Mì lát Kim Đôi được phơi khô trước khi đóng gói
Đây cũng là nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Đặc biệt, sản phẩm của một số cơ sở đã có mặt tại hơn 15 tỉnh, thành trên cả nước, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con.
Thu nhập khá
Đến thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành, chúng tôi ấn tượng nhất là những khoảng sân rộng, với những cuộn mì lát, được hong nắng. Giữa sân là giàn phơi mì được vệ sinh sạch sẽ, tất bật nhiều nhân công. Những cuộn mì tươi mới vẫn còn thơm nguyên mùi bột, tranh thủ được phơi khô tự nhiên, để kịp đóng gói cho khách hàng.
Thời gian trước, nghề làm mì lát được xem là một công việc bán thời gian. Người dân tranh thủ những lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, do khách hàng ngày càng ưa chuộng nên bà con tiếp tục mở rộng sản xuất, trở thành ngành nghề chính của nhiều hộ gia đình.
Với hơn 13 năm trong nghề, cơ sở sản xuất mì lát của anh Trương Hữu Phụng được xem là lớn nhất trong thôn. Hiện trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh xuất ra thị trường trên dưới 4 tạ sản phẩm, tiêu thụ chủ yếu tại các chợ trung tâm của một số tỉnh, thành trên cả nước.
Sản xuất mì lát tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại Quảng Thành
Anh Phụng cho biết: “Nghề này chủ yếu lấy công làm lãi. Mỗi ngày hai vợ chồng thu nhập khoảng 500 nghìn đồng. Ở vùng nông thôn, thu nhập như vậy là tạm ổn. Quan trọng hơn là có thêm việc để bà con lối xóm cùng làm, kiếm thêm thu nhập. Người trẻ thì cắt bột, đóng cuộn, phơi, người già thì đóng gói. Học sinh đi học một buổi, buổi còn lại tranh thủ phụ thêm gia đình thủ kiếm tiền”. Cơ sở của anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương.
Hiện tại, thôn Kim Đôi có 20 hộ đang sản xuất mì lát, sản phẩm của họ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn “vươn” ra ngoại tỉnh.
Có mặt tại 15 tỉnh, thành
Lý do sản phẩm mì lát của các hội viên nông dân thôn Kim Đôi được thị trường ưa chuộng chính là tính nguyên chất của thành phẩm mì lát.
Ngoài việc lựa chọn nguồn bột mì nguyên chất đảm bảo chất lượng, nước sạch và qua một số công đoạn chế biến thủ công, bà con không hề cho thêm bất kỳ một phụ gia nào. Việc sấy khô, hong nắng kỹ lưỡng sẽ đảm bảo mì lát được giữ lâu hơn mà không cần phải có chất bảo quản. An toàn, vệ sinh, chất lượng và giá thành hợp lý nên mì lát Kim Đôi hiện rất được khách hàng lựa chọn.
Thành lập tổ hợp tác
“Hiện thôn Kim Đôi có tổng cộng 20 hộ sản xuất mì lát. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Quảng Thành sẽ xúc tiến, hỗ trợ các hội viên tiếp cận thêm nguồn vốn, mở rộng sản xuất, hướng đến thành lập tổ hợp tác trên quy mô chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”, ông Ngô Hợp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành khẳng định.
|
Thấy chúng tôi thắc mắc về việc dùng tay không bóc tách mì để phơi, anh Nguyễn Phương, chủ một cơ sở sản xuất giải thích, trước khi bắt tay vào công việc, nhân công đều được vệ sinh tay sạch sẽ. Dùng bao tay “trơn” không thể bóc mì lát ra phơi được.
Nói về quy trình chế biến mì lát, anh Phương chia sẻ: “Đầu tiên là mình nhồi bột, sau đó cán thành từng miếng mỏng. Tiếp tục cho vào máy cắt thành từng miếng nhỏ, cuộn tròn và đem sấy khô. Trời mưa thì đưa vào lò sấy, còn mùa hè nắng gắt thì tranh thủ “sấy tự nhiên”. Sản phẩm sau khi sấy khô sẽ được đóng gói, trọng lượng tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Ý thức xây dựng thương hiệu cho làng nghề, bà con chúng tôi luôn sản xuất đảm bảo chất lượng". Hiện tại, cơ sở sản xuất mì lát của anh Phương xuất ra thị trường 2-3 tạ/ngày. Anh còn đầu tư máy móc làm bún khô, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Để mô hình sản xuất mì lát tại thôn Kim Đôi hướng đến sản xuất bền vững, phía Hội Nông dân xã Quảng Thành đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng đăng ký thành công thương hiệu mì lát cho người dân. Hội cũng đã đề xuất với Sở Công thương từ nguồn quỹ khuyến công, xem xét và hỗ trợ thêm máy móc, để các hội viên chuyển dần từ phương thức thủ công sang máy móc, nhằm tăng năng suất và nâng cao thu nhập.
Ông Ngô Hợp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành, cho biết: “Trước mắt, chúng tôi hỗ trợ bà con kết nối thị trường tiêu thụ, thông qua các hội chợ nông sản hoặc các buổi triển lãm, trưng bày sản phẩm nông nghiệp nông thôn. Về lâu dài, hội cũng giúp đỡ các hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất”.
Bài, ảnh: Hà Nguyên