ClockThứ Sáu, 06/11/2020 05:45

Chạm giấc mơ “Huế - Thành phố thông minh” - Kỳ 1: Đưa Huế trở thành nơi đáng sống

TTH - Nói đến xây dựng, vận hành ĐTTM cần nhiều yếu tố tham gia, quản lý, trong đó có con người và công nghệ.

Hướng đến các thành phố xanh, sạch, thông minh hơn sau dịch COVID-19Xu hướng tạo nên sự bền vững cho các thành phố thông minhĐô thị Huế phải đẹp và sang trọng

Được tận hưởng cuộc sống tươi đẹp, văn minh, hiện đại là điều mà người dân vẫn hằng mong. Để biến giấc mơ này thành hiện thực, mô hình đô thị thông minh (ĐTTM) là sự lựa chọn đúng đắn mà Thừa Thiên Huế đang vận hành và tập trung mọi “vốn liếng” để phát triển.

Tiếp nhận phản ánh, phản hồi, hỗ trợ từ người dân là nhiệm vụ thường nhật của HueIOC

Những con số lý tưởng

Liên tục trước những ngày bão số 9 đổ bộ (28/10), trên hệ thống dịch vụ ĐTTM (Hue-S) thông qua Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM Thừa Thiên Huế (HueIOC) liên tục phát đi thông báo, cảnh báo đến người dân về tình hình thời tiết, đường đi, cấp độ của bão.

Từ những thông tin cảnh báo này đã giúp người dân, các đơn vị, trường học chủ động phương án phòng tránh an toàn, khoa học. Trước đó, những ngày Thừa Thiên Huế đối mặt với lũ lụt triền miên, người dân TP. Huế và khắp mọi miền gần như đã quen với những hình ảnh được cập nhật, cảnh báo liên tục tại những điểm ngập lụt trên địa bàn hay thông báo khẩn cấp diễn biến thời tiết nguy hiểm, tình hình mưa bão, phạm vi ngập lụt... của HueIOC, giúp người dân, phương tiện phòng tránh, đi lại an toàn.

Khi lũ lớn xuất hiện ở Quảng Trị, Quảng Bình, Tổng đài 19001075 của HueIOC được mở để tiếp nhận và phát đi các thông tin cảnh báo, đề nghị hỗ trợ ứng phó bão lụt của Nhân dân 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Trong 2 ngày xảy ra lũ lụt, HueIOC nhận hơn 257 cuộc gọi hỗ trợ cho Quảng Bình, Quảng Trị qua tổng đài. Riêng Thừa Thiên Huế tiếp nhận 1.117 cuộc gọi hỗ trợ trong các đợt lũ cần trợ giúp di dời đến nơi an toàn, cứu trợ thực phẩm, nước uống do bị cô lập, hỗ trợ cấp cứu người bị nạn...

Đại dịch COVID-19 bùng phát, dựa trên những tính năng ứng dụng, HueIOC được xem như sở chỉ huy tiền phương trong công tác phòng, chống dịch. Những ứng dụng của HueIOC giúp cơ quan chức năng thực hiện tốt việc khai báo, truy vết, ngăn chặn đối tượng nghi ngờ vào địa bàn, giúp chính quyền địa phương và người dân khai báo y tế, thu thập, kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Khi dịch COVID-19 đợt 1 xảy ra, HueIOC tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi và đợt 2 tiếp nhận hơn 25.000 cuộc gọi phản ánh nghi vấn, xe trốn chốt, thông tin cách ly và những yêu cầu hỗ trợ thông tin khác...

Không chỉ phát huy hữu dụng trong thiên tai, dịch bệnh, HueIOC đang làm rất tốt vai trò điều hành ĐTTM với nhiều dịch vụ phục vụ thiết thực cuộc sống của người dân thông qua các tính năng: phản ánh hiện trường, thông báo cảnh báo, thông tin truyền thông, dịch vụ công trực tuyến, thông tin quy hoạch, bản đồ số Huế, camera trực tuyến, yêu cầu hỗ trợ, taxi...Với người dân, chỉ cần kích hoạt Hue-S là có thể ngay lập tức cập nhật được tin tức, cảnh báo trực tuyến về ùn tắc giao thông, cháy nổ, mất cắp, vi phạm trật tự đô thị... nếu có xảy ra.

HueIOC giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, dịch vụ thiết thực cho cuộc sống

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Nguyễn Xuân Sơn cho biết, qua thực tiễn vận hành, HueIOC đã khẳng định hiệu quả cao trong công tác truyền thông, làm công cụ kết nối giữa người dân và DN với cơ quan Nhà nước; làm cầu nối kết nối xử lý các vấn đề bức xúc của xã hội; kết nối, thống nhất các dữ liệu các cơ quan, DN, tổ chức lại với nhau. Đến nay, HueIOC trở thành mô hình trung tâm điều hành dùng chung cả về nền tảng giải pháp kỹ thuật, dữ liệu và cơ cấu tổ chức, con người.

Qua 2 năm vận hành, HueIOC đạt trên 350.000 người đang sinh sống ở Thừa Thiên Huế (chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh) tiếp cận, tham gia vào sản phẩm tích hợp ĐTTM. Đây là con số khá lý tưởng mà theo Giám đốc Sở TT&TT chưa có tỉnh, thành nào đạt được. Với gần 60% dân số toàn tỉnh dùng điện thoại thông minh (smartphone), nên khả năng tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ ĐTTM qua Hue-S còn tăng cao khi được đẩy mạnh tuyên truyền cài đặt, sử dụng và xem Hue-S là công cụ hữu dụng của toàn dân.

Quan điểm của ông Sơn, tiêu chí để đánh giá ĐTTM đơn giản nhất là khi nào người dân dùng smartphone của mình có thể thụ hưởng được tất cả các dịch vụ (tất nhiên có trả phí) đáp ứng nhu cầu cuộc sống của mình thì lúc đó được gọi là đủ. Nếu vẫn còn một nhu cầu thiết yếu hay vấn đề gì chưa được đáp ứng trên Hue-S thì lúc đó ĐTTM vẫn chưa hoàn thiện.

Thực tế, Thừa Thiên Huế mới làm được một việc trong tiền đề xây dựng ĐTTM đó là nhận thức tương đối rõ ràng về dịch vụ ĐTTM, kết nối được người dân tham gia vào các hoạt động của ĐTTM với các cấp chính quyền. Nên muốn hoàn thiện ĐTTM cần có sự kết nối, tương tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước, DN cung ứng dịch vụ và người dân phải cùng tham gia thụ hưởng.

Hình ảnh từ HueIOC qua dịch vụ Hue-S về tình hình ngập lụt ở Huế 

Cùng nhập cuộc

Cách đây 10 năm, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, lúc bấy giờ là Chánh văn phòng UBND tỉnh đã manh nha về các phần mềm dùng chung và trở thành tiền thân của chính quyền điện tử. Những phần mềm dùng chung như đăng ký lịch qua mạng, phần mềm hệ điều hành tác nghiệp... được hình thành từ những ngày đó thực sự phù hợp với mô hình chính phủ điện tử cũng như định hướng phát triển ĐTTM.

Không chỉ có giá trị bản sắc văn hóa và con người, Thừa Thiên Huế còn có nền tảng về môi trường xanh - sạch - đẹp, mà điển hình và gương mẫu nhất là sự thành công và lan tỏa sâu rộng của đề án “Ngày Chủ nhật xanh” do ông Phan Ngọc Thọ khởi xướng. Với tâm huyết đem lại cho người dân Huế một môi trường sống thân thiện và thông minh đúng nghĩa, từ nền tảng về công nghệ thông tin (CNTT) và những chiến lược phát triển, đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025” một lần nữa được các cấp, ngành và người dân đón nhận. Đến nay, việc ứng dụng CNTT vào dịch vụ ĐTTM đang tác động tích cực đến công tác điều hành quản lý, hệ thống các dịch vụ công cũng như phục vụ điều kiện sống của người dân tốt hơn.

Bây giờ, chỉ cần một chiếc ipad, lãnh đạo cấp sở dù ở đâu cũng đều xử lý được công việc. Các công văn đi, đến, chỉ cần thực hiện các thao tác trên máy để chuyển đến các phòng phụ trách chuyên môn xử lý. Hay muốn gửi văn bản từ sở này sang sở khác, từ huyện này đến huyện khác hay từ sở về huyện, cơ quan này đến cơ quan khác không còn cần in ra giấy và đều được thực hiện bằng chữ ký số để gửi qua phần mềm hệ điều hành tác nghiệp.

Các dịch vụ thông minh ngành, lĩnh vực cũng đang hình thành, đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân. Dịch vụ y tế thông minh mà Bluzone là một ví dụ và tới đây sẽ hình thành y bạ điện tử để phục vụ tiện lợi cho việc khám chữa bệnh.

Giáo dục thông minh mà nhiều trường đang áp dụng để lưu trữ, cập nhật, thông tin kết quả học tập học sinh và hoạt động của nhà trường... Giao thông thông minh với những phương tiện như Uber, Grab... và sắp tới sẽ hình thành app biểu đồ vận hành xe buýt công cộng, taxi... giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ một cách tốt nhất. Kể cả DN, khi tham gia vào hệ sinh thái ĐTTM sẽ tạo ra được những dịch vụ kinh doanh mới giúp DN dù đang ở Huế vẫn có thể giao dịch sản phẩm ra toàn cầu bằng những công nghệ thông minh.

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, muốn xây dựng thành công ĐTTM cần tạo ra những môi trường dựa trên yếu tố công nghệ, dựa trên nguồn dữ liệu lớn (Big data) được số hóa để quản lý. Tham vọng của chính quyền về phát triển ĐTTM là phải dần theo kịp các nước hiện đại, tiên tiến để biến hệ thống giám sát, điều hành ĐTTM trở thành “Big brother”- người anh cả của xã hội thông qua những “con mắt thần”- hệ thống camera đô thị. Yếu tố quan trọng không kém là phải đổi mới tư duy trong quản lý điều hành của các ban ngành, địa phương và DN. Ngay chính người dân cũng phải thay đổi thói quen để thích nghi và sống “hòa hợp” với ĐTTM. Chẳng hạn như người dân phải tham gia khai báo điện tử; chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, môi trường, đô thị... mà không phải “tránh né” để tạo sự nền nếp, trật tự và hiện đại cho cuộc sống.

Thừa Thiên Huế đang là một trong những tỉnh dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh, dịch vụ ĐTTM được đánh giá cao trong cả nước và là một trong những tỉnh liên tục có chỉ số ứng dụng CNTT đứng đầu cả nước. Bằng chứng là vừa qua, tỉnh được công nhận là địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT, một tiền đề vững chắc trong phát triển ĐTTM.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Kỳ 2: Động lực từ nền tảng kiến trúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top