ClockChủ Nhật, 05/06/2022 22:44
TÍCH HỢP CĂN CƯỚC CÔNG DÂN VỚI ATM:

Giảm tải trong phát hành thẻ

TTH - Một số địa phương đã thí điểm sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip để thực hiện các giao dịch rút tiền, chuyển tiền như một thẻ ATM tại cây ATM. Đây được xem là hướng đi mới tạo thuận lợi không nhỏ cho cả người dân lẫn các ngân hàng nếu mở rộng phạm vi áp dụng.

Những chính sách, quy định mới sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2022Sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnhThí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip

Sử dụng ngân hàng điện tử đang góp phần giảm tải cho ATM

An toàn là yếu tố hàng đầu

Một số địa phương như Hà Nội,̀ Quảng Ninh… đang tổ chức thực hiện thí điểm việc rút tiền tại cây ATM bằng CCCD gắn chip tại một số ngân hàng. Theo đó, người dân có thể dùng thẻ CCCD gắn chip để rút tiền mặt tại cây ATM thay cho thẻ ATM như hiện nay.

Với hình thức rút tiền mới này, người dùng lựa chọn chức năng rút tiền không dùng thẻ ATM tại màn hình của máy ATM, sau đó nhấn chọn rút tiền bằng CCCD gắn chip và đặt thẻ CCCD gắn chip của mình lên đầu đọc thẻ. Hệ thống ngay lập tức kiểm tra thông tin người dùng trên CCCD thay vì chỉ sử dụng duy nhất mật khẩu để xác nhận thông tin như trước đây. Thông tin khách hàng sẽ được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học bằng hình thức quét khuôn mặt và vân tay. Trong quá trình thao tác, khách hàng phải nhìn trực tiếp vào camera giao dịch của máy ATM và thực hiện các thao tác đăng nhập như sử dụng bằng thẻ ATM trên máy.

Chị Cao Thị Lành (TP. Huế) chia sẻ, nếu sử dụng CCCD để rút tiền tại ATM thì rất tiện lợi, vì không cần phải lúc nào cũng mang thẻ ATM bên mình để rút tiền. Với lại khi thẻ ATM hỏng, lỗi vẫn dùng được CCCD để rút tiền. Quan trọng là việc rút tiền bằng CCCD có “nhiêu khê” hay rườm rà hơn không, có đảm bảo được bảo mật thông tin không mà thôi.

Với nhiều người khác, việc sử dụng tích hợp CCCD với thẻ ngân hàng hay không cũng không mấy quan trọng. Vì hiện nay, nhiều người đã chuyển từ giao dịch tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ví điện tử, ngân hàng điện tử nên tần suất giao dịch qua ATM giảm đi đáng kể.

Điều này cũng giảm áp lực không nhỏ cho hệ thống ATM. Bằng chứng là trong năm 2021, lượng giao dịch trực tuyến có bước tăng trưởng vượt bậc. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thừa Thiên Huế, tổng số lượng giao dịch qua kênh điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 113.155 tỷ đồng. Trong đó, qua kênh mobile banking đạt 59.877 tỷ đồng, tăng 149% so với năm 2020; qua kênh internet banking đạt 53.278 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2020. Trong khi đó, giao dịch qua thẻ ATM không có nhiều tăng trưởng trong năm qua.

Anh Nguyễn Hồng Tú (TP. Huế) cho rằng, việc rút tiền mặt bằng ATM hay CCCD hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Việc sử dụng thẻ CCCD để rút tiền vẫn chỉ đang trong giai đoạn thí điểm, nếu bảo đảm an ninh, an toàn mới tiếp tục mở rộng ra các ngân hàng khác và áp dụng thêm tại nhiều địa phương khác nên không quá lo xa.

Hạ tầng phải đi trước

Theo đại diện NHNN, sử dụng thẻ CCCD gắn chip rút tiền tại ATM đã được tính toán rất kỹ về mức độ an toàn trước khi triển khai thí điểm. Khi sử dụng CCCD tại ATM đều đòi hỏi khách hàng phải đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học bằng hình thức quét khuôn mặt và vân tay, do đó, sẽ hạn chế tối đa tình trạng mất an toàn. Chưa nói, thông tin từ thẻ chip có độ bảo mật cao, tội phạm công nghệ cao rất khó đánh cắp thông tin.

Bên cạnh nỗi lo bảo mật, vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất chính là hạ tầng ATM có đảm bảo nếu như mở rộng triển khai. Bởi theo thống kê của NHNN Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 221 máy ATM, trong đó có 75 ATM đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ mới (nộp tiền, quét mã QR code...). Số lượng ATM tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa chiếm 88,2% tổng số ATM trên địa bàn tỉnh. Như vậy, vẫn còn một số ít máy ATM chưa đáp ứng tiêu chuẩn nếu triển khai mở rộng việc sử dụng CCCD gắn chip để thực hiện các giao dịch tại ATM.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải triển khai nâng cấp, cài đặt lại hệ thống để đảm bảo giao dịch thông suốt, an toàn và hiệu quả nhất.

Theo nhìn nhận của một số đại diện ngân hàng trên địa bàn tỉnh, nếu triển khai tích hợp CCCD với thẻ ngân hàng sẽ tiết kiệm một chi phí không nhỏ cho các ngân hàng trong việc phát hành và mở thẻ. Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm cũng chỉ dừng lại ở mức sử dụng CCCD để rút và chuyển tiền tại máy của một số ngân hàng mà khách hàng có tài khoản. Vì thế, việc sử dụng thẻ ATM trong giao dịch vẫn được xem là lựa chọn tối ưu cho người dân trong giao dịch tại máy ATM.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn thận với chiêu trò lừa chuyển tiền mua hàng qua mạng

Với xu thế mua hàng trên mạng ngày một nhiều, chủ yếu là shipper giao đến thì chuyển khoản vì không có ở nhà để nhận, sau khi nhận không đúng hàng vẫn có thể hoàn hàng, shipper đến nhận lại nên nhiều người cũng không ngần ngại chuyển khoản liền nếu shipper yêu cầu... Lợi dụng điều này, nhiều người đã bị lừa chuyển tiền mà thực tế chẳng có món hàng nào được giao đến nhà.

Cẩn thận với chiêu trò lừa chuyển tiền mua hàng qua mạng
Sớm cụ thể hóa Luật Căn cước

“Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân (CCCD) vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật” là một trong những nội dung mà Luật Căn cước (CC) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Sớm cụ thể hóa Luật Căn cước
Bù tiền vé máy bay… “vô duyên”

Đôi co qua lại, mà giờ bay thì đã cận kề, hỏi thì được “khuyên” sang quầy của hãng bay mà trình bày, nếu còn vé thì sẽ được đổi, còn không thì buộc phải hủy- Chúng tôi được cảnh báo! Hai vợ chồng lật đật chạy sang quầy của hãng bay...

Bù tiền vé máy bay… “vô duyên”
Return to top