Công nhân Công ty MTĐT Huế ra quân vớt bèo, khơi thông dòng chảy ở Đập Đá
Như kế hoạch định kỳ, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT) được giao nhiệm vụ làm sạch vệ sinh, vớt bèo trên các nhánh sông, đoạn sông qua địa bàn TP. Huế.
Thời gian qua, do thời tiết thay đổi bất thường, cộng với chất lượng nguồn nước ngày càng suy giảm nên lượng bèo trên các sông, hói phát triển dày đặc. Những ngày cuối tháng 8, Công ty MTĐT Huế phải huy động mỗi ngày 22 nhân công cùng với 2 ghe gắn máy, dụng cụ nỉa, cuốc… để tiến hành trục vớt bèo trên sông Bạch Yến đoạn từ đường Nguyễn Phúc Thụ đến cầu Chợ Thông. Qua 4 ngày ra quân trục vớt, đơn vị đã gom được hơn 240 m3 bèo.
Đại diện Công ty MTĐT Huế cho biết, trong khi thực hiện vớt bèo đợt 2 tại khu vực sông Bạch Yến dự kiến làm trong 7 ngày (từ 6-12/9), nhưng do thời tiết thay đổi, nên bèo từ hướng Hương Thuỷ trôi về sông Như Ý dạt vào Đập Đá với khối lượng khá dày, buộc đơn vị phải tạm ngưng lấy bèo trên sông Bạch Yến, điều lực lượng, phương tiện, dụng cụ và bố trí thêm 1 xe cuốn ép 8 tấn để tập trung vớt bèo tại Đập Đá.
Sau khi thực hiện xong khu vực Đập Đá, đơn vị sẽ tiếp tục làm sạch bèo trên sông Bạch Yến đoạn qua chợ Thông.
Không chỉ TP. Huế đang dốc sức, tập trung nhân lực vật lực ra quân dẹp bèo, mà nhiều địa phương khác như Phú Vang, Quảng Điền, TX. Hương Thủy, TX, Hương Trà, Phong Điền... cũng đang huy động, kêu gọi các lực lượng như nông dân, thanh niên... cùng lồng ghép thực hiện Ngày Chủ nhật xanh để kết hợp trục vớt bèo trên những đoạn sông, hói, kênh... xung yếu, phủ kín, có nguy cơ cản trở dòng chảy, phương tiện ghe xuồng lưu thông, ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản và dễ gây hư hại các công trình cầu, cống, đê bao...
Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng bèo phát triển ngày càng nhiều và mở rộng hầu khắp diện tích mặt nước, vùng nội đồng. Ngoài giao trách nhiệm cho đơn vị chuyên trách, công tác này đang được nhiều địa phương thực hiện theo hình thức xã hội hoá và tập trung phân công, hỗ trợ cho lực lượng chủ lực, có thế mạnh, hiệu quả như hội nông dân, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ của thôn/tổ dân phố, phường/xã trực tiếp tham gia.
Nổi bật trong công tác này phải kể đến phường An Đông, TP. Huế. Thời gian qua, đơn vị này đã kêu gọi đoàn thanh niên, dân quân tự vệ phường và phương tiện xe múc, xe xúc của doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tiến hành vớt bèo, khơi thông các đoạn sông, hói chảy qua địa bàn phường như đoạn sông An Cựu, hói Phát Lát... với khối lượng bèo vớt được tương đối lớn. Việc huy động lực lượng trẻ, khỏe, nhiệt tình, cộng thêm phương tiện cơ giới, máy móc vào trục vớt đem lại hiệu quả cao hơn, giúp địa phương khắc phục những tồn tại, khó khăn về địa hình, nhân lực, vớt bèo thủ công... như những lần ra quân làm theo kiểu "phong trào" trước đây.
Ngoài việc ra quân của từng địa phương, công tác này đòi hỏi phải được thực hiện, giám sát và phối hợp đồng bộ giữa các địa phương. Vì đặc tính của bèo lây lan nhanh, nếu không kịp thời giải quyết và giải quyết đồng bộ, thường xuyên để ngăn chặn, làm giảm sự phát triển, việc bèo phủ kín các mặt sông, đầm, ao hồ... sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất nông nghiệp, các hoạt động giao thông đường thủy và công tác phòng chống hạn, tiêu thoát trong mùa mưa lũ.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên