Các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp được tổ chức, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường Thừa Thiên Huế
Thu hút đầu tư tại chỗ
Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch, tình hình thu hút đầu tư trong 2 năm trở lại đây vẫn có những bước tiến. Trong giai đoạn 2019 – 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đã cấp, tham mưu UBND tỉnh cấp mới 101 dự án (DA) đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 48.561 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 53 DA công nghiệp, 41 DA thương mại dịch vụ, du lịch, 5 DA nông nghiệp và 2 DA y tế, giáo dục.
Trong đó, năm 2021, tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 DA với tổng mức đầu tư 13.369 tỷ đồng. Đến năm 2022, khi bắt đầu mở cửa trở lại, lĩnh vực xúc tiến đầu tư bước sang giai đoạn thích nghi mới. Nhiều nhà đầu tư trực tiếp đến Huế tìm hiểu, tiếp cận và nghiên cứu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế như: Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Sovico… Chỉ trong 8 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 20 DA với tổng mức đầu tư đăng ký 8.244,5 tỷ đồng; trong đó 17 DA của các nhà đầu tư trong nước và 3 DA FDI. Một số DA lớn đang được triển khai như: Nhà máy sản xuất men Frit với công suất 160.000 tấn/năm với số vốn 600 tỷ đồng; nhà máy 2 của Công ty CP Sợi Phú Bài 2 với số vốn 360 tỷ đồng…
Hạ tầng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV đang được triển khai
Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng tình hình dịch, việc thu hút đầu tư ở các thị trường nước ngoài khó khăn. Do đó, công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) đã thích ứng và đổi mới theo hướng XTĐT tại chỗ. Đến nay, khi nước ta trong trạng thái bình thường mới, tiếp tục phát huy là tỉnh nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 hàng đầu Việt Nam, UBND tỉnh đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trên địa bàn, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và đồng hành cùng DN.
Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trong nước
Để thu hút đầu tư, Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường, xu thế đầu tư trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản XTĐT và định hình các sản phẩm XTĐT phù hợp; từ đó đưa ra các lĩnh vực, sản phẩm XTĐT phù hợp.
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thị trường, ông Phan Quốc Sơn chia sẻ: So với nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước có thiên hướng đầu tư vào các lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan.
Từ đây, mục tiêu trong XTĐT cũng được hoạch định rõ ràng hơn. Với khu vực ngoài địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp, tỉnh phấn đấu thu hút khoảng 20 DA đầu tư trong và ngoài nước, tập trung đầu tư cho các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội; nông nghiệp công nghệ cao là các lĩnh vực mà tỉnh đang thiếu và cần kêu gọi đầu tư để phát triển. Riêng địa bàn khu kinh tế phấn đấu thu hút bình quân 5 - 8 DA/năm; các khu công nghiệp bình quân 10 - 15 DA/năm, chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp, du lịch, đô thị, đầu tư và khai thác cảng biển... Trong đó, phấn đấu thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng vào khu công nghiệp Phú Đa, Quảng Vinh, hướng tới 100% các khu công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng được đầu tư.
Dệt may là lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư
Tỉnh cũng đẩy mạnh các cách thức tiếp cận các DA đầu tư, như xây dựng hệ thống thông tin thu hút đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ số hóa các DA kêu gọi đầu tư trên toàn tỉnh giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận, cập nhật thông tin và địa điểm của các DA kêu gọi đầu tư một cách thuận tiện và dễ dàng.
Tỉnh triển khai một số chính sách hỗ trợ đầu tư, như hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển thị trường… Điển hình phải kể đến chính sách hỗ trợ với các DA đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Theo đó, các cụm công nghiệp được thành lập theo quy định ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 50% chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; các cụm công nghiệp được thành lập theo quy định ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hỗ trợ 30% chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Đây được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư cũng như Thừa Thiên Huế trong việc mở rộng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Cùng với chính sách hỗ trợ, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác XTĐT gắn với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN. Trong đó, quan điểm nhất quán chính là chú trọng lựa chọn, thu hút một số nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm để làm động lực kích thích phát triển lan tỏa kinh tế - xã hội. Đồng thời, hạn chế các DA đầu tư sử dụng nhiều tài nguyên đất, rừng, nguồn nước và các tài nguyên thiên nhiên khác ảnh hưởng môi trường; tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh và đang cần kêu gọi đầu tư như: du lịch (đặc biệt du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí), phát triển đô thị xanh, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bền vững...
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN