Lãnh đạo tỉnh bấm nút triển khai hóa đơn điện tử
Cú hích từ số hóa chứng từ
Ứng dụng thuế điện tử, hóa đơn điện tử (HĐĐT)… không chỉ cú hích cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, mà còn giúp các DN cải thiện và phát triển môi trường kinh doanh, từ đó làm lành mạnh, minh bạch nền tài chính.
Được biết đến là loại chứng từ được tạo lập, gửi, lưu trữ, quản lý bằng điện tử, HĐĐT giúp DN và các cơ quan chức năng giảm thời gian, chi phí in ấn, vận chuyển và lưu trữ giấy tờ. Việc ứng dụng HĐĐT, cơ quan thuế cũng sẽ dễ dàng trong công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính. Ưu điểm là vậy, song chưa bao giờ HĐĐT được nhắc đến nhiều như trong năm 2022. Bởi sau nhiều lần gia hạn thì quy định đến cuối ngày 30/6/2022, 100% DN, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai phải sử dụng HĐĐT cũng chính thức có hiệu lực.
Hỗ trợ người nộp thuế trong chuyển đổi hóa đơn điện tử
Nếu như trước đó, một số DN còn tỏ ra lúng túng thì nay đa phần đều đang cảm nhận được những tiện ích mà HĐĐT mang lại.
Ông Ngô Đức Chính, Kế toán trưởng Công ty CP Du lịch Hương Giang chia sẻ: Trong công tác kế toán, HĐĐT giúp DN giảm thời gian làm tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT). Phần mềm sẽ tự động kết hợp chuyển số liệu vào tờ khai, từ đó giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, tránh được việc vi phạm hành chính về thời gian lập báo cáo thuế. Giải pháp này còn giúp tiết kiệm không nhỏ chi phí in ấn và gửi bưu điện, bảo quản, lưu trữ… so với sử dụng hóa đơn giấy. DN có thể quản lý và hạch toán dễ dàng, tăng độ an toàn, chính xác của thông tin, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp bị giả mạo, mất hóa đơn.
Với HĐĐT, việc lập, gửi và nhận hóa đơn cho khách hàng được thực hiện nhanh chóng mà không phải gửi qua đường bưu điện hoặc nhà vận chuyển. Hình thức này cũng giúp giảm rủi ro mất, cháy hóa đơn và tránh được các khoản phạt liên quan. Với những ưu điểm trên, HĐĐT là lựa chọn phù hợp cho mọi loại hình DN, bắt nhịp xu hướng phát triển công nghệ và tối ưu hiệu quả kinh doanh, góp phần hiện đại hóa công tác quản trị.
Và không chỉ có DN, các hộ kinh doanh trên địa bàn cũng đã và đang dần thích nghi hơn với những trải nghiệm tối ưu khi sử dụng HĐĐT. Đây cũng được xem là cú hích tạo đà trong chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN.
Để tạo nên những chuyển biến trong nhìn nhận và sử dụng HĐĐT như hiện nay, ngoài những nỗ lực không nhỏ của DN thì sự đồng hành của ngành thuế chính là lực đẩy. Để thực hiện chủ trương chuyển đổi và sử dụng HĐĐT, Cục Thuế tỉnh và các chi cục thuế trực thuộc đã thành lập Trung tâm Điều hành HĐĐT để triển khai, tiếp nhận vướng mắc; liên hệ người nộp thuế đôn đốc, phối hợp với tổ chức cung cấp HĐĐT hỗ trợ người nộp thuế kịp thời chuyển đổi HĐĐT và đảm bảo hệ thống thông suốt đáp ứng yêu cầu của người nộp thuế.
Ông Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ, dù có hoàn thành chuyển đổi 100% HĐĐT song ngành thuế vẫn phải đẩy mạnh khai thác các nguồn mới như HTX, DN mới hoạt động trở lại, DN mới thành lập… để hỗ trợ chuyển đổi kịp thời. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung hỗ trợ cho DN mới thành lập về chữ ký số, HĐĐT theo quy định đảm bảo DN mới thành lập đều sử dụng HĐĐT; tạo điều kiện cho DN mới thành lập nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận với CĐS ngay từ đầu.
Đến thuế điện tử
Không chỉ dừng lại ở HĐĐT để thực hiện “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025” và “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, ngành thuế đã và đang triển khai thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).
Với ứng dụng này, người nộp thuế có thể đăng ký mở tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế; tra cứu nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; thuế giá trị gia tăng; lệ phí trước bạ; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế sử dụng đất nông nghiệp; nghĩa vụ tài chính về đất; phí; lệ phí... Việc nộp thuế điện tử được thực hiện thông qua kết nối, tích hợp trực tuyến với hệ thống các ngân hàng thương mại. Người nộp thuế có thể dễ dàng tra cứu hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế, thông tin người nộp thuế, thông tin người phụ thuộc và một số các tiện ích khác ngay trên ứng dụng eTax Mobile mà không cần đến cơ quan thuế.
Chị Trần Thị Hà đang hợp đồng thực hiện kế toán thuế cho nhiều DN chia sẻ, việc đẩy mạnh CĐS và cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế đã hỗ trợ rất nhiều cho DN trong CĐS và tăng cường năng lực quản trị. Đơn cử như việc triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý thuế. Đến nay, hầu hết các thủ tục về thuế đều được thực hiện bằng hình thức điện tử, như tích hợp thủ tục hành chính công trên cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thuế điện tử; nộp thuế điện tử; xác nhận nghĩa vụ thuế điện tử… Nhờ đó, DN có thể thực hiện tất cả các nghĩa vụ thuế trên môi trường mạng mà không cần đến cơ quan thuế, giúp giảm thời gian đi lại cũng như lưu trữ hồ sơ… Các vướng mắc cũng được giải quyết ngay thông qua đường dây nóng, hệ thống tin nhắn Zalo, Facebook, Cổng thông tin điện tử, hệ thống tin nhắn điện tử cơ quan thuế…
“Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn diện và đồng bộ hơn trong cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, hỗ trợ DN trong khôi phục và phát triển kinh tế, Cục Thuế tỉnh đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030. Rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kịp thời triển khai áp dụng các văn bản, chính sách pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế. Đồng thời, cập nhật nâng cấp kịp thời các phần mềm ứng dụng CNTT tương ứng, đảm bảo việc triển khai các quy định mới được thông suốt, hiệu quả, thúc đẩy việc CĐS trong ngành thuế”, ông Hà Văn Khoa - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh khẳng định.
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN