Kinh nghiệm chia sẻ của chuyên gia luôn hữu ích với các bạn trẻ. Ảnh: Tâm Huệ
Một buổi chiều, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Cộng hưởng đón một vị khách nặng trĩu tâm tư. Đó là thành viên của một nhóm khởi nghiệp từng dự thi cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm trước. Sản phẩm của các bạn được đánh giá cao. Tuy nhiên, sau khi cuộc thi kết thúc, sản phẩm chưa kịp được phát triển thì hai trong số ba thành viên của nhóm không muốn tiếp tục. Họ muốn dừng lại, đồng thời cũng không muốn để thành viên còn lại tiếp tục. Người còn lại ấy chính là người đã tìm đến Cộng hưởng trong buổi chiều ấy.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Cộng hưởng, thất bại dễ gặp nhất của các nhóm khởi nghiệp là phát sinh mâu thuẫn nhóm. Câu chuyện của “người còn lại” trên rất đáng tiếc. Trong tình huống này, có hai hướng để họ chọn lựa. Hoặc thuyết phục hai người kia tiếp tục hợp lực phát triển dự án. Hoặc bán lại dự án có một nhà đầu tư nào đó có điều kiện, tránh không để rơi vào tình huống đó, tốt nhất là các nhóm khởi nghiệp nên hạn chế phát sinh mâu thuẫn ngay từ đầu và chắc chắn rằng, các thành viên của nhóm là những cộng sự cùng hướng về những mục tiêu chung của dự án, nhất là mục tiêu về hiệu quả kinh tế.
Theo kinh nghiệm của người đi trước, nhóm khởi nghiệp nên tìm kiếm những cộng sự có thể hỗ trợ cho nhau. Được làm việc với cộng sự cùng chung chuyên ngành, lĩnh vực thì sẽ rất thoải mái, nhưng đó lại không phải là sự thuận lợi nhất. Tốt nhất là nên tìm cộng sự đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Mỗi người có một thế mạnh riêng để hỗ trợ cho nhau, phụ trách phần công việc nào đó trong dự án, như: sản phẩm, marketing hay tài chính... Việc này đảm bảo công việc của nhóm được giải quyết nhanh chóng hơn và tăng thêm cơ hội phát triển lâu dài cho dự án.
Rất nhiều nhóm khởi nghiệp bị thất bại do nảy sinh mâu thuẫn nội bộ mà không được giải quyết thỏa đáng. Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, nhiều nhóm quá chú trọng đầu tư cho sản phẩm mà quên mất việc phải có những thỏa thuận cụ thể về vai trò của nhau. “Phổ biến là ở giai đoạn khó khăn, nhóm rất gắn bó và hợp lực cùng nhau vượt khó. Nhưng khi sản phẩm đã sinh lợi nhuận, mâu thuẫn nảy sinh. Lúc này, nếu không có những thỏa thuận rõ ràng ngay từ ban đầu thì nhóm không có cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, và cũng không có cơ sở để xác định ai được quyền lợi nhiều hơn ai”, bà Thu Trang phân tích.
Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp lĩnh vực xã hội. Ảnh: T. Huệ
“Cần có thỏa thuận khi thành viên rút ra khỏi nhóm”, thêm một lời khuyên của chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Thu Trang. Khởi nghiệp là một hành trình không rải hoa hồng và không phải thành viên nhóm nào cũng đủ kiên nhẫn để đến đích. Do đó, thỏa thuận về quyền lợi kinh tế và quyền sở hữu trí tuệ khi có thành viên rời khỏi nhóm là vấn đề rất quan trọng. Mọi vấn đề nảy sinh sẽ được nhóm giải quyết dựa trên những nội dung đã được thỏa thuận từ trước, chứ không phải vì sự cả nể hay chấp nhận buông xuôi, để dự án “chết yểu”. Nếu có những thỏa thuận này ngay từ đầu, người khách trong buổi chiều nọ của Cộng hưởng cũng sẽ không rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”, rất muốn tiếp tục một mình phát triển dự án đã dần có hình hài, nhưng lại rất nể nang mối quan hệ bạn hữu với hai cộng sự.
Quên tính công cho riêng mình, tìm hiểu chưa kỹ về công nghệ và chưa quan tâm việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm… cũng là những vấn đề các nhà khởi nghiệp cần lưu ý ngay từ khi mới bắt đầu. Trong những vấn đề này, theo CEO Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh về việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Nhiều nhà khởi nghiệp đã phát triển được sản phẩm nhưng vì coi nhẹ việc đăng ký sở hữu trí tuệ, hạn chế về tài chính hoặc không kiên trì nên không đăng ký chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về sau.
Theo thông tin chúng tôi có được, hiện đang có ít nhất một tác giả muốn đăng ký sở hữu trí tuệ cho ý tưởng của mình nhưng còn lúng túng về vấn đề tài chính. Để đảm bảo cho ý tưởng của mình không bị người khác đăng ký, họ phải vừa cải thiện tình hình tài chính, vừa nhờ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm cập nhật những sáng kiến được đăng ký trong lĩnh vực của mình để tránh trùng ý tưởng.
Để tránh được những rủi ro và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, chuyên gia Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý các nhà khởi nghiệp cần sớm nhận diện các tài sản sở hữu trí tuệ của mình và tiến hành đăng ký bảo hộ trước khi bị người khác đăng ký trước. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý thích hợp khi phát hiện hành vi xâm phạm của người khác đối với quyền sở hữu trí tuệ của mình để bảo vệ tài sản trí tuệ và uy tín, thương hiệu của mình. Hiện nay, các tài sản sở hữu trí tuệ được công khai phổ biến trên mạng internet, nhà khởi nghiệp cũng cần phải nhận được sự đồng ý của chủ sở hữu trước khi sử dụng nó vào hoạt động kinh doanh.
ĐỒNG VĂN