Thanh long được sơ chế để chế biến thành sản phẩm sấy dẻo ở nhà máy Nafood (huyện Đức Hòa, Long An). Ảnh: Bùi Giang/TTXVN
Hội nghị trực tuyến với các địa phương, doanh nghiệp do Bộ Công thương tổ chức dự kiến ngày 16/3 tới đây sẽ là diễn đàn để lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.
Lệch cán cân thương mại
Theo các chuyên gia thương mại, những tác động của dịch COVID-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác. Nguyên nhân là hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như: may mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Không những thế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong tháng 2/2020 bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch COVID-19. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, song nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tính đến cuối tháng 2, tiến độ thông quan tại một số cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng. Lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn thấp hơn nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 1 và tăng 34% so với cùng kỳ tháng 2 năm 2019. Theo đó, nếu gộp chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 2, Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 11,41 tỷ USD, tăng 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,51 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Trần Thanh Hải, có thể thấy xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 6%, cao hơn so với tăng trưởng 0,9% của khối doanh nghiệp FDI.
Phân tích thêm về từng ngành hàng cụ thể, ông Trần Thanh Hải cho hay, trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản đạt 1,39 tỷ USD, giảm 15,1% so với tháng 1 và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 7,48% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 3,03 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái là gạo và sắn tăng lần lượt 20,5% và 55,8%.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, nhóm hàng nông, thủy sản chịu ảnh hưởng rất rõ rệt bởi đây là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Nhận định về thị trường xuất khẩu, theo ông Trần Thanh Hải, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, thị trường ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,05 tỷ USD, tăng 3,3%.
Gộp chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,35 tỷ USD, tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,75 tỷ USD, tăng 2,2%. Đáng lưu ý, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp theo lần lượt là thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.
Theo các chuyên gia thương mại, 2 tháng đầu năm cán cân thương mại của Việt Nam đã lệch sang hướng nhập siêu 176 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu do dịch COVID-19 từ cuối tháng 1 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020.
Linh hoạt các giải pháp
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu, trong tháng 2, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu sang làm việc tại hai thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc để đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, tránh rủi ro phụ thuộc vào một đối tác.
Theo đó, Đoàn công tác của Bộ Công Thương yêu cầu phía bạn phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh quá trình cấp phép các loại trái cây tươi có chất lượng tốt của Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường này phục vụ nhu cầu người dân như: thanh long ruột đỏ, bưởi...
Ngoài ra, trong chiều 4/3 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn thực chất nhằm tìm cách tháo gỡ giúp tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng bên cạnh các giải pháp triển khai ngay trong bối cảnh dịch bệnh, cần tính đến cả kế hoạch hậu dịch bệnh.
Tuy nhiên, yêu cầu then chốt là hoàn thiện cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng và minh bạch để doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp nguồn lực để đảm bảo có điều kiện duy trì sản xuất kinh doanh và thương mại, giữ thị phần phát triển.
Trong dài hạn, cần định hình lại ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, để doanh nghiệp chủ động nguồn cung trong nước thay vì phụ thuộc nhập khẩu, giữ vững chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Các vấn đề cũng như kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp sẽ được Bộ Công Thương tiếp thu và đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương doanh nghiệp do Bộ tổ chức dự kiến vào ngày 16/3 tới.
Tại Hội nghị, các nhiệm vụ cụ thể cũng sẽ được giao đến từng đơn vị thuộc Bộ Công Thương để vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời sẵn sàng các giải pháp để báo cáo Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triệt để, có hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan. Điều này nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới nhất là việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, trái cây trong giai đoạn hiện nay.
Riêng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ liên quan để trình Chính phủ và Quốc hội, cùng với đó cũng sẽ có kế hoạch thực thi Hiệp định này hiệu quả nhất, đảm bảo hướng đến độ phủ nhận thức trong toàn xã hội và gắn với tối ưu hóa lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo TTXVN