Với cây xanh, chọn mua trực tiếp được nhiều người lựa chọn
Mọi lúc, mọi nơi
Đúng dịp gần tết cách đây 3 năm, chị Kim đặt mua 2 bộ áo quần thể thao trên một trang bán hàng trực tuyến. Nhớ lại lần đầu thâm nhập vào thế giới mua hàng online, chị vẫn còn cảm giác thất vọng về kiện hàng “đầu tay”. “Bây giờ kinh nghiệm đầy mình, vẫn thỏa sức mua hàng tốt, giá tốt mọi lúc, mọi nơi. Thường mua ở các shop quen, chỉ cần không vừa ý điểm nào, alo hoặc chat với shop là được tận tình đáp ứng ngay”, chị Kim trò chuyện.
Không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, tham gia TMĐT, người bán được tăng doanh thu, giảm chi phí, quảng bá tiếp thị toàn cầu với chi phí thấp, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng đối tác... Đây cũng là điều thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) Huế như Kim Vui (các sản phẩm tinh dầu), YesHue (gia vị bún bò Huế)... và các cơ sở kinh doanh áo quần, giày dép, mỹ phẩm... trên địa bàn tham gia các sàn TMĐT lớn như: Lazada, Shopee, Tiki, Zalo... Quyên, chủ cơ sở bán hàng qua mạng ở đường Phùng Hưng (TP. Huế) cho hay, mỗi ngày, những đơn hàng của shop được chuyển đi khắp Bắc, Nam. Thời buổi mua bán khó khăn, thế nhưng những “chợ ảo” này đang đẩy doanh số bán ra của shop tăng gấp đôi, gấp ba so với kiểu kinh doanh thông thường.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số- Bộ Công thương, tình trạng vi phạm trong TMĐT vẫn đang tồn tại, còn những khiếu nại về chất lượng hàng hoá, đơn hàng, giao nhận, hoá đơn/chứng từ, bảo hành/bảo trì... Hạ tầng pháp lý để quản lý hoạt động TMĐT hiện nay chính là các Nghị định 52, 124, 72 của Chính phủ. Căn cứ theo đó, việc của cơ quan quản lý là ngăn chặn, xử phạt và loại bỏ khỏi website nếu phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực việc bán hàng giả, cấm, nhập lậu...
Tài khoản LiengialaiNgo trong nhóm Gara Sale Hue trên trang mạng xã hội facebook chia sẻ: “Mình được quyền lập website nhánh, hay mở gian hàng, đăng tin mua bán hàng hoá, dịch vụ trên đó, nhưng không có nghĩa thích rao bán, phục vụ thế nào cũng được. Chỉ cần không tuân thủ điều khoản, quy tắc của nhóm, bị khách hàng phản hồi xấu là bị “ban nick” (xoá, loại bỏ tài khoản) ngay”. Một tài khoản bán hàng khác thừa nhận: “Khách hàng ngày càng “khôn ngoan”, khó tính, nên nếu buôn bán kiểu “đem con bỏ chợ” là mình tự “giết” mình”.
Theo như kinh nghiệm của những “tín đồ” mua hàng online, giữa mê cung chợ ảo, trước hết người tiêu dùng phải “tỉnh táo”, không để bị “sa đà” và nên tìm hiểu kỷ, tham khảo đánh giá tin cậy của những người mua trước. Nên giao nhận kỹ trước khi đặt mua và tốt nhất nên chọn mua shop quen, uy tín, nhận nhiều đánh giá hay, tốt.
Ship hàng, công việc đem lại thu nhập ổn định cho nhiều bạn trẻ
Không để “lỗi thời”
Hai năm nay, làn sóng mua bán qua mạng mạnh chưa từng thấy. Nhân viên giao hàng (shipper) tên Thạnh cho biết, trung bình mỗi ngày, anh ship 50 đơn hàng, cao điểm trúng các đợt nhà mạng chạy chương trình “sale” đậm, “sale” khủng, lượng hàng ship trong ngày có khi trên 100 đơn hàng. Nếu thử làm phép tính với đội ngũ hàng chục nhân viên giao hàng hoạt động mỗi ngày trên địa bàn tỉnh, lượng hàng hóa được chuyển phát qua giao dịch online rất lớn.
Để chen chân chiếm thị phần, hầu như các nhà phân phối lớn, nhỏ, nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh đều đang đẩy mạnh quảng bá, giao dịch và thanh toán theo hình thức trực tuyến. Co.Opmart Huế, đơn vị bán lẻ thuộc hàng nhất nhì trên địa bàn tỉnh tuy chưa mạnh về lĩnh vực bán hàng qua mạng nhưng đã chuẩn bị tâm thế, hạ tầng công nghệ và con người để triển khai dịch vụ này.
Anh Trần Duy Bảo, Tổ trưởng Marketing Siêu thị Co.Opmart Huế cho biết, hệ thống Saigon Co.Opmart đang triển khai thí điểm 2 dự án: Scan&Go và OMNI để tiến đến mở rộng TMĐT. Scan&Go được cài ứng dụng trên điện thoại, khách hàng chỉ cần thực hiện 3 bước đơn giản là được giao hàng tận nhà trong thời gian sớm nhất... Phần mềm OMNI cũng là kênh online đặt hàng trực tiếp. Hai ứng dụng này phát triển, người tiêu dùng rất tiện lợi khi chỉ cần ở nhà và vào các danh mục sản phẩm trên trang web, fanpage, catalogue của siêu thị để mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị.
Hội nhập cùng TMĐT toàn cầu, khách sạn 2 sao Charming Riverside trên đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế khai thác khách đặt phòng qua mạng chiếm trên 90% tổng lượt khách lưu trú. Như những đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú khác, nhờ tham gia vào các website cung cấp dịch vụ TMĐT: Booking, Hostel, Agoda, Traveloka..., khách sạn Charming Riverside luôn thu hút nhiều dòng khách, đảm bảo “full” (kín) phòng thường xuyên. Sẵn sàng trả mức phí cho từng nhà mạng từ 18-25% trên tổng bill đặt phòng trong tháng, nhưng bù lại, khách sạn được quảng bá trên toàn cầu.
Kết hợp giữa online và offline là chiến lược của nhiều DN
“Online” và “offline”
Những DN, người bán và nhà cung cấp dịch vụ đang ngày càng ý thức cần đảm bảo giá tốt, sản phẩm tốt, dịch vụ tốt để duy trì bền vững “chợ ảo” trong thị trường ngày càng đông đúc này. Về phía tỉnh, các cơ quan chức năng đang rất nỗ lực hỗ trợ DN xây dựng website TMĐT, tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Sàn giao dịch TMĐT tỉnh; đào tạo kỹ năng, tư vấn cho DN quy trình bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến; đồng thời xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT.
Ngay cả việc kết hợp hài hòa không biên giới giữa “online” và “offline” cũng đang được DN, nhà phân phối, bán lẻ triển khai để mở rộng thị trường, phục vụ đa khách hàng, với đa dòng sản phẩm.
Chiến lược kinh doanh mà Công ty TNHH Cây xanh Hương Lộc hướng đến chính là cộng hưởng giữa hai hình thức “online” và “offline”, đồng thời chú trọng văn hoá kinh doanh. Anh Đặng Trần Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Cây xanh Hương Lộc không ngần ngại thông tin kế hoạch sắp tới sẽ đẩy mạnh vào lĩnh vực cung cấp sản phẩm cây quà tặng online bên cạnh cung cấp, tư vấn các chủng loại cây xanh tại vườn.
Kinh doanh “offline” đang là thế mạnh để DN hình thành chuỗi hệ thống bán lẻ trên cơ sở xây dựng một hệ sinh thái cây xanh bao gồm kinh doanh, cung ứng dịch vụ và điểm tham quan, giáo dục môi trường. Nhưng cung cấp sản phẩm cây quà tặng trực tuyến sẽ được đẩy mạnh để tăng lượng khách hàng, doanh thu. Công ty tiếp tục hoàn thiện website đã đăng ký bằng cách tăng tính nhận diện, phong phú nội dung; đầu tư, bày trí không gian trưng bày sản phẩm, thiết kế mẫu chậu, mẫu thiệp, phụ kiện đi kèm và đội ngũ, dịch vụ giao hàng.
Hiện có gần 7.000 DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó gần như 70- 80% DN có giao dịch TMĐT và thiết lập trang web. Theo Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2016- 2020, mục tiêu đến năm 2020 có 40% DN tham gia sàn giao dịch TMĐT tỉnh và các sàn cung cấp dịch vụ TMĐT khác; 60% DN có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, chứng tỏ DN đã rất chủ động hội nhập và hoạt động sôi động trong lĩnh vực này. Nhưng nếu thống kê số DN thông báo và đăng ký theo quy định về TMĐT trên toàn tỉnh hiện chưa tới 4%. Chính xác, có 273 website TMĐT bán hàng đăng ký, trong đó 147 website đã được Bộ Công thương duyệt; 29 website cung cấp dịch vụ TMĐT, trong đó có 2 website được xác nhận.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG