm vắc-xin cho số lao động thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, giao nhận hàng hóa và sau đó là toàn bộ lao động trong khu công nghiệp. Nếu được DN sẵn sàng chia sẻ kinh phí để có nguồn vắc-xin tiêm cho người lao động.

“Đối với nguyên liệu công ty đã tranh thủ nhập về trước, đồng thời thuê thêm kho bãi để cất trữ hàng; đối với phụ liệu làm từ TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương thì làm việc với khách hàng xin phát triển tại các cơ sở ở Huế và Đà nẵng để chủ động về thời gian. Về đơn hàng của công ty hiện nay đã được khách hàng đặt cho đến hết năm 2021 nên nếu kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thì công ty ổn định sản xuất đảm bảo thu nhập cho người lao động đến cuối năm”, ông Long chia sẻ.

Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh thông tin: “Qua kiểm tra, hiện các DN dự trữ nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đảm bảo cho nhu cầu sản xuất. Về lâu dài, để ổn định nguồn cung, tỉnh đang xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày. Hiện, Khu Công nghiệp Phong Điền đã có khu công nghiệp dành cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ, song do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên công tác thu hút đầu tư gặp khó khăn, hạn chế”.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top