Nếu như năm 2001, tổng trị giá xuất nhập khẩu mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD, thì sau 6 năm sau (năm 2007), tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến năm 2015 xuất nhập khẩu cán mốc trị giá 300 tỷ USD và chỉ 2 năm sau đó, vào giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD.
Tính đến cuối năm 2019, giá trị xuất nhập khẩu lần đầu tiên nước ta cán mốc 500 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 262 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 248 tỷ USD, xuất siêu lên tới gần 11 tỷ USD...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, đây là dấu mốc quan trọng trên con đường hội nhập của đất nước: “Xuất nhập khẩu đóng góp một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Việc đạt được tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 500 tỷ USD là tin vui, bởi con số này vượt tất cả thành tích về xuất nhập khẩu của chúng ta trong những năm qua. Đây là tín hiệu tốt, thể hiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới”.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng có sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.
Có thể thấy, thời gian qua, đất nước đã liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng dần qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Theo các chuyên gia kinh tế, đạt được dấu mốc ấn tượng này là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là kết quả của việc tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh, các sản phẩm dịch vụ có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đóng góp quan trọng vào GDP của đất nước, góp phần vào chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hiện 70% lại đang đến từ Khu vực doanh nghiệp FDI mà không phải đóng góp từ các doanh nghiệp nội địa. Do đó, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải làm gia tăng tỷ lệ các doanh nghiệp trong nước đóng góp vào kim ngạch này.
“Kim ngạch tăng là điều đáng mừng, nhưng điều quan trọng là chất lượng của sự tăng trưởng trong hoạt động nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Hiện nay, giá trị gia tăng trong xuất nhập khẩu không cao so với tổng kim ngạch mà chúng ta đạt được, kim ngạch xuất khẩu 70% vẫn là do các doanh nghiệp FDI đóng góp mà không phải doanh nghiệp nội địa. Do đó yêu cầu đặt ra trong tương lai là phải làm gia tăng được giá trị hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời gia tăng tỷ lệ nội địa, tỷ lệ các doanh nghiệp trong nước đóng góp vào kim ngạch này. Điều đó sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam cũng như đảm bảo sự tự chủ của nền kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là sức bật giúp cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước. Thêm vào đó là việc chúng ta khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do và các khung khổ hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng cao và xuất khẩu đạt 300 tỷ USD trong năm 2020 là áp lực lớn. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế và pháp luật, tạo dựng nguồn lực và động lực mới cho tăng trưởng. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, kết nối chuỗi liên kết giữa FDI và trong nước trong các ngành, tái cơ cấu các ngành sản xuất tạo giá trị gia tăng nội địa; thực thi hiệu quả FTA; chống gian lận thương mại, xuất xứ…
“Bộ Công thương cùng với các Bộ, ngành ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện các hoạt động cải cách để tiếp tục hoàn thiện cả về thể chế và pháp luật để tiếp tục tạo dựng các nguồn lực và động lực mới cho tăng trưởng nói chung cũng như phát triển về xuất nhập khẩu nói riêng. Năm 2020 chúng ta kỳ vọng hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do sẽ được doanh nghiệp của Việt Nam và khu vực doanh nghiệp trong nước kết nối trong chuỗi cùng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong cả chuỗi cung ứng về sản phẩm của nông nghiệp, nông sản, thủy sản chế biến, các mặt hàng công nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, bên cạnh việc Chính phủ đẩy mạnh công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN... Qua đó, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Song, đối với các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, từng ngành nghề phải có sự nỗ lực mạnh mẽ để có thể cạnh tranh được trong bối cảnh mở cửa thị trường.
Theo VOV