|
|
Mô hình thu gom rác tại huyện miền núi Nam Đông |
Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở địa phương khá lớn. Chưa kể các huyện, thị xã lân cận, tại TP. Huế mở rộng mỗi ngày hiện nay đã phát sinh hơn 500 tấn rác thải; trong khi đó công tác thu gom, xử lý còn nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến công tác xử lý rác thải, một số khu xử lý rác thải tập trung, đầu tư công nghệ xử lý rác đã đi vào hoạt động. Trong đó, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải rắn (CTR) trên địa bàn bàn hiện nay chủ yếu do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) hợp đồng trực tiếp với chính quyền các địa phương để thực hiện xử lý, chiếm hơn 70% tổng lượng rác phát sinh. Một số khác, như doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, làng nghề tự tổ chức thu gom rồi hợp đồng HEPCO vận chuyển xử lý. Một số huyện, thị có thành lập đơn vị, DN phụ trách môi trường được giao đảm nhiệm khâu vận chuyển, xử lý, còn việc thu gom do các xã, thị trấn thành lập tổ, đội trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, trước khối lượng rác thải phát sinh lớn nên một số khu xử lý rác thải tập trung dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể xử lý hết lượng rác thải hằng ngày, lượng nước rỉ rác chưa được xử lý triệt để làm phát tán mùi, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, khiến người dân bức xúc.
Thông thường khi rác thải không xử lý kịp thời, để tồn đọng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Giải quyết vấn đề này không hề đơn giản mà cần một giải pháp đồng bộ, căn cơ để rác thải nói chung và rác thải sinh hoạt, CTR nói riêng được thu gom, xử lý kịp thời, không còn tình trạng ùn ứ, góp phần bảo vệ môi trường sống bền vững.
Mới đây, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát những khó khăn, hạn chế hoạt động thu gom, xử lý rác thải theo hướng sát thực với tình hình địa phương, phục vụ đắc lực trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, không chỉ lưu ý thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mà chú trọng đến rác thải công nghiệp, bảo vệ môi trường biển...
Đầu tháng 3/2023, UBND tỉnh đã có Quyết định 435/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án tổng thể thu gom sử lý CTR trên địa bàn đến năm 2030; trong đó phân kỳ 2 giai đoạn (2023-2025 và 2026-2030), với mục tiêu, phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp sự phát triển KT-XH bền vững của tỉnh.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, như đưa Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Phú Sơn, xúc tiến đầu tư Nhà máy Xử lý ở khu xử lý Hương Bình; hoàn thành bãi chôn lấp CTR sinh hoạt hợp vệ sinh tại khu xử lý Phú Sơn, Hương Bình; cải tạo, nâng cấp Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy; hoàn thành các khu xử lý CTR sinh hoạt tại huyện Nam Đông và A Lưới, Phong Điền.
Đề án trên cũng là cơ sở để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý CTR, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Hướng dẫn 100% người dân phân loại rác thải tại nguồn. Lựa chọn vị trí và xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết CTR đúng quy định. Xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR rắn trên địa bàn tỉnh.