ClockThứ Sáu, 27/10/2017 08:28

Giảm gánh nặng cho ngân sách về xử lý rác thải

TTH - Hiện nay, mức thu phí rác thải sinh hoạt đối với tổ chức, hộ gia đình tại các huyện, thị xã, TP. Huế còn thấp, chưa phù hợp thực tế nên tăng gánh nặng cho ngân sách địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý, mua sắm thiết bị và chi phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

Do nguồn ngân sách hạn hẹp, nhiều địa phương chưa làm tốt công tác thu gom, vận chuyển rác thải

Mức thu phí vệ sinh môi trường mỗi tháng ở TP. Huế đối với hộ gia đình không kinh doanh từ 16-20 nghìn đồng, hộ kinh doanh từ 40-70 nghìn đồng; các huyện, thị xã mức thu từ 12-15 nghìn đồng đối với hộ không kinh doanh và từ 30-50 nghìn đồng đối với hộ kinh doanh. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có mức thu từ 100-160 nghìn đồng/đơn vị. Mức phí này được xem đã “lạc hậu”, nên không đủ đáp ứng chi trả cho đội ngũ thu gom, vận chuyển cũng như trang bị dụng cụ, phương tiện, mà gần như phụ thuộc vào nguồn ngân sách cấp. Các địa phương, cơ quan chức năng nhiều lần đề xuất điều chỉnh tăng mức thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường cho phù hợp thực tế.

Theo Sở Tài chính, tổng kinh phí bố trí chi nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014 thực hiện các nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến môi trường hơn 124,3 tỷ đồng, năm 2015 hơn 133 tỷ đồng, năm 2016 gần 138 tỷ đồng. Trong tổng nguồn chi này, riêng nguồn chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đối với các đơn vị, địa phương chiếm tương đối lớn. Chỉ tính riêng TP. Huế, lượng rác Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế thu gom, vận chuyển bình quân mỗi ngày khoảng 250 tấn, trong đó, giao Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (Thủy Phương- Hương Thủy) xử lý khoảng 200 tấn rác/ngày với đơn giá xử lý hiện nay 312 nghìn đồng/tấn, cộng với nhiều chi phí khác từ thu gom, vận chuyển, chôn lấp, khử trùng, xử lý nước rỉ rác… thì đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Đơn cử huyện Phong Điền với lượng rác thải thu gom, xử lý bình quân 25 tấn/ngày, bằng 1/10 lượng rác của TP. Huế, trong giai đoạn 2013-2015, tổng chi hoạt động thu gom, vận chuyển gần 6,7 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng). Trong đó, nguồn thu phí vệ sinh hơn 3 tỷ đồng, còn lại ngân sách cấp trên hỗ trợ. Năm 2016, tổng kinh phí chi hoạt động thu gom, vận chuyển hơn 3,34 tỷ đồng, trong đó, nguồn thu từ phí vệ sinh khoảng 1,83 tỷ đồng, còn lại ngân sách cấp trên hỗ trợ.

Để giảm gánh nặng cho nguồn ngân sách cũng như giúp các địa phương có thêm nguồn thu để chủ động chi, UBND tỉnh thông qua đề án giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Luật phí, lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 được chuyển từ phí thành giá dịch vụ, việc ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo lộ trình 2018 - 2022 là rất cần thiết nhằm đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật và thống nhất giá dịch vụ trên toàn tỉnh; làm cơ sở tiến đến xã hội hóa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho các thành phần kinh tế tham gia.

Theo đề án, dự kiến, mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt được chia làm 3 nhóm: nhóm hộ không kinh doanh, nhóm hộ kinh doanh và nhóm các tổ chức khác, đồng thời giá cũng được định theo từng vùng của địa phương. Cụ thể, hộ không kinh doanh mức thu từ 20- 30 nghìn đồng/tháng đối với địa bàn TP. Huế, các địa phương còn lại thu 20 nghìn đồng/tháng; hộ kinh doanh từ 57- 97 nghìn đồng/tháng ở TP. Huế, 42- 68 nghìn đồng ở thị xã và thị trấn các huyện đồng bằng… Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp 345 nghìn đồng/m3.

Mức thu dự kiến đề ra được xem là  hợp lý, mức tăng không đột biến, phù hợp với điều kiện chi trả của người dân. Mức điều chỉnh này sẽ đưa nguồn thu từ giá dịch vụ vệ sinh môi trường tăng lên đáng kể, giảm nguồn vốn bao cấp từ ngân sách.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Chìa khoá vàng" từ chuyển đổi số tài chính - ngân sách

Hiện nay, khi mà các phương pháp thủ công, tốn thời gian tiềm ẩn nhiều sai sót thì ở Quảng Điền, chuyển đổi số tài chính - ngân sách đã từng bước cho thấy hiệu quả. Đây là địa phương đầu tiên được triển khai thí điểm mô hình này.

Chìa khoá vàng từ chuyển đổi số tài chính - ngân sách
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”

TIN MỚI

Return to top