ClockThứ Tư, 16/11/2016 14:52

Chống tái nghèo để giảm nghèo bền vững

TTH - Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, toàn tỉnh có 23.600 hộ nghèo. Tuy nhiên, do nguồn lực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo cũng như ý thức và khả năng làm ăn của người dân còn hạn chế nên nguy cơ tái nghèo cao.

Thu hoạch bằng máy móc góp phần giải phóng nông dân khỏi lao động cực nhọc

Ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã Thượng Quảng (Nam Đông) từ năm 2014, nhưng cho đến giờ, trong nhà chị Nguyễn Thị Lý chẳng có thứ gì đáng giá. Ra khỏi diện hộ nghèo nhưng gặp lúc chồng ốm đau thường xuyên, công việc chị bấp bênh khiến gia đình chị đang đối mặt với nguy cơ tái nghèo, các con có nguy cơ phải bỏ học. Đây cũng là thực tế của nhiều hộ sau khi vừa ra khỏi hộ nghèo chưa thể tự đứng vững nhưng lại thiếu sự quan tâm của cộng đồng nên nguy cơ tái nghèo vẫn rất cao; nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo cần hỗ trợ lớn, trong khi ngân sách chưa thể đáp ứng được tất cả các vùng miền, cũng như từng đối tượng thụ hưởng. Do đó, nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo đã ít lại phải phân bổ dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn chồng chéo trong quá trình thực hiện. Vai trò của chính quyền và các hội, đoàn thể ở một số địa phương chưa phát huy và thực sự là chỗ dựa cho người nghèo. Sự thay đổi các tiêu chí về chuẩn nghèo cũng là một nguyên nhân khiến số đối tượng nghèo tăng lên. Các biến động về tự nhiên như lụt bão… đã làm gia tăng nguy cơ tái nghèo. Để giải bài toán này,  phải gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường để đạt kết quả cao nhất. Cần tăng cường nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương; các nguồn vốn ưu tiên cho các hộ nghèo. Việc thực hiện công tác giảm nghèo phải có địa chỉ cụ thể, phương án bao tiêu sản phẩm do hộ nghèo sản xuất ra. Cần tiếp tục hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để sớm thoát nghèo.

Theo ông Trần Xuân Bình, Bí thư Huyện ủy Nam Đông, xóa đói giảm nghèo tuy có chuyển biến, nhưng ở vùng sâu vùng xa, nguy cơ tái nghèo cao. Thế nên, cần rà soát lại công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; tăng cường bảo vệ rừng, trồng rừng, kết hợp sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả để giảm nghèo bền vững cho những hộ đã ra khỏi hộ nghèo là bài học cần rút ra từ chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015. Hỗ trợ vốn, kiến thức để phát triển gia trại hay đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư và xuất khẩu lao động để tạo thêm việc làm, thu nhập cho người nghèo... là cách mà nhiều địa phương đã làm hiệu quả trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH cho hay: Để hỗ trợ các bản xóa nghèo, chống tái nghèo sát thực, các địa phương đã bám sát dân, thấy họ yếu đâu thì giúp đấy. Hộ mới thoát nghèo rất dễ lùi lại vạch xuất phát nếu không có sự trợ giúp kịp thời, bởi họ không chỉ yếu về vốn, kinh nghiệm làm ăn, sản xuất hàng hóa mà có khi chỉ đơn giản là ý chí chưa cao, quyết tâm chưa lớn. Vì thế, không chỉ đưa nhiều nguồn vốn, dự án đến dân, các ngành  liên tục cử cán bộ nắm bắt thông tin từ người dân và có kế hoạch giúp đỡ kịp thời và phù hợp. Như với hộ mới thoát nghèo, không thể đưa cho họ những mô hình nuôi hàng trăm con lợn, hàng ngàn con gà mà phải có những mô hình nhỏ hơn, từ vài chục đến vài trăm con. Hoặc có những mô hình kinh tế hay hơn, dễ làm hơn mà vẫn đảm bảo thu nhập, như trồng rau, nuôi cá ruộng...

Giảm nghèo không thể chỉ dựa vào ngân sách Quốc gia hay sự chung tay của toàn xã hội nếu bản thân những hộ nghèo vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước; hoặc bản thân không muốn thoát nghèo để tiếp tục được nhận hỗ trợ. Bài toán giảm nghèo không thể thành công nếu không giải quyết được từ gốc, hay tìm được thắt nút để gỡ. Muốn giảm nghèo thành công, giảm nghèo bền vững thì trước tiên là cần phải có các giải pháp mạnh hơn nữa để chống căn bệnh ỷ lại đang ăn sâu, bám rễ trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ các hộ nghèo.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn
Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Return to top