ClockThứ Tư, 17/05/2023 06:06

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ: Một mũi tên trúng hai đích

TTH - Việc ban hành Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn được kỳ vọng phần nào giảm bớt áp lực cho khách hàng, doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng.

Ngân hàng đối mặt với sự “khan hiếm” của dòng vốn rẻTop 5 ngân hàng mở thẻ tín dụng tốt, nhiều ưu đãi nhất hiện nayTốc độ giảm lãi suất đang diễn ra khá tích cực

leftcenterrightdel
 Cơ cấu thời gian trả nợ giảm áp lực cho khách hàng vay vốn

Thêm chính sách hỗ trợ khách hàng

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, trước diễn biến kinh tế thế giới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước những tháng đầu năm 2023, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân gặp không ít khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.

Theo quy định tại Thông tư 02, các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính. Ngân hàng Nhà nước trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do tổ chức tín dụng quyết định, nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp như việc Ngân hàng Nhà nước hai lần giảm lãi suất điều hành; chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay; kích hoạt gói 120.000 tỷ đồng... Việc ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, ngành ngân hàng sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng. Qua đó, chính sách này kỳ vọng sẽ góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, một khách hàng vay vốn chia sẻ, khách hàng vay tiêu dùng cũng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như doanh nghiệp thì đây là sự đồng hành rất lớn. Vì thực tế thời gian này, chúng tôi gặp khó khăn do công việc bị cắt giảm, nguồn thu nhập không ổn định. Nếu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thì trước mắt gia đình cũng tạm thời giảm bớt áp lực vì mối lo bị chuyển nhóm nợ. Tuy nhiên, tôi mong rằng các thủ tục để được cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ được đơn giản, tạo điều kiện cho nhiều khách hàng được thụ hưởng chính sách.

Chính sách này cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất kịp thời, có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại cho rằng, không nên “ỷ lại” vào chính sách này, bởi trong điều kiện vẫn có thể thanh toán được thì doanh nghiệp không nên đề nghị cơ cấu thời gian trả nợ, nếu không sẽ gây áp lực rất lớn khi hết thời hạn được cơ cấu nợ.

leftcenterrightdel
 Các ngân hàng đều triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng

Đảm bảo khả năng tiếp cận vốn tín dụng

Nhìn lại hiệu lực của chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ được Ngân hàng Nhà nước triển khai trong 2 năm 2021, 2022, phần nào cho thấy chính sách đã giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn, giảm áp lực cho khách hàng trong trả nợ vay ngân hàng. Đồng thời, chính sách này cũng giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, của bên vay, tạo dòng tiền mới để trả nợ đáo hạn và mở rộng sản xuất kinh doanh sau này.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho thấy, tính đến 30/6/2022 (thời điểm kết thúc thời hạn cơ cấu nợ), các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 1.990 khách hàng (trong đó có 147 doanh nghiệp), với tổng giá trị nợ của khách hàng có phát sinh số dư nợ được cơ cấu là 8.083 tỷ đồng (trong đó, tổng giá trị nợ của doanh nghiệp là 6.621 tỷ đồng). Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng áp dụng miễn, giảm, hạ lãi suất đối với 52.752 khách hàng với tổng dư nợ là 24.850 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm, hạ lãi suất là 75,22 tỷ đồng.

Với hiệu quả đã được khẳng định, cũng như kinh nghiệm trong thực thi chính sách này thời điểm trước đây, hiện các ngân hàng trên địa bàn đã triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo tinh thần của Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, Agribank là ngân hàng đầu tiên ban hành quy định nội bộ về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hệ thống Agribank. Với quy định này, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khách hàng của Agribank gồm pháp nhân và cá nhân gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Tại Thừa Thiên Huế, chi nhánh Agribank cũng tiến hành rà soát các khoản nợ đến hạn để đánh giá theo các nội dung hướng dẫn tại quy định nội bộ về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh truyền thông các chủ trương điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng để người dân và cộng động doanh nghiệp nắm bắt thông tin. Trong quá trình triển khai chính sách gia hạn, các tổ chức tín dụng, khách hàng nếu gặp khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách và các quy định có thể phản ánh về đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh để được hỗ trợ.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ cấu giống ngắn ngày và gieo cấy lúa kịp thời vụ

Trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, đồng ruộng bị ngập kéo dài, ngành nông nghiệp cùng các địa phương phải tính toán, cơ cấu giống lúa phù hợp nhằm đảm bảo gieo cấy kịp thời vụ, thu hoạch kịp thời vụ.

Cơ cấu giống ngắn ngày và gieo cấy lúa kịp thời vụ
Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2022 của huyện Quảng Điền diễn ra chiều 15/11, các đại biểu cho rằng cần áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay.

Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

TIN MỚI

Return to top