ClockThứ Hai, 05/08/2019 14:30

Gian nan bảo vệ rừng

TTH - A Lưới có rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với diện tích lớn. Cùng với địa hình biên giới hiểm trở và chia cắt, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) gặp không ít khó khăn.

“Canh lửa” giữ rừngThành lập 4 tổ hợp tác bảo vệ rừngKý kết bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

Tịch thu gỗ trong các đợt truy quét cao điểm đầu năm 2019

Cuộc chiến gian nan

Sắp xếp các vật dụng, tăng bạt, lương thực, thực phẩm lên chiếc ghe máy, đội bảo vệ rừng Trạm Kiểm lâm Chà Linh – Mụ Nú, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, do anh Nguyễn Đình Dũ, Phó Trạm trưởng phụ trách xuất phát từ vị trí đập lòng hồ thủy điện Bình Điền chạy hơn 3h đồng hồ mới đến được vị trí đóng quân của trạm.

Anh Dũ chia sẻ: “Trạm có nhiệm vụ quản lý hơn 30.000 ha rừng tự nhiên giáp ranh 3 huyện Hương Thủy, Nam Đông và A Lưới. Đây là đơn vị khó khăn nhất, do địa hình chia cắt, hiểm trở, không có sóng điện thoại”. 

Theo anh Dũ, lợi nhuận thu được từ việc buôn bán lâm sản rất lớn nên các vụ vi phạm lâm luật ngày càng diễn biến phức tạp, với phương thức và thủ đoạn tinh vi. Khi lực lượng chức năng truy quét, các đối tượng vi phạm thường lợi dụng địa hình rừng sâu, núi cao, lực lượng chức năng mỏng, sẵn sàng chống trả quyết liệt. “Ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, chúng tôi còn đặt camera ở các vùng đệm để kịp thời phát hiện “lâm tặc”, những kẻ săn trộm động vật rừng hay nguy cơ xảy ra cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả”. Một cán bộ kiểm lâm của trạm bộc bạch.

Trạm Kiểm lâm địa bàn Hồng Hạ, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới cũng là đơn vị gặp rất nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Đơn vị có nhiệm vụ quản lý trên 46.400 ha rừng tự nhiên, đặc dụng ở 2 xã Hồng Hạ và Hương Nguyên.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn Hồng Hạ Phạm Viết Nam cho biết, từ sáng sớm, tổ tuần tra bắt đầu khởi hành băng núi cao, lội suối sâu theo phương án bảo vệ rừng đã định sẵn. Mỗi chuyến tuần tra, truy quét như vậy cả đội đi về trong 5 ngày. “Chuyện rắn cắn, ong đốt, vắt, sên đeo là chuyện thường ngày của kiểm lâm địa bàn ở đây”. Anh Nam chia sẻ.

Biết dựa vào dân

A Lưới là huyện miền núi biên giới, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp rất lớn, với hơn 110.610 ha. Trong đó, rừng tự nhiên 81.335 ha, phân theo chức năng gồm 16.119 ha rừng đặc dụng, 41.181 ha rừng phòng hộ... Do địa hình phức tạp, có tuyến biên giới, giáp ranh với nhiều huyện nên vấn đề quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở đây gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có ba cơ quan tham gia bảo vệ rừng là Hạt Kiểm lâm huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới và Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn theo đúng chức năng lại chỉ thuộc biên chế của Hạt Kiểm lâm, đơn vị phải bố trí lực lượng tổ chức thành 5 trạm kiểm lâm địa bàn, gồm: Chà Linh – Mụ Nú, Hồng Hạ, Hồng Trung, lòng hồ A Sáp và Hương Phong. Vì thế, lực lượng kiểm lâm bám sát địa bàn vẫn còn rất mỏng.

Vừa qua, Hạt Kiểm lâm A Lưới phối hợp với các ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã tổ chức các đợt cao điểm truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Qua các đợt truy quét (trong 6 tháng đầu năm 2019), lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 101 vụ; trong đó, 11 vụ phá rừng trái pháp luật, 10 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, 3 vụ đưa phương tiện, công cụ trái phép vào rừng và 77 vụ vi phạm khác. Tang vật, phương tiện tịch thu gồm 104,3 m3 gỗ, hầu hết là gỗ xẻ… Theo Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, so với cùng kỳ năm 2018, số vụ vi phạm tăng lên 5 vụ và lâm sản tịch thu tăng 17,2 m3.

Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với lực lượng liên ngành như Công an, Biên phòng để kiểm tra và kịp thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi khai thác rừng trái phép, lập lại an ninh trật tự tại các cánh rừng.

Một yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý và bảo vệ rừng, đó là tại các khu vực rừng trên địa bàn huyện, bà con đều sinh sống liền kề rừng phòng hộ, đặc dụng. Một bộ phận dân cư sinh sống ở đây do thiếu hoặc không có đất canh tác nên hằng năm vẫn phát rừng làm nương rẫy, và khai thác trái phép lâm sản để bán, giải quyết nhu cầu cuộc sống.

Hạt Kiểm lâm huyện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các xã triển khai họp cụm dân cư, tổ chức ký cam kết cho các hộ về bảo vệ rừng tại 395 cụm dân cư với hơn 20.500 hộ gia đình tham gia tại 21 xã, thị trấn. Qua đó, đã giao mới hơn 15 ngàn ha rừng tự nhiên cho 202 nhóm hộ gia đình, gia đình và 20 cộng đồng dân cư thôn nhận quản lý, bảo vệ.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới Lê Nhân Đức, cho biết thêm, nhờ có kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình được giao rừng tự nhiên quản lý bảo vệ đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng, cung cấp thông tin kịp thời cho kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã để ngăn chặn.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Sau hơn 6 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL - có hiệu lực từ 1/1/2018), hoạt động TGPL đã kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật. Qua đó, quyền công dân, quyền con người được bảo đảm, đặc biệt là quyền tiếp cận công lý, công bằng trong xét xử, tranh tụng.

Kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân
Tăng giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Mở rộng các nguồn thu từ rừng, tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần khôi phục chất lượng của các khu rừng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ðây là một hướng đi quan trọng nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trong điều kiện hiện nay.

Tăng giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
Muốn bảo vệ vững chắc biên giới phải hiểu biên giới

Lễ phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thống 60 năm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế” và cuộc thi ảnh “Tự hào biên giới, biển đảo quê hương Thừa Thiên Huế”, do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng; nâng cao kiến thức, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biên giới, biển, đảo trong tình hình mới.

Muốn bảo vệ vững chắc biên giới phải hiểu biên giới
Đồng USD mạnh lên thúc đẩy các chính phủ châu Á tăng cường bảo vệ đồng nội tệ

Theo một phân tích của Nikkei, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và lãi suất cao hơn trong thời gian dài đã khiến các đồng nội tệ châu Á yếu đi. Từ đó, các nhà hoạch định chính sách châu Á đang phản ứng trước sự mạnh lên của đồng USD ở nhiều mức độ khác nhau, từ việc đưa ra các lời cảnh báo cho đến việc tăng lãi suất.

Đồng USD mạnh lên thúc đẩy các chính phủ châu Á tăng cường bảo vệ đồng nội tệ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top