ClockThứ Hai, 10/06/2024 10:56

Không bỏ ruộng hoang

TTH - Có khoảng 2.000ha ruộng lúa không chủ động nguồn nước tưới, có nguy cơ khô hạn trong vụ hè thu buộc phải chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng phù hợp.

Không bỏ ruộng hoangKhắc phục việc bỏ ruộng hoang: Cần tổ chức sản xuất hợp lýHồ bồi lấp, ruộng bỏ hoang

 Trồng rau vụ hè thu hiệu quả gấp đôi trồng lúa

Vùng khu 3 như các xã Vinh Hiền, Giang Hải… hay một số xã như Lộc Tiến (Phú Lộc) thường chỉ sản xuất lúa một vụ đông xuân. Các địa phương này lâu nay không chủ động nguồn nước tưới nên không thể sản xuất vụ hè thu trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Một số vụ hè thu, người dân cố gắng tổ chức sản xuất, gieo cấy lúa nhưng nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, khi gặp hạn hán thì bị mất mùa.

Nông dân Trần Thị Mai ở xã Giang Hải cho rằng, nhiều xứ đồng trên địa bàn xã chỉ tổ chức sản xuất một vụ đông xuân, còn vụ hè thu thường bỏ hoang do thiếu nước khi nắng hạn kéo dài, gay gắt. Thậm chí có vụ đông xuân cũng thiếu nước vào giữa cuối vụ. Nhiều vụ lúa gần như hoàn toàn “nhờ trời”, suốt mùa vụ có những trận mưa thì lúa sinh trưởng, còn không có mưa thì đồng ruộng khô hạn, lúa cháy dẫn đến mất trắng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông chia sẻ, tại khu 3 và một số địa phương bán sơn địa không có hồ chứa nước thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống kênh mương thủy lợi tuy được các địa phương, người dân đầu tư xây dựng nhưng không có nước để đưa vào đồng ruộng vào mùa khô hạn. Trồng lúa ở các địa phương này rất bấp bênh, năng suất thấp, riêng vụ hè thu thì gần như hoàn toàn không thể sản xuất.

Ông Thông lý giải, huyện Phú Lộc từng nghiên cứu các phương án xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện đưa nước về khu 3 và một số địa phương để tạo điều kiện sản xuất lúa hai vụ. Tuy nhiên, diện tích sản xuất lúa ở các địa phương này không lớn, manh mún, đồng ruộng không tập trung, trong khi dự tính kinh phí đầu tư thủy lợi có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư thủy lợi quá lớn, vừa nằm ngoài khả năng của huyện, lại không tương xứng với quy mô diện tích sản xuất lúa nhỏ lẻ nên không thể đầu tư.

Vậy nên, phương án của huyện chủ yếu tổ chức sản xuất một vụ đông xuân tại các địa phương vùng khu 3 và một số xã bán sơn địa. Riêng vụ hè thu buộc phải chuyển đổi các diện tích không chủ động nguồn nước, có nguy cơ khô hạn sang trồng các loại cây trồng phù hợp. Vụ hè thu 2024, các địa phương chuyển đổi hơn 100ha lúa không chủ động nguồn nước tưới sang trồng dưa hấu, lạc, trong đó 30ha lạc, hơn 70ha dưa hấu. Hai loại cây này không chỉ dễ trồng, phù hợp với năng lực canh tác của người dân, đạt năng suất, sản lượng cao mà con mang lại thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp rưỡi, gấp đôi so với trồng lúa.

Nhiều xứ đồng tại TP. Huế cũng thường có nguy cơ thiếu nước trong vụ hè thu, hoặc năng suất, sản lượng thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Các diện tích khô hạn chủ yếu tập trung tại các xã Phú Thanh, Thủy Bằng, Hương Thọ, Hương Hồ, Hải Dương.

Vụ hè thu 2024, tại các địa phương này có hơn 150ha lúa hiệu quả thấp chuyển sang trồng dưa hấu, rau màu các loại. Sản xuất rau vụ hè tuy năng suất không cao bằng đông xuân, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp đôi, gấp ba lần so với trồng lúa vụ hè thu. Tại xã Hải Dương, một số xứ đồng hoàn toàn không chủ động nguồn nước được người dân chuyển sang trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế.

Tại thị xã Hương Thủy chuyển đổi hơn 23ha lúa sang trồng sen trong vụ hè thu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tại huyện A Lưới có khoảng 6ha được chuyển sang trồng lúa ra dư, 11ha rau màu các loại. Tại huyện Quảng Điền chuyển hàng chục ha lúa sang trồng rau màu, khoai lang, lạc…

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đính thông tin, vào đầu vụ, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá những vùng trồng lúa trong vụ hè thu kém hiệu quả, hoặc không chủ động nguồn nước tưới để chuyển sang trồng các loại cây phù hợp với quyết tâm “không bỏ ruộng hoang”. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh hoàn thành gieo cấy gần 26 ngàn ha lúa hè thu, hàng ngàn ha không chủ động nguồn nước tưới, nguy cơ khô hạn được chuyển sang trồng các loại cây trồng chịu hạn.

Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới: Khắc phục thủy lợi, không bỏ ruộng hoang

Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, bằng mọi giá phải sửa chữa, khắc phục hồ đập, kênh mương thủy lợi đảm bảo sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ đông - xuân sắp đến.

A Lưới Khắc phục thủy lợi, không bỏ ruộng hoang
Return to top