ClockThứ Bảy, 25/11/2023 12:44

Kiên định với mục tiêu xanh

TTH - Là những doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ song trên con đường chinh phục lợi nhuận và doanh thu, những DN này vẫn kiên định với mục tiêu sản xuất, kinh doanh xanh…

Giảm nghèo bền vững bằng các mô hình “xanh” Kinh doanh xanh, tiêu dùng xanh

 Nữ CEO Nguyễn Thị Trà My giới thiệu sản phẩm xanh của công ty tại chương trình kết nối giao thương

Theo đuổi

Những lần tham gia các hội thảo, diễn đàn được các đơn vị, hiệp hội tổ chức cho các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh xanh tôi đều gặp chị Nguyễn Thị Trà My, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản phẩm thiên nhiên Trà My. Chị My cho biết, chị muốn tham học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm, chia sẻ cách làm hay từ những chuyên gia, các doanh nghiệp khác để cùng nhau kiên định xây dựng doanh nghiệp xanh phát triển bền vững. Trước khi thành lập TNHH MTV Sản phẩm thiên nhiên Trà My, chị My đã có một thời gian khá dài tìm hiểu, nghiên cứu về các loại dược liệu như bồ kết, bồ hòn, vỏ bưởi, sả,… rồi bào chế ra những dung dịch tẩy rửa an toàn với môi trường, lành tính với con người cho gia đình và bạn bè thân quen sử dụng.

Hiện Công ty TNHH MTV Sản phẩm thiên nhiên Trà My có cả một hệ sinh thái các sản phẩm dầu gội đầu, nước tẩy trang, nước rửa chén bát,… không gây ô nhiễm môi trường từ quy trình sản xuất đến quá trình sử dụng. Sản phẩm của công ty chị có mặt tại các cửa hàng Refill Station. Đây là cửa hàng kinh doanh với phương thức “tái sử dụng – tái nạp đầy”. Người mua mang theo các chai, lọ, hộp… đến sang chiết, làm đầy từ các sản phẩm được đặt trong những bình thủy tinh bên trong cửa hàng nhằm tái sử dụng, giảm thiểu tối đa sự lãng phí và rác thải chai lọ cũ ra môi trường. Để làm được điều này, chị Trà My đã đầu tư sử dụng vỏ chai nhựa HDPE an toàn cho tất cả các sản phẩm.

“Tôi đang có kế hoạch, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh tự tay làm sản phẩm thiên nhiên tại công ty. Giúp các em học sinh ý thức sống xanh, sử dụng các sản phẩm bền vững và bảo vệ môi trường, đồng thời mong muốn gieo tư duy khởi nghiệp với kinh tế tuần hoàn đối với những bạn trẻ đam mê kinh doanh, khởi nghiệp”, chị My chia sẻ.

Để kiên định sản xuất kinh doanh xanh, chị Hoàng Thị Thanh Mai, Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hoàng Mai (M.A.I Organics) nhiều lần phải chấp nhận không lợi nhuận và không ít lần phải bù lỗ. Chị Mai cho biết, công ty kinh doanh thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp theo hình thức bảo vệ môi trường. Dù được áp dụng kỹ thuật bài bản, song các sản phẩm nông sản của công ty vẫn khó chiến thắng được thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. Chưa kể, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh với thị trường, bán giá đại trà thì lỗ, bán giá rau củ hữu cơ lại ít người mua.

“Dẫu vậy, tôi chưa một lần có ý định chệch hướng với sản xuất thân thiện với môi trường”, chị Mai quả quyết. Để đa dạng hóa sản phẩm, công ty mở rộng thêm mô hình sản xuất bao bì, các loại ống hút thân thiện với môi trường. Tiếp sức,  khuyến khích DN sản xuất bền vững, WWF-Việt Nam đã tài trợ cho M.A.I Organics thực hiện dự án ngắn hạn “Nghiên cứu cải tiến bao bì đóng gói thân thiện với môi trường cho các sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần nhằm khuyến khích kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường”. Thông qua dự án, M.A.I Organics tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển bao bì đóng gói sản phẩm cho nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Từ đó cải tiến bao bì đóng gói thân thiện với môi trường “free-plastic packaging”, tiếp cận mở rộng thị trường.

Trong khi đó, Công ty TNHH Marie’s - Cỏ bàng xứ Huế cũng tìm cách kéo dài vòng đời cho sản phẩm, tạo nên những sản phẩm không chỉ được yêu thích bởi mẫu mã, chất lượng, mà còn bởi tính bền vững trong từng sản phẩm trao tay người tiêu dùng.

Đồng hành, hỗ trợ

Sản xuất kinh doanh xanh không dễ dàng, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ. Bởi DN có thể gặp rủi ro nếu quản lý không tốt do còn thiếu kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng. Tuy nhiên, nếu xác định đi đường dài, DN buộc phải hướng đến mục tiêu xanh vì đây là yếu tố tạo thương hiệu cạnh tranh, phù hợp với với xu hướng chung toàn cầu.

Bài toán đặt ra, cùng với nỗ lực theo đuổi kinh doanh xanh của DN, rất cần sự đồng hành hỗ trợ của các cơ quan, chính quyền liên quan trong hỗ trợ DN phát triển bền vững, bằng những chương trình, dự án đi sâu vào nhu cầu cụ thể của DN, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng người tiêu dùng.

Ông Cao Quốc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub) cho biết, trung tâm đã sáng lập và vận hành mạng lưới kinh tế tuần hoàn Thừa Thiên Huế (HueCE) với chức năng kết nối và thúc đẩy các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại địa phương. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, dự án quốc tế như Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF)... triển khai các chương trình đồng hành cùng DN trong đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị vận hành, hỗ trợ vốn cho DN sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo các chuyên gia kinh tế, DN cần coi phát triển bền vững là một khoản đầu tư, tuy nó không thể mang lại cho DN lợi ích ngay lập tức trong ngắn hạn nhưng hiệu quả trong trung và dài hạn là rất lớn. Chính vì thế, đầu tiên DN cần một tư duy đúng về phát triển bền vững; thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ xanh. Đồng thời, DN phải kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn.

Bài, ảnh: TUẤN KHOA
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

TIN MỚI

Return to top