Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra công tác tích hợp DVCTT tại xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông
Hồ sơ trực tuyến mới đạt 9%
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và thực hiện cải cách hành chính (CCHC), thời gian qua, UBND tỉnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tăng cường mức độ, phạm vi cung cấp DVCTT của các cơ quan, đơn vị.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trần Thị Hoài Trâm cho biết, việc cung cấp DVCTT được lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xem đây là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả CCHC. Đến nay, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã cung cấp tổng cộng 1.425 DVCTT mức độ 3, 4 (trong đó cấp sở, ngành cung cấp 506 DVCTT mức độ 3 và 527 DVCTT mức độ 4; cấp huyện cung cấp 179 DVCTT mức độ 3 và 112 DVCTT mức độ 4; cấp xã cung cấp 31 DVCTT mức độ 3 và 70 DVCTT mức độ 4). Số lượng DVCTT mức độ 3, 4 chiếm tỷ lệ khoảng 66,83% tổng số TTHC của tỉnh. Một số ngành có tỷ lệ cung cấp DVC trực tuyến cao như Sở Giáo dục và Đào tạo (đạt 100%), Sở Thông tin và Truyền thông (84%), Sở Y tế (75%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (72%), Sở Tài nguyên và Môi trường (60%), …
Đến nay, việc thực hiện thanh toán trực tuyến đối với các DVCTT trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng DVC tỉnh đang được hoàn thiện; đã kết nối nền tảng thanh toán cổng DVC quốc gia. 5 tháng đầu năm 2020, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 35.961, trong đó có 11.525 hồ sơ trực truyến chiếm tỷ lệ hơn 32%; hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC tại các Trung tâm Hành chính công cấp huyện 52.410, trong đó có 8.684 hồ sơ trực truyến chiếm tỷ lệ gần 17%; hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC tại các Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã 72.078, trong đó có 244 hồ sơ trực truyến chiếm tỷ lệ 0,34%.
Như vậy, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh là 232.527 hồ sơ, tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 20.697 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 8,9%. Đối chiếu với các tiêu chuẩn của Chính phủ, năm 2020 tỉnh phải đạt tối thiểu 20%, từ nằm 2021 trở đi tối thiểu là 50%. Vì vậy, để đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu trên, cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các sở, ngành, địa phương, sự vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận cho rằng, hiện nay tỷ lệ hồ sơ trực tuyến còn thấp, 5 tháng chỉ đạt 8,9%. Như vậy có một lượng lớn DVCTT được các ngành, địa phương cung cấp nhưng không có phát sinh hồ sơ; nghĩa là người dân, doanh nghiệp không sử dụng các DVCTT này, ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp DVCTT của tỉnh. Việc cung cấp DVCTT ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm, chú trọng, cụ thể cấp huyện cung cấp tổng cộng 289 DVCTT, trong quý I năm 2020 phát sinh 5.963 hồ sơ chiếm tỷ lệ 16,8%. Đối với cấp xã, tuy đã cung cấp 112 DVCTT mức độ 3, 4 nhưng lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh còn quá thấp, đều này ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp DVCTT của tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến cao của khối sở ngành với tỷ lệ 84%
Thực tế, nhiều người dân và doanh nghiệp thừa nhận chưa biết và chưa thực sự quan tâm nhiều đến các DVCTT của các cơ quan nhà nước. Văn phòng đã chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tổ chức tuyên truyền về DVCTT qua tờ rơi, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chiếm tỷ lệ 32,05%, tuy nhiên, tỷ lệ của các huyện, xã còn thấp, làm ảnh hưởng tỷ lệ chung của tỉnh. Mặt khác, thói quen dùng giấy tờ, trình độ học vấn và điều kiện sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi còn rất nhiều thiếu thốn và hạn chế gây khó khăn trong việc tiếp cận các DVCTT.
Nâng cao chất lượng DVCTT
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ biểu dương những nỗ lực của Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong việc tham gia tích cực vào quá trình cải cách TTHC. Nhấn mạnh, việc phát triển DVCTT là bước đột phá trong công tác cải cách TTHC hiện nay. Việc ứng dụng DVCTT không chỉ tiết kiệm ngân sách Nhà nước mà còn tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc phát triển DVCTT mức độ 3 và 4 là công tác quan trọng trong việc xây dựng CQĐT hiện nay của tỉnh, xem đây là các tiêu chí đánh giá vào cuối năm của các cơ quan, đơn vị.
“Các sở, ngành, địa phương phải rà soát lại toàn bộ các TTHC mức độ 3, 4 có thể triển khai trực tuyến để đưa vào thực hiện. Xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành lập các tổ công tác theo dõi việc rà soát, đánh giá lại danh mục các thủ tục thực hiện được dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 ở từng sở, ngành, địa phương trong tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc thực hiện DVCTT phải gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả đạt được và phải lấy sự hài lòng của người dân, đơn vị làm thước đo đánh giá kết quả. Đồng thời, yêu cầu tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, trong đó cần tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; tiếp nhận, giải quyết đúng tiến độ, chất lượng đối với các DVCTT đã tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCTT.
“Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hệ thống giám sát về CQĐT để thu thập, đo lường mức độ sử dụng DVCTT đối với từng địa phương, từng ngành; tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu TTHC trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết TTHC; đẩy mạnh thanh toán phí, lệ phí, thuế theo hình thức trực tuyến, hạn chế lưu thông tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống”- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Bài, ảnh: Thái Bình