ClockThứ Tư, 27/11/2019 14:26

Thanh Lộc và câu chuyện khởi nghiệp

TTH - Câu chuyện phát triển kinh tế từ kinh doanh tổng hợp của thanh niên Trần Thanh Lộc tưởng chừng đơn giản, nhưng để có được thành công là cả một quá trình lao động cần cù, không lùi bước trước khó khăn.

Ý tưởng xuất phát từ thực tếDoanh nghiệp đổi mới sáng tạo hướng đến phát triển bền vữngBiết mình đang ở đâu & tăng sự kết nối

 Thanh Lộc (bên trái) giới thiệu sản phẩm dầu dừa "Made in Thanh Lộc"

Với ước mơ tạo một sản phẩm mang tên mình nhằm góp phần phát triển các sản phẩm địa phương, năm 2013, ở tuổi 29, Trần Thanh Lộc (ở tổ dân phố Giáp Ban, phường Hương Văn, Hương Trà) quyết định nghỉ việc ở siêu thị CoopMart để khởi sự kinh doanh.

Với thế mạnh là kỹ sư bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch (Trường đại học Nông lâm), Lộc chọn sản xuất các sản phẩm có “thương hiệu” của Hương Văn là dầu lạc và dầu dừa nguyên chất để khởi nghiệp.

Theo Lộc, lâu nay, Hương Văn là địa phương có tiếng trong việc sản xuất dầu lạc. Riêng dầu dừa, Lộc chọn vì nhận thấy nhu cầu thị trường đối với dầu dừa tinh khiết rất lớn. Dầu dừa không chỉ dùng làm thực phẩm mà còn ứng dụng khá hiệu quả trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, chữa bệnh…

Anh bắt tay thử nghiệm sản xuất và gặp khó khăn lớn vì nguồn nguyên liệu không ổn định.

Thanh Lộc chia sẻ, tin tưởng người cung cấp nên không ít lần anh được giao dừa xay sẵn nhưng chất lượng không đảm bảo. Mỗi mẻ dầu dừa cả triệu đồng nhưng chỉ cần có lẫn vào ít nguyên liệu hỏng thì bao công sức, vốn liếng đều mất hết.

“Sau nhiều lần thất bại, rút kinh nghiệm, khi mua, mình tự tay chọn nguyên liệu và “ngồi lì” ở chợ chờ bạn hàng xay cho bằng hết chứ không dám đi đâu”, Thanh Lộc nói.

Cẩn thận, tỉ mỉ trong chọn nguyên liệu, chế biến và quan tâm cải tiến mẫu mã, từng bước, sản phẩm dầu dừa Thanh Lộc được nhiều khách hàng biết đến và có chỗ đứng ổn định trên thị trường Huế và Quảng Trị, Quảng Bình. Ngoài dầu lạc, dầu dừa nguyên chất, Lộc còn sản xuất dầu lạc gấc và dầu dừa gấc để đa dạng hoá sản phẩm.

Sau thành công bước đầu, năm 2016, Thanh Lộc chuyển hướng sang tìm một ngành nghề kinh doanh mới nhằm góp phần phát triển kinh tế gia đình, thoả mãn đam mê kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thanh Lộc bày tỏ: “Mình mạnh dạn đầu tư phân phối sản phẩm với hợp đồng phân phối độc quyền của 5 công ty lớn gồm: các sản phẩm bánh kẹo đồ chơi, sữa bột Hàn Quốc, cơm sấy, thạch rau câu… Đồng thời, đưa các sản phẩm địa phương vào các kênh tạp hoá”.

Khi đã có vốn và tích luỹ được kinh nghiệm trong kinh doanh, Thanh Lộc đầu tư mua xe tải nhỏ để vận chuyển hàng hoá, thuê kho bãi, mặt bằng… nhằm bảo quản hàng và mở rộng thị trường. Hiện, anh là đối tác phân phối sản phẩm của hơn 100 cửa hàng trên địa bàn tỉnh và tạo mối quan hệ với các kênh phân phối của các tỉnh lân cận. Doanh thu mỗi tháng trên 170 triệu đồng, lợi nhuận đem lại cho bản thân hơn 20 triệu đồng/tháng.

Phó Bí thư Thị đoàn Hương Trà Phạm Thị Ngọc Huế cho hay, từ thực tiễn triển khai phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, trên địa bàn thị xã đã xuất hiện nhiều điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi và Trần Thanh Lộc là một trong số đó. Thanh Lộc mang trong mình khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời đóng góp hữu ích vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Với sự năng động cùng quyết tâm làm giàu, Trần Thanh Lộc đã xây dựng cho mình kinh tế ổn định, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp tại địa phương. Anh còn là đoàn viên năng nổ trong các hoạt động của Đoàn phường Hương Văn. Mới đây, anh được Tỉnh đoàn tuyên dương là thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu vì có thành tích xuất sắc trong khởi nghiệp, lập nghiệp năm 2019.

Thanh Lộc cho biết, anh đang xây dựng kế hoạch mở rộng nhà xưởng, kho bãi, đầu tư trang thiết bị, máy móc; đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống phân phối. Hiện, ngoài các kênh bán hàng truyền thống, anh còn tạo gian hàng trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Viettel… để đưa sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Câu chuyện Hương Thủy Cung đình Trà

Kinh đô Huế, nơi từng là trái tim của triều Nguyễn, Thái Y Viện không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe cho các vị vua mà còn là một kho tàng tri thức về y học cổ truyền.

Câu chuyện Hương Thủy Cung đình Trà

TIN MỚI

Return to top