Ruộng lúa bị bồi lấp, hư hại sau lũ
Thiệt hại nặng
Đến thời điểm này, toàn bộ công trình, trạm bơm điện, bơm dầu trên địa bàn tỉnh đều được huy động, vận hành tối đa công suất để đấu úng cho lúa đông xuân. Mực nước trong đồng ruộng đang rút dần, các địa phương tiến hành chăm sóc lúa, hoa màu và thống kê diện tích bị thiệt hại. Dù chưa thể xác định mức độ, năng suất và sản lượng vụ đông xuân bị thiệt hại cụ thể nhưng bước đầu ngành nông nghiệp khẳng định thiệt hại nặng. Ước thiệt hại kể cả lúa, hoa màu, thuỷ sản… toàn tỉnh khoảng 950 tỷ đồng.
Tại các vùng thấp trũng ở Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… những diện tích lúa đang làm đòng, chuẩn bị trổ bị ngập kéo dài đều bị thiệt hại nặng. Nhiều hộ gieo cấy diện tích lớn bị thiệt hại hàng chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Những hộ có diện tích lớn như ông Nguyễn Văn Tú ở Vân Trình, xã Phong Bình (Phong Điền) gieo cấy 10 mẫu, ước thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Trên địa bàn xã Phong Bình có khoảng 670ha lúa của hơn 2.000 hộ dân gần như mất trắng.
“Nông dân đang tiếp tục đấu úng, chăm sóc lúa với hy vọng vớt vát phần nào. Nhưng với mức độ ngập, kéo dài và lúa đổ ngã, nguy cơ thiệt hại như hiện nay thì vụ đông xuân chấp nhận mất trắng. Điều mà nông dân lo không chỉ đời sống khó khăn, nguy cơ thiếu lương thực mà còn lo giống gieo cấy vụ hè thu”, ông Nguyễn Văn Tú nói.
Theo tính toán của người dân, giá lúa giống hiện nay dao động từ 13-18 ngàn đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng từng loại. Mỗi sào sạ khoảng 6kg lúa giống, chi phí khoảng 90-100 ngàn đồng, như vậy gieo cấy 5 sào chi phí khoảng 450-500 ngàn đồng. Với những hộ gieo cấy diện tích vài mẫu trở lên sẽ cần đầu tư cho nguồn giống rất lớn. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vụ tới.
Ông Lê Phước Tính, cán bộ nông nghiệp xã Phong Bình khẳng định, hơn 80% diện tích lúa tại địa phương có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn, đến thời điểm này, nước trong đồng ruộng vẫn chưa tháo hết. Trong khi lúa đang giai đoạn làm đòng, trổ bông khó có thể trụ vững khi ngập nước kéo dài, nguy cơ sâu bệnh rất cao. Địa phương vừa nỗ lực cứu lúa đông xuân cũng vừa tích cực chuẩn bị nguồn giống gieo cấy lúa hè thu. Với diện tích toàn xã hiện nay cần khoảng 80 tấn giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày.
Cần giống cho vụ hè thu
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, phần lớn diện tích lúa đông xuân trên địa bàn huyện đều ngập, trong đó có khoảng 2.000ha ở các vùng thấp trũng, ven phá, ven sông bị ngập nặng kéo dài, mất năng suất. Các địa phương và ngành nông nghiệp cũng đã kiến nghị cấp trên hỗ trợ khoảng 400 tấn lúa giống và một số hoa màu sản xuất vụ hè thu. Nguồn giống hỗ trợ cần đảm bảo cơ cấu giống của địa phương, cơ cấu mùa vụ, tập trung giống chất lượng, ngắn ngày, cực ngắn ngày nhằm đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa bão.
Nông dân Quảng Điền tăng cường bơm dầu đấu úng cho đồng ruộng
Ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trận lũ lớn trái mùa gây nhiều khó khăn đối với ngành nông nghiệp khi lúa đông xuân đang giai đoạn trổ bông, làm đòng. Đời sống một bộ phận nông dân chắc chắn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn giống gieo cấy vụ hè thu sắp đến. Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu tỉnh đề xuất Trung ương sớm hỗ trợ cho tỉnh 1.500 tấn lúa giống ngắn ngày và cực ngắn ngày, bao gồm HN6, Khang Dân 18, HT1, ĐT 100 để hỗ trợ người dân gieo cấy vụ hè thu và 10 tấn hạt giống rau, 5 tấn giống ngô LVN61.
Cần hỗ trợ 2.000 tấn gạo để cấp phát đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai. Đồng thời hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai theo cơ chế và nguồn lực quy định tại Nghị định 2/2017 (Trung ương 70% và địa phương 30%); hỗ trợ 7 tỷ đồng chi phí tiêu úng diện tích lúa bị ngập và 100 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa khẩn cấp các công trình dân sinh, thủy lợi, đê điều kịp thời phục sản xuất.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề xuất Trung ương về lâu dài cần có biện pháp đầu tư xây dựng hồ Ô Lâu Thượng (Phong Điền); triển khai xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam, (Phú Lộc); nâng cấp, sửa chữa đập Thảo Long, Cửa Lác. Hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp; nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê. Đề nghị tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống đê ven phá Tam Giang-Cầu Hai theo chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ; bố trí chương trình nâng cấp hệ thống kênh mương, đê sông, đê bao nội đồng.
Bài, ảnh: Hoàng Triều