ClockThứ Tư, 30/03/2022 17:23

Chủ động tiêu úng, bảo vệ lúa đông xuân

TTH.VN - Với dự báo tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm, khả năng xuất hiện một đợt lũ trái mùa, hàng nghìn ha lúa đông xuân đang làm đòng nguy cơ đối diện tình trạng ngập úng gây thiệt hại.

Hơn 1.700 ha lúa bị ngập úngTiêu úng, gieo cấy lúa đông xuânTăng cường chăm sóc diện tích lúa gieo sạ muộnTrừ sâu, tiêu úng cứu lúa đông xuânQuảng Điền: Nông nghiệp gặp khó đầu nămNhiều diện tích lúa không đấu úng kịp thời

Chủ động tiêu úng cho cây lúa đông xuân

Chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực 

Vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo cấy hơn 28 nghìn ha lúa. Theo khung lịch thời vụ, từ 10-25/4, lúa sẽ trổ đại trà. Trước dự báo mưa lớn, các địa phương, HTX đang tích cực triển khai nhiều phương án ứng phó lũ trái mùa. Nông dân vùng trũng TP. Huế, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang đang tích cực ra đồng kiểm tra lúa, hệ thống bờ vùng, bờ thửa.

Ông Lê Văn Sử (Phú Dương, TP. Huế) cho biết, vụ đông xuân năm nay, gia đình đưa vào sản xuất 5 sào lúa giống J02, 4B, tất cả diện tích đều đang thời kỳ làm đòng. Đối với giống truyền thống thì cây lúa cứng cáp, không lo đổ ngã; các giống chất lượng cao (tùy loại) sinh trưởng có phần dài ngày hơn dễ bị thiệt hại do thời tiết. Những ngày qua, từ thông tin dự báo cho thấy sẽ có mưa lớn, nguy cơ cây lúa sẽ ngập úng, bà con tập trung kiểm tra lại đê bao, gia cố bờ vùng. Các HTX chỉ đạo nắm bắt thông tin để tiến hành tiêu úng, trổ nước kịp thời.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hàng năm các công trình thủy lợi, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh đảm nhận trực tiếp phục vụ tưới, tiêu chủ động cho khoảng hơn 50 nghìn ha lúa hai vụ, đạt khoảng 95%. Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được vận hành đa chức năng, vừa thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời tham gia điều tiết nguồn nước phòng chống thiên tai.

Trong đó, có khoảng 11 nghìn ha/vụ được đảm bảo tiêu bằng động lực, đạt tỉ lệ 95%. Phần diện tích còn lại khoảng 1.000 ha/vụ nằm phân tán ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Các diện tích này nằm ven sông, không có đê bao nên chưa bố trí được trạm bơm tiêu tập trung, do vậy khi gặp mưa lớn, lũ tiểu mãn, lũ sớm thường bị ngập úng, phải sử dụng các máy bơm dầu nhỏ để tiêu úng, không được chủ động và tiêu úng triệt để.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh (Sở NN&PTNT) thông tin, trên cơ sở thông báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về tình hình thời tiết sẽ có mưa lớn, đơn vị đã cử cán bộ về các địa phương, HTX nắm tình hình và triển khai các giải pháp chủ động ứng phó mưa lớn nguy cơ gây ngập úng để bảo vệ cây lúa.

Yêu cầu đối với các HTX là phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực trong trường hợp cần tiêu úng cho cây lúa; rà soát, kiểm tra và tiến hành gia cố tạm thời các tuyến đê bao, bờ vùng bờ thửa nhằm bảo vệ cho diện tích lúa đông xuân; đóng các cửa cống lớn khi có mưa, triều cường nhằm phòng nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng và sẽ tiến hành tiêu úng khi mực nước chân ruộng cao.

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh mở cửa cống, cửa đập thủy lợi, giảm mực nước trên các tuyến sông

Công trình thủy lợi chủ động đón lượng nước về

Ông Lê Văn Anh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, còn khoảng nửa tháng nữa là cây lúa sẽ trổ đại trà, trong điều kiện thời tiết hiện nay chỉ tập trung công tác tiêu úng, không lo đổ ngã. Tiêu úng tốt sẽ bảo vệ được diện tích lúa đông xuân. Trận mưa lớn đợt này tuy nguy cơ ngập úng cho cây lúa nhưng đối với hoa màu lại được “giải hạn”!

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, hiện nay công ty đang chỉ đạo các đơn vị quản lý các trạm bơm tiêu chủ động bơm trước để đón lượng nước về trong trường hợp gặp mưa lớn.

Đối với các công trình thủy lợi lớn như Cống Quan, Thảo Long từ ngày 31/3 đến 1/4 sẽ tiến hành mở các cửa cống, cửa đập để giảm mực nước trên các tuyến sông, tăng dung tích chứa. Theo đó đối với đập Thảo Long sẽ giảm từ cao trình mực nước +0,38m xuống còn +0,32m; cống quan giảm từ +0,3m xuống còn +0,2. Khi có mưa lớn điều tiết từ 3-5 tiếng lượng nước trên đồng ruộng sẽ giảm.

Ngoài ra, đơn vị tổ chức trực ban 100% nhân lực trên các công trình thủy lợi nhằm chủ động ứng phó với các tình huống và làm tốt công tác chủ động tiêu thoát nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa

Chi cục TT&BVTV tỉnh yêu cầu các HTX, trong giai đoạn hiện nay, cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt khi lúa trổ vè thừa (3-5%). Sau khi lúa trổ xong (cách 7 ngày) sử dụng các loại thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông có hoạt chất như Tricyclazole, Fenoxanil,... kết hợp với thuốc phòng lem lép hạt lúa có hoạt chất như Hexaconazole, Azoxystrobin, Difenoconazole, Propiconazole. Phun trừ bệnh khô vằn khi bệnh mới chớm phát sinh gây hại, nhất là trên các chân ruộng gieo sạ dày, thấp trũng, tù đọng nước; tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, gia cố bờ bao để tiêu úng khi mưa và tích nước tưới cho các vùng có nguy cơ bị hạn thiếu nước ở cuối vụ.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa lớn thượng nguồn, cảnh báo nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng

Sáng 26/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết, qua theo dõi của cơ quan khí tượng thủy văn, hiện nay mưa rất lớn ở thượng nguồn các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh. Do đó, các hồ thủy lợi, thủy điện đang điều tiết nước với lưu lượng đến bằng lưu lượng đi, có thể gây nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng trên diện rộng.

Mưa lớn thượng nguồn, cảnh báo nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng

TIN MỚI

Return to top