ClockThứ Bảy, 20/03/2021 14:39

Nguy cơ thiếu hụt lao động ở khu công nghiệp

TTH - Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) ở các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đang cần tuyển lao động ở nhiều vị trí chưa tuyển đủ, thì ngược lại, không ít người vẫn chưa tìm được việc làm.

“Khát” lao động tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Một số DN ở các KCN đang cần tuyển lượng lớn lao động phổ thông

Khó mà dễ, dễ mà khó

Sau tết, Công ty CP Vinatex Phú Hưng (đóng tại KCN Phú Bài) có nhu cầu tuyển 300 công nhân. Sau phỏng vấn, anh Nguyễn Văn Sang (ở Bao Vinh, Hương Vinh, TX. Hương Trà) chia sẻ: "Em vẫn còn đắn đo. Với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng như công ty đưa ra cho vị trí công nhân đi ca là hợp lý. Nhưng vì đã học và làm nghề cơ khí 3 năm tại TP. Hồ Chí Minh, nên em muốn tận dụng chuyên ngành, kinh nghiệm để xin vào vị trí phù hợp với mức lương cao hơn".

Hơn 10 năm làm việc và đóng bảo hiểm xã hội tại một công ty chế biến thủy sản, do ảnh hưởng của dịch, đơn vị không có đơn hàng, giảm việc, nên chị Trần Thị Bích Ngọc (ở Hương Sơ, TP. Huế) và một số đồng nghiệp đăng ký phỏng vấn, nộp hồ sơ xin việc tại Công ty TNHH Jointwell Việt Nam (KCN Tứ Hạ, TX. Hương Trà) chuyên may mũ thể thao. Chị Ngọc đang lo vì chưa có tay nghề về may mặc, nên khả năng được tuyển sẽ khó và nếu trúng tuyển có thể chị chỉ làm tạm thời vì dự định sẽ quay trở lại công ty cũ khi có việc.

Tỷ lệ lao động thất nghiệp hiện dao động trong khoảng 2-3% lực lượng lao động toàn tỉnh, tức khoảng 12.000-15.000 người. Nhu cầu người tìm việc khá lớn.

Theo Ban quản lý các KKT, CN tỉnh, qua điều tra khảo sát ban đầu, có khoảng 14 DN tại các KCN, KKT Chân Mây- Lăng Cô đang có nhu cầu tuyển dụng lao động khoảng 7.000 người. Trong đó, tại KCN Phú Bài có 5 DN đang cần tuyển gần 600 lao động ngành may mặc, gồm: Sợi Phú Bài, Hanex Huế, Dệt may Thiên An Phú, Phú Hoà An, Hanesbrands Việt Nam Huế. KCN Tứ Hạ có Công ty TNHH Jointwell Việt Nam đang cần 500 lao động may mũ thể thao xuất khẩu. KCN Phú Đa có 2 DN dệt may: Sơn Hà Huế và PPJ Huế đang cần tuyển khoảng 1.400 lao động; KCN Phong Điền có 3 DN: Scavi Huế, Công ty TNHH CN bảo hộ Kanglongda và Chi nhánh Đông lạnh- Công ty cổ phần CP Việt Nam cần tuyển khoảng 950 lao động chuyên ngành dệt may, chế biến thực phẩm. Tại KKT Chân Mây- Lăng Cô có 3 DN: Công ty TNHH Chế xuất Billion Max Việt Nam (sản xuất đồ chơi nhựa) đang cần tuyển 530 lao động và dự kiến sau năm 2021 cần thêm khoảng 1.500 lao động; Công ty TNHH Nakamoto Packs Việt Nam (phụ kiện ô tô) và Công ty TNHH Sunjin AT&C Vina (đan tất) đang cần khoảng 250 lao động...

Ông Hồ Huy Hinh, Phó Trưởng phòng Đầu tư-DN-Lao động, BQL KKT, CN tỉnh cho biết, hiện tại, hầu hết các DN đều tuyển dụng lao động cơ bản đáp ứng đủ các vị trí công việc, không xảy ra tình trạng thiếu lao động ảnh hưởng đến sản xuất. Chỉ có một vài thời điểm, nhất là giai đoạn ra tết, một số nơi xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ do lao động nhảy việc, chuyển việc, song tình trạng này chỉ mang tính tức thời, không kéo dài.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động ở KKT Chân Mây - Lăng Cô. Do xa trung tâm thành phố, lực lượng lao động xung quanh KKT không nhiều, nên hiện tại và sắp tới, khi nhiều dự án lớn đi vào hoạt động ổn định, nhu cầu tuyển dụng tăng, một số DN cần tuyển từ 1.000 lao động trở lên sẽ gặp khó khăn.

Cần những giải pháp dài hơi

Đến nay, các KKT, KCN đã tạo việc làm cho khoảng 33.400 lao động. Dự báo, giai đoạn 2021- 2025, các KKT, KCN cần tuyển dụng khoảng 21.000 lao động thuộc các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: may mặc, sợi, cơ khí, điện tử, du lịch dịch vụ…Trong đó, tập trung phần lớn tại địa bàn KKT Chân Mây- Lăng Cô với khoảng 12.000 lao động. Riêng Công ty TNHH Chế xuất Billion Max Việt Nam cần 2.500 lao động; 2 dự án (DA) sản xuất, lắp ráp ô tô cần khoảng 6.000 lao động; DA của Công ty Laguna VN và Công ty CP Quốc tế Minh Viễn và một số DA trong lĩnh vực du lịch dịch vụ khoảng 2.500 - 3.000 lao động...Các KCN đã được đầu tư hạ tầng như Phong Điền, Phú Bài cần khoảng 8.000 lao động.

Để có đủ nguồn nhân lực thuộc các ngành, lĩnh vực nói trên đáp ứng nhu cầu phát triển, BQL KKT, CN tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh và các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực (hiện có và dự báo) trên địa bàn và mở rộng vùng lân cận, bao gồm nguồn lao động của địa phương đi làm ăn xa có khả năng trở về; xây dựng các chính sách hỗ trợ cho DN, đa dạng hóa hình thức tuyển dụng nhân lực.

BQL KKT, CN tiếp tục chủ động kết nối giữa DN với Trung tâm DVVL tỉnh, cơ sở đào tạo, đảm bảo thông suốt thông tin hai chiều, đáp ứng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo chuyên sâu, cung ứng nguồn nhân lực đủ số lượng và có chất lượng. Chẳng hạn khuyến khích nhân rộng mô hình kết hợp giữa DN với các trường, cơ sở đào tạo như Trung tâm Đào tạo may HBI-Hueic (Kết hợp giữa Công ty TNHH HBI Việt Nam Huế và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế).

Khó khăn nhất hiện nay là một số KKT, KCN xa trung tâm TP. Huế như Chân Mây- Lăng Cô, Phú Đa, Phong Điền... cần nhiều lao động lại đang khó tuyển do lực lượng lao động quanh khu vực ít, trong khi người ở các địa phương khác đang cần việc thì việc di chuyển, đi lại quá xa. Để khắc phục khó khăn này, theo ông Hồ Huy Hinh, cần thiết nên mở các tuyến xe buýt, xe đưa đón công nhân lên về Chân Mây- Lăng Cô hoặc một số KCN khác. Về lâu dài, để giúp người lao động yên tâm gắn bó với công việc, BQL đã bố trí quỹ đất tại KKT Chân Mây- Lăng Cô và đang kêu gọi nhà đầu tư đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng cho khoảng 1.500-1.700 lao động (tương đương 750-800 phòng) có nhu cầu thuê, mua nhà ở.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ xảy ra nắng nóng ở Châu Á tăng gấp 45 lần do biến đổi khí hậu

Theo một nghiên cứu mới của World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, tình trạng nắng nóng gay gắt như đợt cuối tháng 4 vừa qua ở châu Á và Trung Đông có nguy cơ xảy ra cao gấp 45 lần do tác động của biến đổi khí hậu mà con người gây ra.

Nguy cơ xảy ra nắng nóng ở Châu Á tăng gấp 45 lần do biến đổi khí hậu
Đối thoại với 300 công nhân lao động về các chính sách xã hội

Chiều 15/5, Liên đoàn Lao động huyện Phú Vang phối hợp Công đoàn Khu kinh tế Công nghiệp (KTCN) tỉnh tổ chức hội nghị “Đối thoại Tháng 5” với công nhân lao động trên địa bàn huyện Phú Vang. 300 đoàn viên công đoàn, công nhân lao động trên địa bàn huyện tham gia.

Đối thoại với 300 công nhân lao động về các chính sách xã hội
Siết quy trình để đảm bảo an toàn lao động

Chỉ trong vòng 1 tháng, hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại Yên Bái và Đồng Nai, gây những tổn thất lớn về người. Điểm chung của hai vụ việc này cùng nhiều vụ tai nạn lao động khác là quy trình về an toàn lao động đã không được tuân thủ nghiêm túc, cộng với công tác kiểm soát bị lơ là, từ đó dẫn tới những tai nạn thương tâm.

Siết quy trình để đảm bảo an toàn lao động
Biểu dương công nhân, lao động giỏi ngành Y tế năm 2024

Trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn Y tế Việt Nam triển khai nhiều hoạt động mang đến lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Nhiều công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao mang đến món quà tinh thần cho đoàn viên, người lao động; thăm hỏi động viên và trao hỗ trợ cho những đoàn viên gặp hoàn cảnh khó khăn.

Biểu dương công nhân, lao động giỏi ngành Y tế năm 2024
Nhận diện nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động

Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra gần đây ở một số nhà máy sản xuất ngoại tỉnh cho thấy, chỉ cần một sự bất cẩn nhỏ, chủ quan và thiếu trang bị kiến thức, phương tiện, quy trình phòng bị về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là tính mạng người lao động rất dễ bị đe dọa.

Nhận diện nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động

TIN MỚI

Return to top