ClockThứ Hai, 29/04/2024 06:20

Sông Hương - “Bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế

TTH - Sông Hương như một “bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế. Dòng sông ấy đã mang trên mình sứ mệnh của lịch sử để ngày nay đang được bảo tồn và gìn giữ, điểm tô cho sự sang trọng của Huế. Và dòng sông ấy sẽ còn chảy tiếp theo dòng chảy của tương lai. Bảo tồn sông Hương do vậy, chính là bảo tồn “xương sống” đô thị Huế.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 1: Hiến kế cho quy hoạchPhê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065​

Sông Hương được ví như “hành lang xanh” kết nối những công trình văn hóa lịch sử 

Sau hơn 3 năm được tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 2 bên bờ sông Hương, hình hài của con sông thơ mộng chảy qua đô thị Huế đến thời điểm này đã tạo được nhiều dấu ấn rõ rệt trong chuyện bảo tồn song song với phát triển “dòng sông di sản” - linh hồn của Huế.

Dấu ấn bảo tồn và phát triển

Không chỉ du khách từ xa choáng ngợp trước vẻ đẹp, sự thơ mộng, sang trọng của sông Hương mà ngay chính những người dân sống ở Huế cũng bất ngờ trước những thay đổi của đôi bờ sông thơ mộng được ví như “ôm Huế vào lòng” trong những năm gần đây.

Khung cảnh mọi người đạp xe, chạy bộ, vui chơi dọc công viên đôi bờ; dưới dòng sông, những chiếc thuyền rồng trôi nhẹ cùng cảnh người chèo sup, bơi lội như một “bản hợp xướng” của dòng sông Hương mà không phải đô thị nào cũng may mắn có được như Huế.

“Từ thượng nguồn về tận hạ lưu, sông Hương đoạn nào cũng có nét đẹp riêng. Đặc biệt, những năm gần đây, đoạn sông Hương chảy qua giữa lòng trung tâm thành phố Huế càng trở nên thơ mộng hơn bởi những công trình, hàng cây xanh trên bến dưới bờ. Tất cả đã tạo nên điểm nhấn vô cùng đẹp, tạo nên một Huế rất riêng”, anh Nguyễn Hoài Phú, một du khách ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Anh Phú đã đến Huế rất nhiều lần vì “phải lòng” di sản Huế, “phải lòng” sông Hương. “Những năm gần đây tôi thấy Huế đã chăm chút cho sông Hương nhiều hơn để dòng sông ấy trở nên mềm mại, dễ thương hơn. Đó là cái tôi thấy rất rõ, rất tốt trong chuyện phát triển lẫn bảo tồn”, anh Phú nhận định.

3 năm kể từ ngày đồ án quy hoạch chi tiết 2 bên bờ sông Hương được phê duyệt, dòng sông Hương đã có rất nhiều thay đổi với tốc độ ấn tượng theo định hướng đã được nhấn mạnh. Đó là vừa bảo tồn, vừa phát triển một cách hài hòa từ không gian, kiến trúc cảnh quan ở trên bờ lẫn dưới mặt nước, kéo dài từ thượng nguồn về tận hạ lưu.

Ngoài đường đi bộ gỗ lim dọc bờ nam sông Hương được xem là công trình ấn tượng nhấn nhá và tô điểm cho sông Hương, có thể kể đến việc chỉnh trang ngọn đồi Vọng Cảnh, cồn Dã Viên trở nên thơ mộng hay như tuyến đường đi bộ dọc theo đôi bờ sông Hương đã được kéo dài lên tận chùa Thiên Mụ, những cầu bán nguyệt trở thành bãi tắm công cộng… Và việc làm đẹp cho đôi bờ sông Hương vẫn đang được tiếp tục với tuyến đường đi bộ ở bờ nam kéo từ cồn Dã Viên ngược hướng thượng nguồn. Xa hơn là câu chuyện phát triển dòng sông Hương khu vực hạ nguồn, từ Bao Vinh về tận cửa biển Thuận An với định hướng đặt yếu tố “thuận tự nhiên” lên hàng đầu, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và vẻ đẹp thơ mộng của sông Hương, núi Ngự.

Con sông của lịch sử và tương lai

Chuyên gia quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc - TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn người theo sát quy hoạch đô thị Huế nói chung và quy hoạch sông Hương nói riêng đã khẳng định, sông Hương đóng vai trò trục cảnh quan quan trọng nhất của TP. Huế từ trước đến nay, đặc biệt trong tương lai khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo nhận định của vị chuyên gia này, từ trục cảnh quan đó việc bảo tồn sông Hương không phải bao quát toàn bộ, toàn tuyến mà cần hình dung sông Hương như một bản giao hưởng. Điều này đồng nghĩa với việc bảo tồn khu vực trung tâm với bờ bắc có Kinh thành Huế, bờ nam có những công trình kiến trúc di sản thế kỷ XX, cũng như những di tích, lăng tẩm gắn kết ven sông. Song song với đó, lưu ý cần có những khu đô thị mới phát triển ven sông. “Con sông thể hiện lịch sử phát triển hàng trăm năm về trước và đang kéo dài về sau này. Mỗi đoạn sông là một giai đoạn phát triển, tương quan hài hòa thống nhất với nhau”, TS. Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Ngoài những công trình tô điểm, làm nên sự sang trọng cho đôi bờ sông Hương những năm qua, điều mà ông Sơn còn tâm đắc đó chính là giá trị của mảng xanh. Việc xanh hóa đôi bờ sông Hương đã tạo nên hồn cốt cho đôi bờ, để người dân và du khách có thể thụ hưởng được những giá trị ấy là chuyện không phải đô thị nào cũng có thể làm được.

“Sông Hương còn là “hành lang xanh” kết nối những công trình văn hóa lịch sử cũng như những công trình hiện đại trong tương lai. Đó như là “phòng khách” của đô thị, của mọi người dân”, ông Sơn nói thêm và khuyến nghị việc xây dựng những công trình hai bên sông phải hài hòa với điều đó, phải được quy hoạch một cách bài bản, cẩn trọng để tạo nên cảnh quan thống nhất, hấp dẫn.

“Tôi cho rằng, Huế đang đi đúng hướng. Việc bảo tồn Huế nói chung và sông Hương đã đổi thay từng ngày, rất khởi sắc. Mong rằng xu hướng này vẫn được tiếp tục cho những đoạn khác của sông Hương”, ông Sơn hy vọng.

Sông Hương - trục cảnh quan chủ đạo

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ, các đô thị được định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng di sản văn hóa, di sản thiên nhiên đã từng có vai trò trong lịch sử gắn liền với quá trình hình thành Cố đô Huế về địa thế, kiến trúc cảnh quan, sinh thái, môi trường, giao thương… Trong đó, mô hình đô thị di sản trung tâm hướng tới bảo tồn toàn vẹn các yếu tố cốt lõi của không gian di sản Cố đô Huế đồng thời mở ra các hướng phát triển mới, hình thành một tập hợp các đô thị chuyên đề có khả năng liên kết và sức cạnh tranh cao, với các không gian trung tâm có tính chất quy tụ, đa chiều, hướng biển, lấy đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, sông Hương và các chi lưu làm trục cảnh quan chủ đạo.

Quần thể di tích Cố đô Huế cũng được định hướng xác lập 5 phân vùng chức năng gồm: Khu vực 14 di tích thuộc di sản UNESCO công nhận; Khu vực tái tạo di sản và tương tác phát triển; Khu vực công viên quốc gia (gồm núi Ngự Bình và các núi phía thượng nguồn sông Hương); Khu vực cảnh quan văn hóa sông Hương và các chi lưu; Các khu vực đón tiếp và dịch vụ trung tâm.


Nhật Minh
ĐÁNH GIÁ
3.6
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
HA
Huỳnh Anh - 05/05/2024 11:20
Sông Hương là linh hồn của Huế, mảng xanh 2 bên bờ sông, công viên 2 bên bờ sông là khó báu của người dân Huế và của du khách. Sông Hương sẽ mang đến trù phú cho Huế trong tương lai rất gần...

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển mùa

Đã qua tiết thu phân. Ngọn gió ngoài sông phả về hơi lạnh nghe ra mùi hương đất đai kỳ hoai ủ. Con nhóc giờ này năm xưa rén nhẹ bước chân vo bơ gạo độn khoai, rang thêm mẻ hạt dầu với ruốc. Một phần cho mẹ ra đồng, phần nữa con theo đám các bà dì đi qua chợ huyện rồi đến trường học. Những ngọn đồi mù mịt trong mưa. Đứa trẻ mắt nhắm mắt mở thấy mình mãi vòng quanh không qua hết bìa rừng... Nó ứa nước mắt thèm ngủ vùi trong mùi lá còn vương.

Chuyển mùa
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…

TIN MỚI

Return to top