|
Trưa 30 tháng Chạp, cúc chậu dao động từ 200 – 800 ngàn/cặp |
Thời điểm cách 1 tuần là đến tết Giáp Thìn 2024, tùy cỡ mà cúc chậu có giá từ 400.000 đến hơn 1 triệu đồng/cặp; quất giá từ 1 triệu – 3 triệu đồng/chậu; đào 2- 5 triệu/chậu; hoàng mai Huế tùy dáng thế mà có giá từ vài triệu đến vài chục triệu/cây…
Đến ngày 7/2 (28 tháng Chạp), giá các loại hoa, cây cảnh giảm dần. Theo đó, các loại hoa, cây cảnh cỡ nhỏ được bày bán với giá từ 50 – 250 ngàn đồng/chậu; hoa đào từ 300 – 3 triệu đồng/chậu; quất từ 100 ngàn đồng – 2,5 triệu đồng/chậu; các loại hoa lan, cúc, ly… tuỳ theo kích cỡ, số lượng hoa với mức giá dao động từ 100 – 5 triệu đồng…
Và đến trưa 30 tháng Chạp, tham khảo một số địa điểm bán hoa tết, giá cả tuy tiếp tục hạ, khi cúc dao động từ 200 – 800 ngàn/cặp; cúc Sa Đéc 140 – 350 ngàn/cặp; lan từ 800 – 1 triệu đồng; đào 300 – 600 ngàn đồng cành; quất 700 cây… nhưng có thể thấy, đây là mức giá được các chủ hàng điều chỉnh để phù hợp với thị trường chứ không phải kiểu “bán như cho”.
|
Không khí tại các chợ hoa tết chiều 30 vẫn khá nhộn nhịp |
Ông Nguyễn Văn Bòn, thương lái nhập hoa cúc từ xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) lên bày bán ở Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh cho hay, những ngày đầu mới dọn hàng, cúc tiêu thụ châm. Tuy nhiên, càng sát tết, cúc và lan là 2 loại được khách mua nhiều nhất. “Từ sáng tới giờ cũng bán được gần 100 cặp cúc đại, hiện hoa của tôi cũng đã gần hết”, ông Bòn nói.
Quan sát một vài dịp cận tết, đúng là chuyện “đập chậu, bỏ hoa” của các thương lái tại Huế là có, nhưng với nhiều lý do mà tình trạng này hiện không phổ biến. “Năm nào lạnh, hoa - chủ yếu là hoa cúc, nở muộn thì chúng tôi đem về “om” đợi đến Nguyên Tiêu bán, cũng vớt vát lại được đôi đồng. Nếu hoa nở đẹp nhưng ế, tôi giữ lại chậu để phục vụ mùa sau, còn hoa nhổ ra bán lại cho những người có chậu to, có thể trồng một lúc hàng trăm cây cúc. Chơi kiểu này hoành tráng mà giá tiền phải chăng, người mua có lợi mà người bán cũng thu hồi được vốn nên không việc gì phải “đập chậu, bỏ hoa”, bà Nguyễn Thị Em (P. Thủy Vân – TP. Huế) nói.
“Rút kinh nghiệm mấy tết trước, bây giờ nhiều thương lái, trong đó có tôi không nhập hoa ồ ạt và chỉ bày bán số lượng vừa đủ, khi nào thấy vơi bớt mới tính toán bổ sung thêm. Vì vậy, tôi đoan chắc đến tối Giao thừa, tình trạng “đập chậu, bỏ hoa” rất hiếm, có chăng chỉ với những thương lái buôn hoa, cây cảnh giá trị thấp, tiền vận chuyển nhiều hơn hoặc bằng tiền vốn, đem về chẳng bỏ công nên mới làm vậy”, ông Ngô Sinh, thương lái trên đường Lê Duẫn nói.
Khoảng 3 ngày trở lại đây, nhiều nơi, trong đó có Huế rộ lên chuyện hoa tết ế ẩm, người bán phải treo biển “xả hàng”, “đại hạ giá”… Nhưng trừ một loại hoa, cây cảnh ngày thường có giá sàn, như hoàng mai Huế, hoa hồng…, hoặc một vài điểm bán có niêm yết giá như tuylip A Lưới… để có thể so sánh, những hoa, cây cảnh còn lại, giá cả như thế nào tùy thuộc địa điểm, tùy thuộc người bán.
|
Chiều 30 tháng Chạp, nhiều người mới có thể tranh thủ chút thời gian rảnh để chọn hoa chưng tết |
Ví như trưa 30 tháng Chạp, có nơi treo biển cúc mâm xôi Sa Đéc đại hạ giá 350 ngàn đồng/cặp, nhưng nơi khác, kích cỡ như nhau nhưng giá chỉ 250 ngàn đồng/cặp. Vậy nên, câu chuyện “đại hạ giá”, “xả hàng”… có khiến người bán lỗ vốn, huề vốn hay vẫn lời thì cũng chỉ có người bán mới rõ nhất.
Chiều 30 tháng Chạp, tiếp tục một vòng các chợ hoa, tuy mưa xuân khiến người bán đôi chút âu lo, nhưng không khí mua bán vẫn khá tấp nập, bởi nhiều người bây giờ mới lo xong mọi việc nội ngoại, tranh thủ chút thời gian rảnh để chọn hoa chưng tết. Và tất nhiên, họ cũng không quá quan tâm đến mấy câu mỉa mai kiểu như sao cứ phải đợi đến ngày 30 mới mua hoa, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”…