|
|
Rác thải bừa bãi ở các khu vực đất trống vùng ven đô |
Theo tìm hiểu, những năm gần đây, chúng tôi ghi nhận nhiều đơn vị xã, phường làm tốt công tác thu gom RTSH tại khu vực nông thôn, nhưng bên cạnh đó nhiều nơi thực sự chưa được xem trọng.
Nhiều thôn, xã chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom RTSH. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom RTSH nhưng chỉ là quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác.
Chính thực trạng trên, việc phân loại chất thải rắn ở khu vực nông thôn và các làng nghề còn rất nhiều hạn chế; đa phần còn vứt, ném bừa bãi ra môi trường. Lượng rác tồn đọng tại các kênh, mương, các vùng đất trống rất lớn… dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ thu gom RTSH khu vực nông thôn đạt hơn 90%. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ này mới đạt khoảng 75%. Công tác thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại, như: các loại vỏ bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật... mới được áp dụng với quy mô nhỏ, chủ yếu dùng các thùng chứa, không có các bể chứa cố định đúng quy chuẩn.
Đánh giá của Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho biết, những năm qua, nhiều địa phương đã, đang phấn đấu xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới nên tiêu chí nâng cao chất lượng môi trường ở nông thôn cũng đặt lên hàng đầu. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện đề án thu gom, xử lý RTSH, qua đó đã áp dụng một số giải pháp, mô hình nhằm cải thiện môi trường nông thôn, hình thành bộ máy trực tiếp thu gom rác tại cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương vẫn còn tồn tại, bất cập về phân công, phân nhiệm trong công tác quản lý, thu gom, xử lý RTSH nông thôn; có nơi còn bỏ ngỏ; trong đó tại các làng nghề cũng còn chồng chéo, bất cập trong quản lý môi trường.
Những bất cập nêu trên một phần do xuất phát điểm ở khu vực nông thôn còn thấp, ngân sách đầu tư cho công tác này còn hạn chế, trong khi việc xã hội hóa về lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Riêng ở khu vực các làng nghề, ít nhiều đều đã có phát sinh ô nhiễm vì đa phần do sản xuất theo lối thủ công, thiết bị lạc hậu, chưa quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng mức. Đây thực sự là rào cản khiến nhiều làng nghề chậm mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thương hiệu để đưa sản phẩm ra các thị trường lớn.
Giải pháp để giải quyết tình trạng thu gom, xử lý RTSH ở khu vực nông, các làng nghề tối ưu phải cần sớm đặt ra lúc này là quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức trách nhiệm trong Nhân dân tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. Tại các làng nghề, cần có các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, quy hoạch sản xuất tập trung, áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; trong đó phải có sự ràng buộc vốn “đối ứng” của các chủ cơ sở, làng nghề…