Các trộ chuôm trên đầm phá góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản
Theo bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, gần đây, việc định hình hệ thống rừng ngập mặn dọc phá Tam Giang kết hợp với các khu bảo vệ NLTS hệ sinh thái vùng đầm phá bắt đầu phong phú, nhiều loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao dần xuất hiện nhiều trở lại.
3 năm 2016 - 2018, sự hỗ trợ các tổ chức SODI (dự án “Hỗ trợ các cộng đồng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng phá Tam Giang”) và dự án Luxembourg (dự án “Xây dựng năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ người dân sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện sinh kế” do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ), mô hình chuôm bắt đầu hình thành và phát triển trở lại sau một thời gian “thất truyền”.
Hiện, trên địa bàn huyện phát triển, nhân rộng trên 180 trộ chuôm nằm rải rác tại các xã dọc đầm phá mang lại nguồn lợi không nhỏ cho người dân địa phương.
Đưa chúng tôi dạo một vòng dọc khu bảo vệ NLTS Vũng Mệ (Quảng Lợi), tham quan rừng ngập mặn, anh Hà Binh, cán bộ UBND xã Quảng Lợi, Bí thư chi bộ thôn Ngư Mỹ Thạnh khẳng định, thu nhập từ đánh bắt NLTS đầm phá đang dần phục hồi theo hướng bền vững. Ngoài hạn chế sử dụng các loại lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, khai thác tận diệt, người dân ngày càng có ý thức hơn trong xây dựng các mô hình sinh kế bền vững.
Toàn xã có hơn 60 trộ chuôm, mỗi trộ cho thu nhập từ 15 - 25 triệu đồng, đây còn là bãi đẻ cho các loài thủy sản, góp phần tái tạo nguồn lợi vùng đầm phá.
Trên địa bàn huyện Quảng Điền, 4 khu bảo vệ NLTS gồm: khu Vũng Mệ (Quảng Lợi), khu Cồn Máy Bay (xã Quảng Ngạn); khu Doi Trộ Kèn (thị trấn Sịa); khu An Xuân (xã Quảng An) được thành lập. Địa phương tiến hành giao quyền quản lý mặt nước cho 17 chi hội nghề cá ven phá. Thông qua hoạt động tuần tra, ngăn chặn các đối tượng khai thác theo phương thức hủy diệt, phát triển các bãi đẻ nhân tạo, các chi hội nghề cá trực tiếp góp phần bảo vệ, tạo điều kiện cho các sinh vật thủy sinh, NLTS phát triển.
Với hỗ trợ xây dựng các mô hình đánh bắt, quản lý hiệu quả mặt nước đầm phá, huyện Quảng Điền đã tổ chức rà soát, thống kê các hộ gia đình, cá nhân có sử dụng phương tiện đánh bắt thủy sản hủy diệt, tuyên truyền pháp luật về các quy định khai thác thủy sản, ký cam kết không tham gia khai thác hủy diệt.
Người dân đang dần thấy được lợi ích và trách nhiệm của mình trong duy trì và bảo vệ NLTS. Đây là bước tiến quan trọng hướng đến phát triển hệ sinh thái đầm phá Tam Giang xanh, bền vững.
Bài, ảnh: HOÀNG ANH