Chất lượng nguồn nước đang là nỗi lo của người nuôi tôm khi vào vụ
Những điều trông thấy
Dẫu chậm hơn so với mọi năm bởi ảnh hưởng COVID-19 nhưng vụ đông này, nhiều hộ dân cũng đã xuống giống. Song vẫn còn một số hộ không dám thả nuôi hoặc không xoay xở được kinh phí để tái đầu tư khi thị trường đang bó hẹp.
Thông thường, chi phí cho con giống, nhân công, tu sửa trang thiết bị, hồ nuôi chiếm phần lớn trong hạch toán của hộ nuôi mỗi khi vào vụ. Bây giờ, khi con tôm vào vụ, nguồn nước đang là nỗi lo lắng. “Để nuôi tôm, nước mặn được chúng tôi lấy từ biển vào hòa cùng nước ngọt thông qua các giếng khoan với tỷ lệ 7 mặn 3 ngọt. Nếu nguồn nước này không đảm bảo thì tỷ lệ thất bại sẽ rất cao”, ông Hồ Văn Cường, người nuôi tôm ở vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) chia sẻ.
Như lời anh Cường, nuôi tôm trên cát phải có đủ nước ngọt lẫn mặn, bởi vậy, nhiều hộ dân đầu tư hàng trăm triệu đồng thiết kế đường ống đấu nối từ hồ nuôi ra biển khi việc đưa nguồn nước này vào đất liền khó khăn.
Đến đây, chỉ cần nhìn lại quy trình nuôi tôm mà lâu nay các hộ dân áp dụng sẽ nhận thấy được lo lắng của họ hoàn toàn có cơ sở. Dẫu những thông số của các cơ quan chức năng về nguồn nước biển gần bờ vẫn đang trong giới hạn an toàn, nhưng ai dám chắc khi hơn cả thập kỷ nay, nguồn nước thải của nhiều hộ dân nuôi tôm đổ thẳng ra biển mà không qua hệ thống xử lý nào không ảnh hưởng đến biển. Và cũng chính nguồn nước biển ấy, họ lại lấy vào để nuôi trồng vụ kế tiếp.
Còn mạch nước ngầm cũng chẳng ai dám chắc không bị ảnh hưởng khi nước thải, hóa chất ở các hồ tôm đang hàng ngày thẩm thấu vào cát. Thực tế, không ít lần, người dân vùng Ngũ Điền phản ánh tình trạng mạch nước ngầm không đảm bảo đến các cơ quan chức năng.
Hơn 10 năm theo đuôi tôm, anh Lê Viết Sáng (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) cảm nhận rõ những khó khăn về nguồn nước. Nếu ở những doanh nghiệp, công ty có cả đội ngũ kỹ sư hàng ngày phụ trách đo thông số nguồn nước thì với hộ nuôi tư nhân, họ chỉ cảm nhận bằng trực quan. “Chính những người nuôi như tôi cũng cảm nhận được nguồn nước bây giờ đang khác trước. Khi nhiều hồ tôm ồ ạt mọc lên thì nước thải chưa qua xử lý quá nhiều, đổ thẳng ra biển nên khả năng làm sạch tự nhiên của biển cũng bị ảnh hưởng”, anh Sáng nói.
Với quy trình nuôi, cách xử lý nước thải như hiện nay, chính người nuôi gặp khó. Thu nước mặn từ biển, nước ngọt từ mạch ngầm rồi nước thải cũng về những vị trí đó tạo nên vòng luẩn quẩn tồn tại nhiều năm nay. “Do nguồn nước ô nhiễm, nhiều người nuôi tôm thiệt hại mấy vụ liên tiếp. Nhiều khu vực nuôi, hồ tôm bỏ hoang bởi họ cho rằng nơi đó nguồn nước không tốt”, anh Nguyễn Thành (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) nói.
Thay đổi tư duy nuôi
Mức độ đầu tư lớn khiến nhiều hộ dân đổ cả gia sản vào con tôm. Khác với sản xuất nông nghiệp, đê điều ở các vùng nuôi tôm được chính người dân chủ động đầu tư, tạo hệ thống mà người ta gọi là đê thủy sản khá vững chắc. Song, quản lý nguồn nước đang có nhiều trở lực bởi người nuôi tự phát khiến địa hình nuôi tôm biến đổi, dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo. Muốn cân bằng chất lượng nước như thuở sơ khai, hệ thống xử lý nước thải bắt buộc phải được đầu tư, một mặt để đảm bảo vấn đề về môi trường, mặt khác tạo tính bền vững trong quá trình nuôi.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, nhiều hộ nuôi tôm trên cát bây giờ vẫn lơ là đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chưa bàn đến vấn đề môi trường thì ngay chính họ là người bị ảnh hưởng, thiệt hại đầu tiên. “Muốn “cải tổ” nguồn nước nuôi tôm trước hết phải có hệ thống xử lý nước thải đủ tốt. Hạn chế sử dụng hóa chất sẽ giúp nguồn nước được duy trì ổn định”, bà Hồng cho biết.
Tạo nên một “hệ sinh thái” hay chuỗi thức ăn trong hồ nuôi cũng được xem là giải pháp làm sạch nguồn nước được các cơ quan chức năng đưa ra. Bất cứ một hồ nuôi nào, lượng thức ăn dư thừa luôn tồn đọng khá lớn, chính điều này là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Lồng ghép các loại thủy sản phù hợp sẽ giúp người nuôi giải quyết bài toán này, đồng thời nâng cao thu nhập.
“Có khá ít hộ nuôi “tìm bạn” cho tôm, nghĩa là nuôi các loại thủy sản khác để “dọn dẹp” lượng thức ăn dư thừa trong hồ nuôi. Cá đối, cá rô phi là những loại thủy sản mà người dân có thể xen ghép trong nuôi tôm. Các loại cá này sẽ ăn thức ăn tồn đọng của tôm và các loại thực vật có hại khác, giúp làm sạch nguồn nước. Điều quan trọng nhất đối với người nuôi tôm vẫn là thay đổi nhận thức, tư duy bởi điều kiện tự nhiên đã khác trước rất nhiều. Biến đổi khí hậu khiến người nuôi tôm vất vả hơn trước, trong hoàn cảnh này, hàm lượng kỹ thuật lẫn công nghệ cần được áp dụng nhiều hơn”, bà Hồng nói.
Bài, ảnh: Lê Thọ