ClockThứ Tư, 02/09/2015 16:24

Kỳ tích thuỷ lợi

TTH - Chỉ trong vòng 20 năm, trên địa bàn tỉnh đã ra đời hàng loạt công trình hồ chứa thủy lợi lớn, nhỏ với tổng dung tích trên 100 triệu m3. Mỗi công trình ra đời được xem là một “kỳ tích” trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống người dân.

“Kỳ tích” đập Quao

Các xã vùng gò đồi Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn (Phong Điền) trước đây dù trồng được nhiều loại cây trồng, nhưng vì thiếu nguồn nước tưới, chủ yếu “nhờ trời” nên hiệu quả bấp bênh. Mong mỏi của người dân hồi đó thì nhiều lắm, nhưng hơn hết là có một công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Đó cũng là điều trăn trở lớn đối với các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương. Sau nhiều phương án, các cuộc họp bàn giải pháp, tỉnh thống nhất và quyết định đầu tư xây dựng một công trình thủy lợi trên vùng đồi Phong Điền. Thế là đập Quao - hồ Hòa Mỹ được xây dựng từ năm 1989, hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng năm 1994 với dung tích chứa 9,6 triệu m3. Công trình ra đời đã biến vùng đất các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn trở thành tiềm năng.
Đập Quao góp phần đổi thay diện mạo các xã gò đồi
Có nguồn nước sản xuất ổn định, nhiều hộ dân vùng gò đồi huyện Phong Điền mạnh dạn đầu tư trang trại tổng hợp, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tại các địa phương trên 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 6-7%.
“Nếu không có đập Quao - hồ Hòa Mỹ thì xã Phong Xuân chưa chắc đã tồn tại đến bây giờ. Sau khi có hồ, những “vùng đất chết” ở địa phương đã từng bước hồi sinh. Hoa màu, rau, đậu trở nên xanh tốt bốn mùa nhờ nguồn nước tưới dồi dào. Hiệu quả cây trồng vật nuôi nâng cao, đời sống người dân dần đi vào ổn định. Số hộ quay trở lại địa phương sinh sống ngày càng đông”, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân -Trần Văn Toàn cho biết. “Cứ sau mỗi mùa mưa lũ, hồ tích nước đạt cao trình thiết kế, đảm bảo phục vụ sản xuất, tưới cây cả trong mùa khô hạn tại các địa phương vùng gò đồi Phong Điền”, ông Hoàng Ngọc Luyến, Trạm trưởng Trạm hồ Hòa Mỹ chia sẻ. Tận dụng nguồn nước hồ Hòa Mỹ, người dân các xã vùng gò đồi Phong Điền khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa, rau màu, đậu, lạc, đào hồ nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Hiệu quả được khẳng định
Chưa có hồ Truồi, nhiều địa phương ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, TX Hương Thủy thường xuyên thiếu nước sản xuất lúa, hoa màu. Nhiều vụ lúa hè thu bị khô hạn nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, có vụ mất trắng. “Từ khi có hồ Truồi đến nay, hầu như chưa năm nào ở địa phương bị thiếu nước tưới. Chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả, năng suất lúa, cây trồng. Chừng 10 năm trước, năng suất lúa chỉ từ 35-40 tạ/ha, mấy năm gần đây tăng lên gần 60 tạ/ha”, ông Lê Bê ở xã Lộc Hòa (Phú Lộc) cho biết.
Hiện nay, hồ Tả Trạch sắp hoàn thành, tích nước vào mùa lũ năm nay để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là công trình thủy lợi lớn đa mục tiêu, có ý nghĩa lịch sử đối với Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, còn có hồ Thủy Yên-Thủy Cam đang thi công. Đây cũng là công trình đa mục tiêu, sau khi hoàn thành không chỉ cấp nước tưới cho gần 1.300 ha lúa và rau màu, còn kết hợp cấp nước phục vụ tại Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô với công suất 25 ngàn m3/ngày đêm. Sau năm 2020 sẽ tăng công suất lên 75-86 ngàn m3/ngày đêm và cung ứng nhu cầu nước tưới thêm 510 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Tương tự, từ khi có hồ Thọ Sơn, nhiều địa phương ở thị xã Hương Trà và một số vùng ở TP Huế đã giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước, khô hạn. Năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng ở thị xã Hương Trà được nâng lên rõ rệt. Riêng năng xuất lúa mỗi vụ, bình quân 60-62 tạ/ha… Cùng với các hồ chứa lớn, trên địa bàn tỉnh còn có các hồ chứa nước vừa và nhỏ như Mỹ Xuyên, Niêm, Thiềm, Mối, Nam Giản, Khe Ngang, Châu Sơn, Phú Bài 2, Nam Lăng, Tà Rinh, A Lác…
“Nguồn nước để tưới cho cây trồng, phục vụ dân sinh giờ đây không thiếu. Đây là thành công lớn của tỉnh kể từ sau những năm đất nước đổi mới”, là khẳng định của ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NN 1 thành viên Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh. Điều ông Đính nói hoàn toàn có cơ sở khi mấy năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu mặc dù diễn biến bất thường, nắng hạn phức tạp, nhưng các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất. Sau khi kết thúc vụ hè thu, nguồn nước tại một số hồ vẫn còn. Nhiều vụ lúa vừa qua không bị ảnh hưởng, thiệt hại trước tình hình nắng hạn, thậm chí năng suất lúa năm sau còn cao hơn năm trước. Các loại rau màu, cây trồng xanh tốt quanh năm, như cải, xà lách, hành ngò, rau má, mía… cho năng suất cao, thu nhập bình quân 100 triệu đến 300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Đỗ Văn Đính khẳng định chất lượng các công trình luôn đảm bảo. Hằng năm, đều được kiểm tra, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng nên phát huy tác dụng. Vào mùa mưa lũ, các chủ hồ vận hành các công trình để tích nước đạt cao trình thiết kế. Quá trình sản xuất, các đơn vị, chủ hồ phối hợp với các địa phương theo dõi tình hình đồng ruộng, diễn biến thời tiết để vận hành điều tiết, xả nước về hạ du phục vụ sản xuất một cách hợp lý, tiết kiệm không lãng phí. Các công trình thủy lợi góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

 

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô

Huế sở hữu những con đường xanh và nhiều “công viên xanh”. Điều này khiến du khách gần xa mỗi khi đến Huế điều có cảm giác thư thái, dễ chịu, tận hưởng không gian xanh mát giữa lòng thành phố, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng oi bức.

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô
Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế
“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Sông Hương - “Bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế

Sông Hương như một “bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế. Dòng sông ấy đã mang trên mình sứ mệnh của lịch sử để ngày nay đang được bảo tồn và gìn giữ, điểm tô cho sự sang trọng của Huế. Và dòng sông ấy sẽ còn chảy tiếp theo dòng chảy của tương lai. Bảo tồn sông Hương do vậy, chính là bảo tồn “xương sống” đô thị Huế.

Sông Hương - “Bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế
Return to top