ClockThứ Bảy, 21/11/2020 06:15

Thuyền băm bèo xử lý bèo lục bình

TTH - Chia tách, băm nhỏ, lợi dụng dòng nước đẩy bèo trôi ra biển nhằm khơi thông dòng chảy là cách làm hiệu quả khi áp dụng cơ giới hóa để xử lý vấn nạn bèo lục bình.

Từ những gợi ý về xử lý bèo tâyỨng phó với “giặc bèo”

Thuyền băm bèo cho thấy hiệu quả khi xử lý vấn nạn bèo lục bình

Cùng với một số nơi trên địa bàn tỉnh, TX. Hương Thủy những năm gần đây đang đau đầu trước vấn nạn bèo lục bình phát triển dày đặc, nhất là trên tuyến sông Đại Giang chảy qua các địa bàn: Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Lương, Thủy Châu và Thủy Phương.

Trên khúc sông Đại Giang khu vực từ cầu Lương Văn đến cầu Lợi Nông (ngang qua địa phận Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu và Thủy Lương), bèo lục bình đan xen với rau muống, cỏ dại tạo thảm thực vật liên kết và ngày càng dày, làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Dù triển khai nhiều biện pháp nhưng việc xử lý bèo lục bình vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Để giải quyết bài toán bèo lục bình, sau khi nghiên cứu, chế tạo, cải tiến và ra mắt băng chuyền trục vớt bèo hồi tháng 5, mới đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) TX. Hương Thủy tiếp tục cải tiến, đưa vào sử dụng thuyền băm bèo có kinh phí khoàng 110 triệu đồng. Chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, chiếc thuyền này được đánh giá khá hiệu quả trong việc xử lý bèo lục bình.

Sau gần 2 tháng nghiên cứu, cải tiến một số chi tiết quan trọng để phù hợp trong việc di chuyển, hoạt động, thuyền băm bèo lần đầu được Trung tâm DVNN TX. Hương Thủy đưa vào sử dụng ở đợt mưa bão giữa tháng 10. Sau 2 đợt bão lũ tiếp theo, thuyền băm bèo càng chứng minh được tính hiệu quả trong việc xử lý, khơi thông dòng chảy.

Được thiết kế hình chữ nhật, dài 5m, rộng 1,5m, thuyền băm bèo có 2 bộ phận chính: thân thuyền và hệ thống dao băm, vận hành bằng động cơ diesel có công suất 24 mã lực. Với tốc độ đạt từ 800-900 vòng/phút, mỗi giờ băm được từ 1.000-1.300m2 bèo, tương đương 7.500-9.500m2 bèo trong một ngày. Đáng chú ý, do hệ thống dao băm được thiết kế theo hình vòng cung nên khi hoạt động có thể xử lý triệt để các thảm rau muống, cây cỏ ứ đọng lâu ngày dưới nước.

“Sông Lợi Nông lâu nay bèo lục bình ùn ứ rất nhiều. Chính quyền địa phương cùng bà con quanh khu vực thường xuyên ra quân đẩy, vớt bèo lục bình nhưng không xuể, cứ dọn xong đoạn sông này thì đoạn khác lại kín bèo. Qua nhiều ngày theo dõi, tôi thấy thuyền băm bèo hoạt động đơn giản, ít tốn nhân lực. Nếu mỗi địa phương được đầu tư 2 – 3 chiếc thì vấn nạn bèo lục bình cơ bản sẽ được giải quyết”, ông Lê Văn Thoại, người dân tổ 2, P. Thủy Châu đánh giá.

Cũng trong thời điểm thuyền băm bèo hoạt động, không ai bảo ai, rất đông người dân sinh sống trên khu vực dòng sông ngang qua chia nhau lấy ghe, xuồng phụ giúp đẩy những đám bèo, cỏ dại bị băm nát đang mắc ở nè, tre… để nước cuốn đi.

“Chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, tất cả diện tích bèo lục bình, các thảm rau muống và cây cỏ dại trên tuyến sông Đại Giang cơ bản được làm sạch, trả lại mặt nước thông thoáng cho người dân. Thuyền băm bèo vừa giảm được sức người, sức của, vừa cho thấy hiệu quả rõ rệt khiến chúng tôi rất phấn khởi. Sau này, mỗi khi máy băm bèo hoạt động, chắc chắn dân chúng tôi sẽ phụ giúp hết mình”, ông Dương Đình Lắm (tổ 2, P. Thủy Châu) nói.

“Với khả năng hoạt động hiệu quả trên những dòng chảy nhỏ hẹp, quanh co, khi gặp phải những khúc sông bèo lục bình xen dày với rau muống, người điều khiển sẽ cho dao băm nát ra từng mảng, từ đó lợi dụng dòng chảy đẩy bèo, cỏ, cây dại… trôi tấp lên 2 bên bờ hoặc xuôi về phía biển, trả lại thông thoáng cho dòng sông.

Sau khi giải quyết cơ bản bèo lục bình trên sông Đại Giang, thị xã đưa máy xử lý bèo ở từng dòng sông, ao, hồ cụ thể để tiếp tục khơi thông dòng chảy, giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường do tắc nghẽn bèo lục bình gây ra”, ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho biết.

Ngoài thuyền băm bèo, hồi tháng 5, Trung tâm DVNN TX. Hương Thủy đã sáng chế băng chuyền có thể trục vớt bèo lục bình từ 500 – 600m2 bèo lục bình trong 1h, tương đương với 15 người trục vớt thủ công. Đây là hệ thống băng chuyền trục vớt bèo từ lòng thủy vực lên bờ được trung tâm cải tiến cải tiến sau khi nghiên cứu hệ thống băng chuyền tương tự ở một số địa phương trên cả nước và hiệu quả đã phần nào được chứng minh khi vận hành ở những dòng sông lớn.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị
Return to top