Vườn chuối của CCB Nguyễn Hải Teo bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao
Năm 2009, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên Nguyễn Hải Teo trở về địa phương lập gia đình và làm kinh tế. Đất đai sẵn có nhưng chưa tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, nên anh Teo cứ loay hoay với suy nghĩ “nuôi con gì, trồng cây gì” để mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Sau khi tìm hiểu kỹ điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường về các loại hoa quả, cuối năm 2018, CCB Nguyễn Hải Teo quyết định chuyển đổi mô hình trồng rừng kinh tế qua trồng chuối già lùn quy mô lớn.
Cùng ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội CCB huyện A Lưới đến thăm vườn chuối rộng gần 2ha của anh Nguyễn Hải Teo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với 1.500 gốc chuối đang trĩu quả, xanh mướt ngút tầm mắt. Mỗi gốc chuối đều có cột đỡ, được trồng thẳng hàng, thẳng lối. Cỏ dại trong vườn chuối được CCB Teo dọn dẹp sạch sẽ. Các gốc chuối được vun thêm đất, ủ gốc, vừa giúp cây phát triển tốt vừa tránh bật gốc, gãy đổ.
Để phát triển vườn chuối quy mô và đúng kỹ thuật, anh Teo đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi và dốc hết số tiền tiết kiệm với tổng hơn 500 triệu đồng để mua giống, đúc cột, làm hàng rào kiên cố nhằm tránh gia súc phá hoại vườn.
“Sau nhiều loại cây không mang lại hiệu quả, tôi đã nghiên cứu và chuyển qua trồng chuối già lùn. Không những phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng mà giống chuối này trồng cũng không khó, cái quan trọng là chịu khó chăm sóc, nhất là vun gốc, bón phân để cây mẹ đẻ cây con. Lứa đầu tiên thu hoạch từ cây mẹ, nhưng những lứa sau sẽ thu hoạch gấp rưỡi, gấp đôi vì nếu được chăm sóc tốt cây mẹ sẽ đẻ nhiều cây con”, anh Teo chia sẻ.
Mặc dù chuối là cây dễ trồng nhưng bước đầu bắt tay vào trồng quy mô lớn, anh Teo cũng gặp không ít khó khăn, nhất là kỹ thuật khiến chuối trổ buồng đều và đẹp. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, đến các hộ trồng chuối thành công trên địa bàn huyện, tỉnh để học hỏi thêm kỹ thuật, đến nay anh đã nắm khá chắc kỹ thuật, hiểu tường tận quá trình sinh trưởng của cây chuối, mùa sâu bệnh để chủ động phòng ngừa và xử lý.
Anh Teo cho biết thêm, cây chuối ưa ẩm nên công tác tưới tiêu rất quan trọng, do đó phải luôn đảm bảo được nguồn nước tưới quanh năm. Để chủ động, anh đang đầu tư đào thêm ao để tích nước, phục vụ tưới tiêu vào mùa hạn.
Chuối già lùn trồng sau 10 tháng là cho thu hoạch. Để chuối đạt năng suất và chất lượng cao, nải đẹp, đều, to và ngọt thì công tác chăm sóc, nhất là bón phân rất quan trọng. Do được chăm sóc đúng quy trình, những lứa chuối ban đầu của anh Teo đều có tỷ lệ ra buồng trên 90%. Mỗi buồng nặng hơn 30 kg, bán sỉ trên dưới 100 ngàn đồng. Tất cả chuối anh thu hoạch đều được hợp tác xã thu mua, nên đầu ra luôn ổn định. Tiền lãi từ những vụ chuối đầu tiên anh sẽ đầu tư trồng tiếp thêm 1.000 gốc chuối.
Nâng niu những buồng chuối mập mạp, nặng trĩu, anh Teo tâm sự, các buồng chuối khá nặng nên cây khó chống đỡ, nhất là vào mùa mưa bão. Do đó, anh đã đầu tư thêm hệ thống cột đỡ, mua dây buộc cây, làm giá nâng buồng, tạo sợ liên kết chặt chẽ cho mỗi gốc chuối.
Sau hơn 2 năm gắn bó với cây chuối, cây không phụ công người chăm, vườn chuối của anh Teo luôn phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao, lãi hơn 100 triệu/năm. Hiện anh không những trả “ngót” nợ mà còn có tiền đầu tư mở rộng quy mô vườn tược, trồng thêm bưởi da xanh, nuôi gà, bò.
Ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội CCB huyện A Lưới nhận xét: “Anh Nguyễn Hải Teo là một trong những CCB tiên phong thực hiện chủ trương của huyện, với mô hình kinh tế có hiệu quả. Không những ham tìm tòi học hỏi để mở rộng quy mô vườn tược, anh còn không ngại chia sẻ kinh nghiệm cho bà con”.
Bài, ảnh: THẢO VY