ClockChủ Nhật, 25/07/2021 06:01

Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần

Giảm lãi suất cho vay nhưng không hạ chuẩn tín dụngLãi suất huy động tăng, nhưng không đột biến

Một loạt các ngân hàng thương mại vừa điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm đối với các khoản vay hiện hữu. Trong đó, Vietcombank giảm 1%/năm, lãi suất cho khách hàng thuộc 9 nhóm ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch bệnh; Agribank giảm tiếp 1% lãi suất cho vay đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Vietinbank cũng giảm 1,0%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu và giải ngân mới của khách hàng. Với việc giảm lãi suất lần này, Vietinbank dự kiến con số hỗ trợ tiền lãi, phí 6 tháng cuối năm cho khách hàng hơn 2.000 tỷ đồng và cả năm hơn 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần khác như Sacombank, HDBank, VIB, TPBank… cũng đang triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ 1-1,5%/năm. Riêng BIDV giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay đối với một số nhóm khách hàng khó khăn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, như các lĩnh vực: Lưu trú, nhà hàng, khách sạn, vận tải..., với tổng nguồn lực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 hơn 6.100 tỷ đồng.

Giảm lãi suất cho vay là cần thiết, song phải đi kèm với các giải pháp căn cơ khác mới giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Có thể thấy, việc giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động sản xuất và đứng bên bờ vực phá sản như hiện nay là động thái cần thiết, thể hiện sự chia sẻ rất thiết thực giữa ngành ngân hàng với doanh nghiệp. Theo một chuyên gia về lĩnh vực tài chính-ngân hàng, việc giảm lãi suất cho vay từ 1-2% của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm sẽ khiến ngành này mất đi khoảng 50% lợi nhuận so với năm 2020, tương đương khoảng 96.000 tỷ đồng. Đây quả thật là con số không hề nhỏ, bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, khi giảm lãi suất cho vay cũng tương đương với việc cổ đông, cán bộ, nhân viên… sẽ giảm thu nhập, cổ tức do lợi nhuận giảm. Vì thế, muốn giảm lãi suất, họ phải có sự đồng thuận của cổ đông.

Song, cũng cần thấy rằng, hiện nay chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động khá lớn. Hiện vẫn còn rất nhiều khoản vay có lãi suất từ 8-9%/năm, trong khi lãi suất huy động chưa bao giờ giảm đến mức thấp như hiện nay. Những gói huy động ngắn hạn chỉ dao động từ 3,8-4,5%/năm, với thời hạn gửi từ 1-6 tháng… Nếu bù trừ chênh lệch thì rõ ràng, ngành ngân hàng vẫn có lợi nhuận. So với rất nhiều doanh nghiệp khác, phải ngừng hoạt động, phá sản…, người lao động mất việc, thất nghiệp, nợ bảo hiểm… với con số kỷ lục 100.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong năm 2020, thì ngân hàng vẫn đang là lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt, khi lao động vẫn có việc làm, có thu nhập ổn định.

Có thể mọi so sánh đều khập khiễng, nhất là giữa ngành này với ngành kia, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác. Bởi, xét ở khía cạnh tích cực thì việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng đã góp phần cùng với Chính phủ, chính quyền chung tay tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, để ít nhất là giúp doanh nghiệp cầm cự qua mùa dịch, chỉ giảm lãi suất thôi chưa đủ, mà cần thêm nhiều giải pháp căn cơ khác, như chính sách về tài khóa, thuế, phí, an sinh xã hội, tiền lương... Bởi doanh nghiệp là “xương sống” của nền kinh tế. Chỉ khi doanh nghiệp ăn nên làm ra thì nền kinh tế mới nhanh phục hồi, phát triển và ngân hàng mới có đối tác để hợp tác sau này.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Return to top