ClockThứ Ba, 13/07/2021 16:07

Hướng tới mục tiêu chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU

TTH.VN - Sáng ngày 13/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU), đã có cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Ngăn chặn tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp phápChung tay phục hồi hệ sinh tháiĐưa tuyên truyền bầu cử đến ngư dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì đầu cầu Thừa Thiên Huế

Ngày 23/10/2017, EC đã đưa ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU và nêu 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện để gỡ “Thẻ vàng”. Phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và rút xuống còn 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới.

Từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19, EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế; tuy nhiên kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC thường xuyên được Bộ cập nhật, báo cáo EC. Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trên 10 đoàn công tác đi kiểm tra tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Tính đến ngày 30/6/2021, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915 tàu (đạt gần 87,5%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620 tàu, đạt hơn 90,5%. Hiện cả nước có tổng cộng 49 cảng được chỉ định đủ điều kiện cho công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác cho tàu cá Việt Nam cập cảng bốc dỡ thủy sản.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU; khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU.

Kết quả triển khai các quy định về chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến hơn so với trước như kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đánh dấu tàu cá đã có sự tiến bộ rõ rệt. Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, trên chưa có tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đấu tranh ngăn ngừa kịp thời, phòng chống không để phát sinh tàu cá tỉnh Thừa Thiên Huế xâm phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài.

Về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 396 tàu cá trong tổng số 410 chiếc có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình và hiện được hiển thị trên hệ thống giám sát tàu cá Quốc gia. Số còn lại 14 chiếc chưa lắp đặt thiết bị VMS hầu hết là các tàu nằm bờ, tạm dừng hoạt động, hoặc đang ở tỉnh xa... (Thừa Thiên Huế hiện đạt tỷ lệ hơn 96% lắp đặt VMS)

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, thời gian qua, chúng ta tập trung xây dựng hệ thống pháp luật về thủy sản đáp ứng được yêu cầu hội nhập, bảo đảm quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm (ban hành 1 luật, 2 nghị định, 10 thông tư và hàng trăm quy định, các văn bản hướng dẫn). Có chuyển biến trong việc thực hiện, từ ý thức của ngư dân đến số lượng tàu vi phạm giảm… Đầu tư, lắp đặt thiết bị VMS đạt kết quả tích cực. Việc quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm có tiến bộ. Cơ sở hạ tầng cảng biển được quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, số lượng tàu vi phạm có giảm nhưng vẫn còn nhiều. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn nhiều hạn chế. Hạ tầng cảng cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng trên, theo Phó Thủ tướng, các quy định chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa phù hợp. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý.

Định hướng các giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là giảm dần số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU và chấm dứt tình trạng này vào năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” của EC. Tuyệt đối không để tình trạng tiếp tục vi phạm dẫn tới bị áp “thẻ đỏ”.

Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan về chống khai thác IUU, đảm bảo người dân cập nhật, tiếp cận đầy đủ, kịp thời văn bản, thông tin về các quy định chống khai thác IUU; về các tập thể, cá nhân điển hình thực hiện phòng, chống khai thác IUU. Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm ngăn chặn, chấm dứt, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, quy định về chống khai thác IUU.

 Anh Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

Ngày 20/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nhằm phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); triển khai Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao.

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU
Giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC

Chiều 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển để triển khai các giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" IUU theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC).

Giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC
“Thua kiện” do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

TAND TP. Huế vừa xét xử vụ án “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động”; tuyên bố người sử dụng lao động “thua kiện”. Đây là “lời nhắc nhở” việc tuân thủ các quy định của pháp luật để được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc do kiện tụng kéo dài.

“Thua kiện” do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Return to top