ClockThứ Sáu, 19/02/2021 07:59

Kinh tế hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu

TTH - Bước đầu xuất hiện nhiều hợp tác xã (HTX) theo chuỗi giá trị (CGT), lâm nghiệp bền vững; nhưng nhìn chung, hệ thống kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX vẫn còn nhiều khó khăn.

Liên kết theo chuỗi giá trịLiên minh HTX tỉnh: Đảm đương vai trò nòng cốtHợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ

 Nông sản vùng cao được sản xuất theo chuỗi giá trị

Hạn chế lưu cữu

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTXNN Đông Phú (Quảng Điền) thừa nhận, lâu nay, HTX vẫn loay hoay các dịch vụ cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, thủy lợi, thu hoạch. Trong khi các khâu được cho là thế mạnh thúc đẩy cơ giới hóa như khâu làm đất, thu hoạch phát triển chưa mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi HTX nỗ lực hướng đến mô hình HTX theo CGT thì ý thức của một bộ phận người dân, thành viên còn thấp, chưa có sự hỗ trợ tích cực cho HTX thực hiện mô hình mới này. Nhiều hộ vẫn gieo cấy các giống lúa truyền thống, chưa tuân thủ quy định, hướng dẫn của HTX trong việc chọn giống mới, chất lượng cao đưa vào gieo cấy. Người dân chưa thật sự tin tưởng trong việc tham gia mô hình cánh đồng lớn nhằm tạo sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện cho HTX triển khai mô hình CGT.

Việc người dân chưa tự tin, tuân thủ quy định của HTX, chính quyền địa phương, một phần do khâu tuyên truyền, vận động, thuyết phục chưa đến nơi đến chốn. Một khó khăn lớn được ông Thứ nêu rõ, là tiềm lực tài chính của HTX chưa mạnh, trong khi tài sản đất đai, nhà làm việc, phương tiện sản xuất giá trị thấp, không thể thế chấp vay ngân hàng đầu tư phát triển mô hình CGT. Công nghệ, dây chuyền chế biến lúa gạo chất lượng có vốn đầu tư gần chục tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ điều hành hầu hết trình độ thấp, già hóa, không đảm bảo năng lực, thiếu năng động trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, chưa mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc HTXNN Thủy Thanh 2 (TX. Hương Thủy), ông Phùng Hữu Thạnh nhận thấy, không chỉ HTXNN Thủy Thanh 2 mà phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, thiếu tư duy trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), chưa thích ứng với cơ chế thị trường. Nhiều HTX chưa đáp ứng với yêu cầu mô hình HTX kiểu mới, năng lực cạnh tranh còn yếu, sản xuất hạn chế do thiếu vốn, công nghệ, kỹ thuật, các thiết bị, phương tiện canh tác lạc hậu. Đội ngũ cán bộ điều hành thiếu kiến thức, kỹ năng tiếp thị, thông tin thị trường còn thiếu và yếu; phần lớn tuổi cao, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản...

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, năng lực cạnh tranh của HTX so với các thành phần kinh tế khác còn yếu, do quy mô nhỏ, năng lực sản xuất cũng như nguồn vốn kinh doanh còn thiếu, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng hạn chế. Hoạt động liên doanh, liên kết trong nội bộ HTX, giữa các HTX với nhau và các đơn vị kinh tế khác chưa thực sự tích cực và hiệu quả.

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lao động làm việc trong HTX chưa cụ thể. Lao động chủ yếu là thành viên HTX, không có hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận thông qua hợp đồng dịch vụ giữa HTX với thành viên. Cơ chế đóng BHXH của HTX lâu nay còn nhiều vướng mắc, chỉ thực hiện đối với cán bộ quản lý trẻ. Lương của lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, dẫn đến việc tham gia BHXH của lao động trong HTX còn hạn chế...

Cần sự đầu tư thỏa đáng

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTXNN Thuận Hòa (TX. Hương Trà) cho rằng, thiếu năng lực, trình độ, thiếu vốn, công nghệ… là vấn đề lưu cữu, kìm hãm sự phát triển của kinh tế tập thể. HTX đã từng xây dựng phương án SXKD lúa chất lượng, nuôi trồng thủy sản theo CGT nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Dù Nhà nước có chính sách thu hút cán bộ trẻ, sinh viên đại học công tác tại HTX nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của lực lượng này. Ban lãnh đạo HTX Thuận Hòa thường xuyên kết nối với các sinh viên là con em địa phương đang học tại các trường đại học, mời về làm việc tại HTX nhưng đều bị từ chối. Yêu cầu của các sinh viên, cán bộ trẻ có trình độ đại học nếu làm việc tại HTX phải được biên chế Nhà nước, cơ chế tiền lương hợp lý, đảm bảo đời sống bản thân và gia đình nhằm yên tâm công tác, phát huy năng lực.

Ông Trần Lưu Quốc Doãn thông tin, hiện nay, phần lớn các HTX đang cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong quá trình thúc đẩy hoạt động SXKD, theo mô hình CGT. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững để đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của HTX. Các cấp, ngành tranh thủ nguồn lực, kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, các chương trình, dự án đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX. Trong đó, tập trung các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát, kế toán, kỹ thuật sản xuất, phát triển thị trường.

Liên minh HTX hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động hội chợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, HTX sản xuất gắn với CGT sản phẩm… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy tiến trình thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh phù hợp với chính sách hỗ trợ tín dụng theo quy định của Nhà nước…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Return to top