ClockThứ Bảy, 29/02/2020 14:45

Hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm

TTH - Trước bối cảnh giá và sức mua sụt giảm, các cựu sinh viên cùng cán bộ, sinh viên Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế mở chiến dịch hỗ trợ người chăn nuôi vịt tiêu thụ sản phẩm.

Thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệpĐồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường

Am hiểu về nghề nên các thành viên nhóm hỗ trợ người chăn nuôi sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết

Những ngày qua, chiến dịch hỗ trợ người chăn nuôi vịt được mở ra, giúp người chăn nuôi vịt tại Huế bán hàng trăm con vịt mỗi ngày, hạn chế thua lỗ.

Anh Hồ Hoàng Sơn, cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm, thành viên nhóm cho biết, là những người làm trong ngành chăn nuôi thú y, gặp tình cảnh người chăn nuôi gặp khó, ban đầu các anh em trong nhóm chỉ có ý định kêu gọi bạn bè, người thân tiêu thụ giúp.

“Ngày đầu chúng tôi hỗ trợ họ bán được hơn 120 con vịt, đến ngày thứ hai thì người đặt hàng lên đến 400 con. Thấy hiệu quả nên chúng tôi mở chiến dịch giúp người chăn nuôi”, anh Sơn nói.

Theo đại diện nhóm hỗ trợ người chăn nuôi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sinh viên nghỉ học chưa đến Huế, nhiều người cũng dè chừng trong việc mua sắm thực phẩm nên sức tiêu thụ giảm sút, giá cả giảm sâu. Trong khi đó, trung bình một đàn vịt từ khi nuôi đến thời điểm xuất bán là khoảng 50 ngày. Đối với các hộ chăn nuôi vịt lớn, cứ một nghìn con vịt thì mỗi ngày tốn khoảng 2 triệu đồng tiền thức ăn.

“Ban đầu, chúng tôi liên hệ thương lái giúp, nhưng họ cũng giảm buôn. Giá bán trước đây khoảng 145.000 – 150.000 đồng/con (khoảng 3 – 3,5kg) nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 90.000 – 100.000 đồng/con. Với giá này, người chăn nuôi có thể đã lỗ 5.000 – 10.000 đồng/con. Nhưng nếu không tiêu thụ được, chi phí nuôi vịt tăng lên thì  nguy cơ lỗ càng cao", anh Sơn khẳng định.

Từ nhóm thành viên ở Huế, hiện nay, mạng lưới hỗ trợ các hộ chăn nuôi tiêu thụ vịt đã lan tỏa ra các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, chủ yếu là lực lượng cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm, giúp các trang trại lớn theo hình thức là bán vịt lông hay vịt thịt, kêu gọi thương lái hỗ trợ mua với giá cao nhất có thể.

Đại diện nhóm cho biết, nguồn đầu vào của vịt được kiểm tra kỹ, hơn nữa các thành viên trong nhóm đa phần là bác sĩ thú y, làm việc trong ngành chăn nuôi thú y, am hiểu về công tác kiểm dịch. Đối với vịt mổ, sẽ chuyển đến lò mổ của tỉnh để kiểm tra chất lượng trước khi đóng gói, giao hàng, đảm bảo thực phẩm trước khi ra thị trường.

Chị Hoàng Thị Thủy Trang, hộ chăn nuôi vịt ở xã Phong An (huyện Phong Điền) tâm sự: “Nhờ nhóm hỗ trợ người chăn nuôi, số vịt trong trang trại tôi đã cơ bản bán gần hết, giảm bớt những gánh nặng, khó khăn. Họ làm với mục đích lấy công giúp người chăn nuôi chứ không phải thương lái mua bán kiếm lời”.

Đại diện nhóm hỗ trợ người chăn nuôi tại Huế chia sẻ, do lực lượng có hạn trong khâu nhận và giao hàng, nên mỗi ngày chỉ giúp người chăn nuôi bán khoảng 150 con vịt thịt và 300 – 500 con vịt lông, theo hình thức cuốn chiếu từng trang trại. Dự kiến khi giá cả ổn định, sẽ kết thúc chiến dịch.

Kêu gọi giúp người chăn nuôi, theo các thành viên trong nhóm, công việc này khá vất vả và căng thẳng do phải sắp xếp thời gian giữa công việc riêng và giúp người dân. Và dù đây là việc làm ý nghĩa, nhưng không mong muốn có thêm những trường hợp cần hỗ trợ, bởi lẽ với những người dân cần giúp đỡ hay “giải cứu” là họ đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả, Trưởng khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho rằng, chiến dịch hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm rất ý nghĩa. Từ những trang trại nuôi công nghiệp bán đàn, các thành viên nhóm hỗ trợ người nông dân chuyển sang bán con, tiêu thụ nhỏ lẻ nhưng đã phần nào giải quyết được đầu ra trong bối cảnh khó khăn. Sinh viên tham gia chiến dịch cũng đã hiểu thêm về chuỗi cung, chuỗi giá trị, những kiến thức, thông tin cần thiết trong ngành chăn nuôi.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top