ClockThứ Ba, 23/06/2020 15:23

Từ những gợi ý về xử lý bèo tây

TTH - Mới đây, nhiều địa phương trong tỉnh ra quân xử lý bèo tây (bèo lục bình) bằng cách vớt, theo chỉ thị của UBND tỉnh.

“Nhiều mũi giáp công” để dẹp vấn nạn bèo tâyHuy động vớt bèo

Bèo tây sinh sôi nảy nở rất nhanh. Nhiều con sông bèo đã choán hết mặt sông làm cản trở dòng chảy, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và đời sống của người dân.

Theo tôi, giải pháp ra quân vớt bèo là cần thiết, nhưng chỉ được xem đó là giải pháp tạm thời, về lâu dài phải tính đến một phương án để biến bèo tây thành một sản phẩm có ích. Nếu được như thế thì ít nhất sẽ giảm được chi phí làm sạch bèo trên các dòng sông, hồ.

Hiện tại, các địa phương làm theo “mệnh lệnh” hành chính của UBND tỉnh, tức là huy động sức người để tập trung vớt bèo trong một thời điểm nào đó. Có thể các địa phương không tốn chi phí tiền thực tế (chỉ bằng cách huy động ngày công, tự nguyện hoặc không tự nguyện) nhưng suy đến cùng vẫn tốn chi phí. Một ngày công nhật của người dân làm nghề tự do bây giờ có giá cũng hai ba trăm ngàn đồng. Nếu là công chức, viên chức Nhà nước thì Nhà nước cũng phải trả lương. Nói chung, dù không tính ra cụ thể làm sạch bèo trên các dòng sông chi phí là bao nhiêu, nhưng thực tế là có chi phí.

Có nhiều cách để biến bèo tây thành sản phẩm. Ở miền Nam đã có đơn vị xử lý bèo tây thành than hoạt tính nhưng theo hạch toán thì giá thành còn cao, khó thành sản phẩm hàng hóa.

Ở Thừa Thiên Huế, theo một trang mạng có tên miền: Khoahoc.tv thì Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế đã thực hiện thành công dự án: “Hỗ trợ nhân rộng mô hình xử lý vấn nạn bèo tây bằng chế phẩm sinh học Micromix-3 thành phân hữu cơ sinh học” từ năm 2013.

250 hộ gia đình tham gia dự án thuộc Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy đã thực hiện thành công việc vớt ủ bèo thành phân bón hữu cơ sinh học. Bèo sau khi được vớt ủ (đúng khối lượng và kỹ thuật, cộng thêm chế phẩm Micromic -3) sẽ trở thành phân bón hữu ích, giá thành rẻ - cũng theo thông tin này cho biết.

Một thông tin đáng chú ý khác, cũng theo nguồn tin trên, “trong khi phân hữu cơ sinh học trên thị trường có giá thấp nhất là 1.500 đồng thì phân hữu cơ sinh học sử dụng chế phẩm Micromic-3 chế biến từ bèo tây chỉ có 860 đồng/kg; quy ra, mỗi tấn phân người nông dân tiết kiệm được 640.000 đồng…”.

Không biết việc tận dụng bèo tây để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học đến nay có còn địa phương nào, hộ dân nào áp dụng nữa hay không nhưng ít khi được nghe nhắc đến. Hay là, hiệu quả thực tế chỉ trong giai đoạn khi thực hiện dự án, còn hết dự án thì nó cũng hết hiệu quả!?

Sở dĩ đặt ra câu hỏi này là bởi vì, đã có không ít mô hình kinh tế khi còn dự án thì (theo báo cáo) hiệu quả cao, nhưng khi hết dự án thì người dân không thể theo đuổi tiếp tục. Đơn giản là vì, nhiều chi phí trong quá trình sản xuất được dự án chi trả - cũng có thể hiểu là chúng ta chưa tính đúng tính đủ đầu vào và đầu ra khi hạch toán kinh tế. Ví dụ như dự án xử lý bèo tây nói trên đã tính đủ chi phí đầu vào và đầu ra hay chưa?

Ví dụ như khi đi vớt bèo, khi còn dự án thì được dự án hỗ trợ tiền công. Tiền công có thể không tính vào giá thành? Giả sử tiền công không được tính vào giá thành mà chỉ tính từ công đoạn ủ, cộng với chế phẩm sinh học. Đến khi hết dự án người dân phải tự đi vớt bèo. Họ tự vớt mà không được ai trả công. Khi ra sản phẩm nếu tính cả công vớt bèo thì tính lui tính tới không còn hiệu quả nữa cho nên người dân không tiếp tục làm!? Rất có thể là như vậy chăng. Nếu nó thật sự hiệu quả như thông tin trên trang điện tử mà tôi vừa nêu thì UBND tỉnh nên xem xét để “khởi động” lại vấn đề sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ bèo tây.

Năm ngoái, tôi có về xã Phú Xuân (huyện Phú Vang), tiếp cận với một dự án trồng dừa xiêm trên cát (dự án này tư nhân tự bỏ tiền ra làm). Trong khi đi thăm dự án tôi thấy bèo tây được sử dụng để ủ trên các gốc dừa để giữ ẩm (vùng cát vào mùa khô nắng nóng vô cùng). Chủ dự án cho biết, anh mua một xe bèo tây tươi chở về đến tận nơi mất cả hơn triệu đồng chứ chẳng ít. Đây cũng có thể là một gợi ý cho việc sử dụng sản phẩm bèo tây hữu ích.

Từ những gợi ý như vậy tôi có suy nghĩ: Dù có UBND tỉnh vận động các địa phương ra quân vớt bèo thì cũng phải thử tính toán một cách tương đối chi phí. Và xem đó là chi phí đầu vào cho sản phẩm (ví dụ như sản xuất phân bón). Chúng ta sẽ tính đúng tính đủ chi phí đầu vào thử một tấn phân có giá thành bao nhiêu.

Nếu như chỉ tính một nửa chi phí tiền công để hỗ trợ vớt bèo cho việc sản xuất thì Nhà nước vẫn còn lợi 50%, nghĩa là các dòng sông được khơi thông dòng chảy, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, làm đẹp cảnh quan và có thể là giảm tác hại đối với các công trình vào mùa mưa bão. Nhưng điều quan trọng nhất là từ một loại thực vật vô dụng, gây nhiều tác hại đến sản xuất và đời sống trở thành một sản phẩm hữu ích. Biết đâu khi ấy nhà sản xuất có động lực để cải tiến nhiều khâu trong quá trình sản xuất, hạ giá thành và là một lĩnh vực sinh lợi.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề nghị rà soát, kiểm tra thuốc giả Cefuroxim 500mg

Ngày 20/8, Sở Y tế cho hay, đơn vị vừa có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị khám chữa bệnh trực thuộc; cơ sở kinh doanh thuốc; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm tỉnh… nhằm cảnh báo về thuốc giả Cefuroxim 500mg.

Đề nghị rà soát, kiểm tra thuốc giả Cefuroxim 500mg
Phát hiện thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế Thừa Thiên Huế, đề nghị kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà thuốc P.K. tại TP. Huế; đồng thời, phối hợp xác minh, truy tìm nguồn gốc của thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả được phát hiện tại nhà thuốc nói trên.

Phát hiện thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả
Kiểm soát nhiễm khuẩn và điều tra dịch bệnh mở rộng tại bệnh viện

Ngày 31/7, tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế diễn ra hội thảo tổng kết đánh giá hiệu quả và bền vững dự án “Thiết lập và vận hành đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) và điều tra dịch bệnh mở rộng”. Tham dự có Cục Quản lý Khám chữa bệnh-Bộ Y tế, tổ chức CDC/PATH Hoa Kỳ tại Việt Nam, gần 100 đại biểu của 40 BV trong toàn quốc.

Kiểm soát nhiễm khuẩn và điều tra dịch bệnh mở rộng tại bệnh viện
Return to top