Hệ thống cống thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước được đầu tư bài bản
70% nước thải khu vực đô thị phía Nam sẽ được xử lý
Tín hiệu mừng cho việc đầu tư hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải khu vực lõi trung tâm đô thị phía Nam chính là việc thi công Dự án Cải thiện môi trường TP. Huế (DA CTMTN) với hệ thống xử lý nước thải đồng bộ có công suất xử lý 30.000m3/ngày đêm, từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản.
Cùng với hệ thống đường ống, trạm bơm, việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ xử lý sinh học bùn hoạt tính đảm bảo khi nước thải ra môi trường đạt chuẩn theo quy chuẩn Việt Nam, đảm bảo an toàn về mùi và các yếu tố kỹ thuật khác.
Hiện DA đã hoàn thành 98% khối lượng công việc, dự kiến đầu năm 2020 sẽ chính thức đi vào vận hành toàn bộ hệ thống.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc BQL DA thông tin, với hệ thống đường ống được đầu tư bài bản, công nghệ xử lý hiện đại, khi hoàn thành, nhà máy xử lý nước thải sẽ giải quyết gần như triệt để lượng nước thải sinh hoạt ở khu vực trung tâm phía Nam TP. Huế. Nhờ thế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và hạn chế nguồn phát sinh dịch bệnh. Dự kiến hệ thống sẽ trực tiếp xử lý được 70% nước thải khu vực đô thị phía Nam.
Riêng hạ tầng xử lý nước thải cho Khu đô thị (KĐT) mới An Vân Dương, thành phố, BQL Khu vực phát triển đô thị (KVPTĐT) đề xuất sử dụng nguồn dự phòng của DA CTMTN để đảm bảo đồng bộ hệ thống thoát nước thải cho toàn khu vực này. Mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương bổ sung hệ thống xử lý nước thải tại KĐT mới An Vân Dương vào DA CTMTN. Đây là tín hiệu tích cực cho việc đầu tư hạ tầng tại KĐT này, nâng tỷ lệ nước thải đã qua xử lý trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, để bảo đảm nước thải tại các DA ở khu vực này phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các chủ đầu tư, BQL KVPTĐT có phương án, tiến độ thực hiện việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải.
Xử lý từ nguồn phát thải
Theo ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, muốn hạn chế tác động của nước thải đến môi trường, đời sống cần giải quyết được bài toán xử lý nước thải tại nguồn. Muốn như vậy, tỉnh, thành phố phải đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải triệt để trước khi thải ra hệ thống hồ, sông. Cùng với đó, việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, nguồn vốn ODA như DA CTMTN cũng cần được đẩy mạnh nhằm hoàn thiện 30% hạ tầng thoát nước còn lại trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian chưa xây dựng được hệ thống thu gom, xử lý toàn thành phố, những vùng chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống thoát và xử lý nước thải có thể đầu tư theo hướng xã hội hóa. Tại một số nước, mỗi gia đình đều xây dựng một hố ga (thu nước) tại hộ gia đình, cơ sở sản xuất trước khi thải ra sông. Nước thải khi được chảy qua hố ga sẽ thu gạt, lắng đọng toàn bộ rác, tạp chất, trước khi tự chảy ra sông. Nguồn nước thải cũng có thể tái sử dụng để rửa, tưới, bổ cập nước ngầm, còn tạp chất tách được có thể sử dụng làm phân bón cây trồng… Việc này tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả vô cùng to lớn.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý trực tiếp nguồn nước thải của các hộ gia đình, nguồn tiếp nhận hay cống xả cũng là giải pháp.
Khuyến khích các hộ gia đình sử dụng chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ khoáng hóa và vi sinh, thả xuống bồn cầu, bồn rửa bát, cống rãnh thoát nước trong gia đình và nhà vệ sinh. Các chế phẩm này khi hòa tan có tác dụng xử lý chất thải trong nước tại các hộ gia đình trước khi xả ra sông. Đây là giải pháp để có thể xử lý, phục hồi, làm sạch tạm thời chất lượng nước sông trong thời gian ngắn, phạm vi nhỏ, góp phần hạn chế tác động của nước thải đến môi trường.
Với hệ thống sông, hồ đang ô nhiễm, ngoài thực hiện tách, xử lý nước thải tại chỗ cần tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, nhất là trước mùa mưa để tăng lượng thoát nước, giảm bớt tình trạng ô nhiễm. Cùng với đó, chính quyền các địa phương phải tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ trường nước, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến từ các nước để xử lý nguồn nước sông, hồ như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang thí điểm triển khai.
Xây dựng quy hoạch chuyên ngành
Từ góc nhìn khác, ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, trong khi các địa phương đã đầu tư xây dựng quy hoạch chuyên ngành thoát nước, trên địa bàn tỉnh, thoát và xử lý nước vẫn nằm trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Điều này dẫn đến sự manh mún, thiếu đồng nhất cho hạ tầng thoát và xử lý nước thải từng khu vực.
Chưa kể, mỗi khu vực, lưu vực có những đặc trưng riêng, quy hoạch chung không thể đưa ra các giải pháp phù hợp cho từng vùng, từng lưu vực. Vì thế, cần đầu tư thực hiện quy hoạch chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải, xác định các lưu vực thoát nước (nước mưa, nước thải), phân vùng thoát nước thải; dự báo tổng lượng nước mưa, nước thải; xác định nguồn tiếp nhận; xác định vị trí, quy mô của mạng lưới thoát nước, các công trình đầu mối thoát nước và xử lý nước thải (như trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải, cửa xả).
Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương lập quy hoạch chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn toàn tỉnh hoặc các đô thị. Đồng thời, bố trí kinh phí để Sở Xây dựng tổ chức lập và trình UBND tỉnh ban hành trong năm 2019 bộ đơn giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải ở các khu vực có hệ thống xử lý đã vận hành và đang đầu tư xây dựng.
Bài, ảnh: Hoàng Loan