ClockThứ Năm, 08/02/2024 07:06

Chuyện từ Sốnglab

TTH - “Tôi không cố gắng làm những điều khác biệt, chỉ làm điều bản thân nghĩ là đúng và nên làm, như khi khởi nghiệp với mô hình co-working space (mô hình chia sẻ không gian chung với nhiều doanh nghiệp khác nhau) tích hợp yếu tố văn hóa, nghệ thuật từ 8 năm trước. Và nay, là không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab tại Huế” - nhà sáng lập Dương Đỗ chia sẻ.

Công nghệ bản sao kỹ thuật số có thể quyết định tương lai phát triển đô thịỞ nơi nghệ thuật được trình diễn bằng kỹ thuật sốBảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số "Sốnglab" hút khách

Tác phẩm nghệ thuật tại không gian của Sốnglab 

1 - Nhiều người Huế đã không còn lạ với Sốnglab - không gian nghệ thuật kỹ thuật số có quy mô hơn 1.000m2 với mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng của nhà sáng lập Dương Đỗ.

Tọa lạc trên đường Bà Triệu (TP. Huế), Sốnglab là nơi trưng bày, trình diễn và cả thử nghiệm các tác phẩm nghệ thuật dựa trên chất liệu bản địa là những di tích, các loại hình nghệ thuật, nếp sống, phong tục tập quán… mang đậm nét riêng của vùng đất, con người Cố đô thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, qua chất liệu đồ họa trí tuệ nhân tạo, công nghệ trình chiếu tối tân 3D mapping…

Như tác phẩm “Đâm chồi nảy lộc”. Lấy cảm hứng từ sự đa dạng của sự sống nói chung, văn hóa di sản Huế nói riêng, bằng định dạng phim đồ họa 3D trình chiếu với âm thanh, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Quý đã tạo ra một rừng hoa kỹ thuật số vô cùng độc đáo, vừa quen, vừa lạ được nhào nặn từ các chất liệu như lụa, gốm, trúc chỉ…

Hay tác phẩm “Hồng sắc long” của tác giả Jiohan. Thể hiện với định dạng phim đồ họa 3D trình chiếu với âm thanh, sắp đặt tượng và Projection mapping, tác phẩm là phiên bản đồ họa 3D của công trình Đại Nội trong thế giới riêng của một nữ nghệ sĩ “gen-Z” và khiến người xem cảm giác rằng, đây là sự đối thoại giữa thế hệ nghệ sĩ trẻ với các lớp trầm tích văn hóa hàng ngàn năm tuổi…

Cũng cần nói rằng, Sốnglab không mô tả hay đưa nguyên mẫu di sản, chất liệu Huế vào tác phẩm, mà chỉ lấy cảm hứng, rồi phóng tác theo trí tưởng tượng của nghệ sĩ và chuyển tải theo cách trẻ trung hơn qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Vì vậy, nếu muốn tìm Đại Nội, Lăng Cô, sông Hương... trong tác phẩm giống như đời thực là hoàn toàn không thể. Nhưng nhờ thế, ở một góc độ nhất định, những nét đẹp di sản, văn hóa, cảnh quan, vùng đất, con người xứ Huế tại Sốnglab trở nên phóng khoáng hơn, tác động mạnh đến thị giác người thưởng lãm hơn.

Không nhất thiết người trải nghiệm phải hiểu nghệ thuật đương đại là gì. Đây đơn thuần là một không gian kết hợp giữa công nghệ, giải trí, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật. Người thấy các tác phẩm đẹp, muốn chụp vài tấm hình thì thỏa mãn nhu cầu giải trí. Người muốn học thêm những điều mới mẻ thì thỏa mãn nhu cầu giáo dục. Người ở trình độ cao hơn sẽ hòa mình vào bầu không khí mang đậm cảm hứng di sản, văn hóa… Mỗi người sẽ có cách trải nghiệm tại Sốnglab theo nhu cầu của mình”, Dương Đỗ lý giải

Dương Đỗ (giữa) - nhà sáng lập Sốngplatform và Sốnglab tại Huế 

2 - Khi thành lập Sốnglab, một số ánh mắt hoài nghi, rằng Huế là vùng đất cổ kính còn nhiều khuôn khổ, truyền thống…, nên mô hình như Sốnglab nếu đặt ở TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội sẽ được đón nhận dễ dàng hơn.

Tiếp thu những ý kiến trái chiều, nhưng Dương Đỗ cho rằng, các di sản sẽ có ý nghĩa hơn khi tác động tích cực đến tri thức, thẩm mỹ… của công chúng và trở thành cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ trẻ. Và qua ngôn ngữ nghệ thuật, mọi người sẽ tiếp cận và được truyền cảm hứng từ di sản dễ dàng hơn.

Thực tế tại Việt Nam, nghệ thuật đương đại còn khá mới lạ và không phải ai cũng sẽ tiếp nhận dễ dàng. Nhưng rõ ràng, nghệ thuật đương đại đã chi phối xu hướng thưởng thức nghệ thuật cũng như mở ra cơ hội sáng tạo cho giới nghệ sĩ trong hơn hai thập kỷ qua.

Mong muốn có cơ hội tiếp cận để nâng cao tiêu chuẩn thẩm mỹ, cũng như giúp nghệ sĩ có thêm một phương cách hữu hiệu để trình diễn sự sáng tạo và văn hóa Việt bằng ngôn ngữ hiện đại đến khắp thế giới, từ 5 năm trước, Dương Đỗ đã hình dung về một không gian đặc thù, được đầu tư thiết bị máy móc tối tân để phục vụ chức năng kết nối những người làm sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đây cũng chính là lý do Sốnglab có đến 5 không gian với các cách thưởng lãm khác nhau. Có phòng chỉ trình chiếu trên màn hình, có phòng kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, có phòng nghệ thuật nhập vai, có phòng nghệ thuật tương tác… Trên nền tảng công nghệ đa dạng như vậy, các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: hội họa truyền thống, âm nhạc, điêu khắc, múa đương đại… sẽ tìm thấy sự phù hợp với ngôn ngữ của mình.

Tác phẩm nghệ thuật tại không gian của Sốnglab 

3 - Sốnglab là 1 trong những hạng mục của Sốngplatform - tòa nhà 4 tầng rộng hơn 9.000m2 tại Khu thương mại Hùng Vương (Bà Triệu – TP. Huế) - một tổ hợp ẩm thực, mua sắm, giải trí, làm việc do  Dương Đỗ sáng lập. Nhưng chính điều này đã xuất hiện nhiều hoài nghi về giá trị nghệ thuật của Sốnglab khi đặt nó trong một trung tâm thương mại.

“Nghệ thuật không nên tách khỏi đời sống mà cần có khả năng tác động tích cực tới xã hội. Sốngplatform là tổ hợp ẩm thực, mua sắm, giải trí, làm việc và thưởng lãm nghệ thuật được sắp xếp từ dưới lên trên, theo từng nấc thang đi lên của con người: từ nhu cầu ăn uống, tái tạo về thể chất, đến bước trao đổi, làm thử sản phẩm, rồi đến tầng suy nghĩ/ kiến tạo sản phẩm. Và, Sốnglab là nơi mọi người tìm nguồn cảm hứng cho công việc, cuộc sống”, Dương Đỗ bày tỏ.

Dương Đỗ (quê Hải Phòng), được biết đến là người xây dựng thành công thương hiệu Toong - không gian làm việc chung, và thương hiệu này đã có mặt trên cả nước (https://toong.asia/vi). Nay anh tiếp tục sáng lập thương hiệu Sốngplatform tại Huế. Vậy 2 thương hiệu này có mối tương quan thế nào? Khi Toong ra mắt địa điểm co-working space đầu tiên vào tháng 8/2015 tại Tràng Thi (TP. Hà Nội), không ít người hoài nghi về một không gian làm việc chung cho nhiều ngành nghề khác nhau, lại còn có không gian hội họp, triển lãm, cà phê, cây cỏ và các tác phẩm nghệ thuật… Họ đinh ninh rằng, mô hình “hầm bà lằng” này sẽ đóng cửa chỉ trong vài tháng. Thế nhưng đến nay, Toong đã phát triển thành 20 địa điểm co-working space Toong tại Huế, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và thủ đô Vientiane (Lào).

Vậy điều gì giúp Toong phát triển mạnh mẽ như hiện nay? Về tổng thể, không gian bên ngoài của Toong không quy mô, đồ sộ, nhưng bên trong được bố trí theo dạng tổ ong, vừa giúp tiết kiệm khoảng 65% chi phí so với thuê văn phòng truyền thống, vừa mang đến giải pháp linh hoạt tối đa về thời gian, không gian làm việc khi khách hàng có thể tăng, giảm quy mô theo nhu cầu phát triển. 

Ngoài ra, mỗi địa điểm của Toong mang một màu sắc khác biệt về thẩm mỹ, văn hóa…, mà ở đó, các yếu tố truyền thống luôn được đan xen, kết nối với hiện đại khi không chỉ có máy móc và tiện nghi mà còn có thiên nhiên, âm nhạc, mùi hương và đa dạng các hoạt động văn hóa nghệ thuật - một môi trường làm việc truyền cảm hứng. 

“Sốngplatform cũng tương tự khi đây là một tổ hợp sáng tạo được quy hoạch nhằm cung cấp các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu học hỏi, ăn uống, giải trí, thưởng lãm nghệ thuật, mua sắm và cả nhu cầu lưu trú khi mà khối khách sạn boutique được hoàn thiện… Ở đó, tiêu chí hướng đến là đề cao văn hóa bản địa phù hợp với nhịp sống hiện đại. Điều này được thể hiện ở việc chúng tôi tuyển lựa các đối tác kinh doanh tại Sốngplatform phải ưu tiên nguồn nguyên liệu địa phương, phát triển theo hướng bền vững… Sau khi ra mắt tại Huế, Sốngplatform sẽ phát triển ra các thành phố lớn trên cả nước trong thời gian tới”, Dương Đỗ thông tin.

Hàn Đăng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử
LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU
Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công binh có Trung đoàn Công binh 151; Tiểu đoàn Công binh thuộc Cục Vận tải; ba đại đội công binh thuộc ba đại đoàn (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).

Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Return to top