|
Ngư dân Ngũ Điền gỡ cá trích trên bờ |
Khấm khá từ nuôi tôm trên cát
Mỗi lần có dịp về quê hương, anh Nguyễn Doan - một Việt kiều Mỹ ở xã Phong Hải lại cảm nhận được một nét tươi mới của xã nhà nói riêng và cả vùng Ngũ Điền nói chung. Chừng hơn 30 năm trước, nhiều người dân vùng cát ven biển Ngũ Điền còn sống trong những ngôi nhà tranh, phên tre tạm bợ. Khoai, sắn bạt ngàn trên vùng cát nhưng người dân vẫn thiếu cái ăn, cái mặc. Hầu hết các con đường chỉ là lối mòn trên cát, hay được đổ bằng đất đỏ.
Giờ đây, cứ vài ba năm có dịp về quê một lần, anh Doan không giấu niềm vui và xúc động trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng cát ven biển quê mình và cả Ngũ Điền. Anh Doan vui vì chứng kiến những ngôi nhà dân được kiên cố, hai tầng, nhiều nhà có kiến trúc hiện đại. Những con đường đất cát, đất đỏ ngày nào giờ đã được Nhà nước và Nhân dân chung sức xây dựng bê tông sạch đẹp, rộng rãi. Một số tuyến đường chính nằm trung tâm xã, thôn được thảm nhựa tươm tất.
Không chỉ anh Doan mà hầu như tất cả những người con làm ăn xa quê đều cảm nhận đời sống vật chất và tinh thần của người dân quê mình có nhiều đổi thay. Mỗi lần về quê, họ đều dạo quanh tham quan những cánh đồng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Ai cũng ngỡ ngàng bởi vùng cát hoang vu một thời chẳng biết trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp nay lại trở thành vùng kinh tế sôi động.
Ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải chia sẻ, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát dù lúc này hay lúc khác, có thành công, thất bại, nhưng rõ ràng đây chính là nguồn sinh kế vô cùng quan trọng đối với người dân vùng cát Ngũ Điền. Hàng trăm hộ là chủ ao hồ nuôi tôm không chỉ khấm khá lên, có hộ làm giàu nhờ nuôi tôm, mà họ còn giúp hàng trăm người dân có việc làm, thu nhập khá để trang trải đời sống, nuôi con ăn học.
Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, nhưng rõ ràng nuôi tôm chân trắng thật sự mang lại hiệu quả trên vùng cát ven biển Ngũ Điền. Từ khi phong trào nuôi tôm phát triển rộng rãi, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nơi đây đổi thay đáng kể. Phong trào nuôi tôm đi kèm với nhiều dịch vụ buôn bán thức ăn nuôi thủy sản, hàng quán ăn uống, chế biến thủy, hải sản… Nhiều chủ hộ làm dịch vụ kinh doanh nhà hàng, buôn bán thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh tôm nuôi đã có cuộc sống ổn định, phất lên làm giàu.
Khai thác hải sản và làm dịch vụ
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu tự hào, Phong Hải là một trong những địa phương đầu tiên của huyện, tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Và địa phương hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu này khi kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư xây dựng khang trang từ nguồn của Nhà nước hỗ trợ và Nhân dân đóng góp. Nhiều tuyến đường xây mới hoàn toàn từ sự đóng góp kinh phí xây dựng của người dân.
Phong Hải nói riêng và vùng cát ven biển Ngũ Điền nói chung giờ đây không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu từ chính sự nỗ lực, cố gắng của mỗi người dân nơi đây. Một bộ phận đầu tư nuôi tôm, còn lại phần lớn ngư dân quyết tâm bám trụ với nghề khai thác hải sản vùng biển lộng. Họ cải hoán phương tiện, mua sắm thêm để làm nghề, mở rộng và đa dạng lưới cụ… nâng cao hiệu quả nghề biển.
Những năm gần đây, nguồn lợi hải sản gần bờ có dấu hiệu hồi sinh, những con ngừ, chủa, thu, cam… một thời mất hút nay xuất hiện trở lại. Con nục, con trích, cơm, duội, me… cũng sinh sôi tận vùng biển ven bờ. Nghề biển có hiệu quả kéo theo sự duy trì và phát triển của nghề chế biến mắm, nước mắm, cá phơi khô truyền thống ở vùng ven biển Ngũ Điền. Nhiều hộ chế biến, buôn bán nước mắm đều có cuộc sống ổn định.
Ngược vào các vùng đầm phá Ngũ Điền mùa này, bà con cũng vừa hoàn thành thu hoạch những ruộng lúa hè thu cuối cùng. Đây là một trong những vụ lúa được mùa cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng lúa gạo được nâng cao nhờ đưa các giống mới vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị nên bán được giá. Trồng lúa là nghề truyền thống lâu đời của người dân nơi đây, không chỉ phục vụ đời sống hằng ngày mà còn có thu nhập để nuôi con ăn học.
Men theo tuyến đường liên xã được thảm nhựa khang trang kéo dài từ Điền Hải đến Điền Hương, thoảng mùi rơm rạ trên đồng, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của các làng quê này. Dọc hai bên tuyến đường là những con đường bê tông “xương cá” thẳng tắp nối vào các thôn, xóm, vào tận nhà dân. Hai bên đường được người dân trồng cây xanh tỏa bóng mát, rồi cả những tuyến đường hoa, tuyến đường mai vàng… được hình thành từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.
Trên các tuyến đường chính ở vùng Ngũ Điền mọc lên san sát những quán cà phê, quán ăn uống giải khát, kinh doanh hàng tạp hóa, hàng dân dụng… Các dịch vụ này không chỉ làm cho vùng Ngũ Điền thêm khang trang, sôi động mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định đối với nhiều hộ kinh doanh. Những ngôi chợ truyền thống như Đại Lộc (Điền Lộc), Chợ Mới (Điền Hải), chợ Phong Hải… là những nơi tập trung các hoạt động kinh doanh, mua bán sôi động, nhiều chủ quầy hàng nơi đây phất lên làm giàu. Hầu hết các xã gần như không còn hộ nghèo, trừ các hộ già cả, neo đơn, bệnh tật, mất sức lao động...