Sử dụng thẻ ATM nhận các khoản trợ cấp sẽ hạn chế được dịch COVID-19
Tỷ lệ chi trả đạt 34,8%
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã và đang đem lại những hiệu quả tích cực, giảm sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán, các chi phí liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền mặt; đồng thời thực hiện hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử, tạo cơ sở thực hiện hành chính công trực tuyến nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay, một trong những biện pháp phòng ngừa đơn giản, an toàn nhất là chuyển sang hình thức TTKDTM và tận dụng các tiện ích mà thương mại điện tử mang lại.
Đẩy mạnh TTKDTM, UBND tỉnh ban hành đề án đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công chi trả an sinh xã hội đến năm 2025.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh về chi trả an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng, phấn đấu năm 2019 tỷ lệ chi trả an sinh xã hội qua ATM đạt 20%. Trong năm này, những chỉ tiêu trên đều vượt và tăng 14% so với năm 2018, trong đó, địa bàn TP. Huế tỷ lệ chi trả an sinh xã hội thực hiện qua ngân hàng đạt 34,9%; TX. Hương Trà tỷ lệ này là 22,3%; TX. Hương Thủy đạt 23,5%.
Ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh thông tin, năm 2020, BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu cho BHXH tỉnh phấn đấu tỷ lệ người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng chi trả qua ngân hàng bình quân 50%, trong đó khu vực đô thị là 42%, BHXH 1 lần là 35%, trợ cấp thất nghiệp 72%.
BHXH tỉnh đã thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH sử dụng hình thức nhận trợ cấp qua phương tiện TTKDTM. Một trong những giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người sử dụng phương tiện TTKDTM là phối hợp với các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ hình thức nhận trợ cấp bằng tiền mặt sang nhận trợ cấp qua tài khoản cá nhân.
“6 tháng đầu năm 2020, tổng số tiền chi trả an sinh xã hội qua ATM trên địa bàn toàn tỉnh đạt 34,8%. Trong đó, tỷ lệ người hưởng lương hưu qua ngân hàng đạt 32%, BHXH 1 lần đạt 46%, trợ cấp thất nghiệp đạt 83%… Các chỉ tiêu chi trả an sinh xã hội qua tài khoản đối với BHXH 1 lần và trợ cấp thất nghiệp đều vượt so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, tuy nhiên tỷ lệ chi trả lương hưu vẫn chưa đạt (thiếu 10%). Đây là chỉ tiêu cần phải phấn đấu trong những tháng còn lại cuối năm”, ông Dũng thông tin.
Ngân hàng vào cuộc
Dù có nhiều ưu điểm so với những hình thức nhận lương hưu, trợ cấp BHXH truyền thống, tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh chỉ mới có khoảng 9.800 người trên tổng số gần 32.000 người nhận lương hưu không dùng tiền mặt (chiếm tỷ lệ khoảng 32%).
Nguyên nhân theo lý giải từ BHXH tỉnh là do tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, nhất là người lớn tuổi (đối tượng hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng) còn e ngại về công nghệ hay những rủi ro trong việc sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại này. Cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu thanh toán chưa đồng đều giữa khu vực thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa khiến tỷ lệ TTKDTM chưa cao.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-chi nhánh tỉnh Lê Việt Sỹ, với mục tiêu phấn đấu năm 2020 sẽ có 50% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn TP. Huế, TX. Hương Trà; TX. Hương Thủy được thực hiện qua ngân hàng, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp BHXH tỉnh đẩy mạnh các giải pháp để tăng tỷ lệ người dân nhận chỉ trả an sinh xã hội qua ngân hàng.
NHNN thường xuyên chỉ đạo và có công văn đôn đốc các NHTM trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện sắp xếp hợp lý và phát triển mạng lưới ATM ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp phối hợp BHXH tỉnh, trung tâm dịch vụ việc làm, bưu điện cung cấp biểu mẫu thủ tục và hướng dẫn người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trợ cấp thất nghiệp đăng ký mở tài khoản và sử dụng thẻ ATM, triển khai rộng nhiều phương thức thanh toán hiện đại và sử dụng đơn giản.
Các NHTM đã có nhiều hoạt động phối hợp với BHXH nhằm mở rộng các tiện ích thanh toán, nhất là cơ chế ưu đãi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp nhận tiền qua tài khoản cá nhân như: giảm phí mở thẻ, thanh toán hóa đơn, rút tiền mặt, các giao dịch đều được giảm hoặc miễn phí; tăng cường lắp đặt mở rộng hệ thống trụ ATM, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa để người hưởng trợ cấp dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng mọi lúc, mọi nơi; cung cấp đủ lượng tiền; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy ATM…
Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc VietinBank Thừa Thiên Huế chia sẻ: VietinBank đã thiết kế riêng và cho ra đời thẻ E-Parner BHXH với nhiều ưu đãi như: miễn phí phát hành, miễn phí quản lý thẻ, số dư tối thiểu duy trì thẻ chỉ 10.000 đồng…Cùng với việc cho ra đời sản phẩm dành riêng cho các đối tượng hưởng BHXH, VietinBank Thừa Thiên Huế đồng hành với BHXH tỉnh đến tận các điểm chi trả, từng tổ đân phố, phối hợp với các tổ, hội nhóm tại địa phương nhằm tuyên truyền, vận động người hưởng trợ cấp hiểu rõ hơn về tiện ích của việc giao dịch qua thẻ ATM; từ đó tích cực đăng ký tham gia.
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN