ClockThứ Năm, 10/06/2021 13:45

Giá trị cho rừng gỗ lớn

TTH - Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh (TTH-FOSDA) khẳng định, để nâng cao giá trị rừng gỗ lớn (RGL) không có con đường nào khác ngoài việc thành lập hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV). Tuy nhiên, các HTX vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục nhằm hỗ trợ hộ thành viên sản xuất và bao tiêu, chế biến sản phẩm theo “chuỗi giá trị”.

Lộc Bổn phát triển 560 ha rừng trồng gỗ lớnCơ hội rộng mở cho rừng gỗ lớn

Thu hoạch gỗ rừng trồng ở xã Bình Tiến (TX. Hương Trà)

Những hạn chế

Giám đốc HTXLNBV Hòa Lộc (Phú Lộc), ông Hồ Đa Thê thừa nhận, dù trải qua hơn ba năm thành lập nhưng HTX vẫn nhận thấy còn nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Trong khi số hộ thành viên tham gia trồng RGL, chứng chỉ FSC ngày càng tăng nhưng bộ máy điều hành của HTX chưa có nhiều thay đổi.

HTXLNBV Thượng Nhật (Nam Đông) và HTXLNBV Đông  Sơn (A Lưới) là các đơn vị vừa mới thành lập, lại thuộc địa bàn vùng núi với hầu hết hộ thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn các hộ có bình quân diện tích rừng trồng ít, mức độ thâm canh còn thấp, giá bán thấp hơn giá bình quân trên địa bàn bởi điều kiện khai thác, vận chuyển khó khăn... Đó là trở lực lớn trong hoạt động SXKD của các HTX.

Chủ tịch TTH-FOSDA đánh giá, hầu hết các HTX đều mới thành lập, số lượng ngành nghề SXKD và dịch vụ còn ít, công nghệ, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Đội ngũ quản lý điều hành HTX tuy nhiệt tình và được tín nhiệm, song do kiến thức quản lý, công nghệ, thị trường còn hạn chế và tuổi cao nên hiệu quả điều hành thấp. Một bộ phận cán bộ kiêm nhiệm, không đúng chuyên môn.

Sản phẩm rừng gỗ lớn được đưa vào chế biến gỗ gia dụng, xuất khẩu

Đa số chức danh chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc các HTX từ 60 tuổi trở lên, kiến thức quản lý và chuyên môn hạn chế. Các phó giám đốc là những người trẻ hơn, phần lớn được đào tạo ở bậc đại học nhưng lại không đúng chuyên ngành. Kế toán trưởng phần lớn có chuyên môn, đúng ngành đào tạo nhưng hầu hết là cán bộ từ các văn phòng UBND xã tham gia kiêm nhiệm. Trưởng ban biểm soát chưa rõ vai trò, trách nhiệm và yêu cầu công việc.

Phát huy kết quả, khắc phục hạn chế

Ông Hồ Đa Thê cho rằng, thành công ban đầu cần được củng cố, duy trì và phát triển ổn định, bền vững đó là các hợp đồng liên kết tiêu thụ gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC giữa các HTXLNBV với các công ty liên kết (Minh An, Hòa Nga) thuộc Công ty Scansia Pacific. Đây cũng là kết quả, kinh nghiệm để phát triển, mời gọi đầu tư liên kết tiêu thụ, chế biến và thương mại lâm sản theo “chuỗi giá trị”.

Sau khi liên kết với Công ty Scansia Pacific về sản xuất, tiêu thụ và chế biến RGL, hiệu quả hoạt động SXKD của HTXLNBV Hòa Lộc đã thấy rõ. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nhân lực, công nghệ, trang thiết bị nhưng các năm qua HTX đều có lãi bình quân đạt 17% trong tổng doanh thu là điều đáng ghi nhận và cần phát huy; kèm theo đó là khắc phục những khó khăn, tồn tại để thúc đẩy phát triển HTX.

Ông Võ Văn Dự đánh giá, việc thành lập 24 HTXLNBV trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã hình thành lực lượng và cơ chế sản xuất mới, thể hiện tính năng động, tư duy mới của những nông hộ tự nguyện hợp tác, hướng tới một tập thể gắn kết và phát triển trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, tự chủ. Trong đó, hiệu quả của HTXLNBV Hòa Lộc là mô hình sẽ áp dụng, nhân rộng đối với các HTX khác trong thời gian tới. Ngoài HTX Hòa Lộc, TTH-FOSDA tiếp tục xây dựng hoàn thiện thêm một số mô hình điểm HTXLNBV như HTX Phong Sơn (Phong Điền), HTX Phú Sơn (TX. Hương Thủy) để rút kinh nghiệm và làm cơ sở phát triển diện rộng.

Hiện nay, TTH-FOSDA phối hợp với các ban ngành đang triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế nhằm thúc đẩy các HTXLNBV phát triển, thật sự trở thành vai trò “bà đỡ” cho các hộ trồng RGL. Theo đó, TTH-FOSDA lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp bền vững để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích HTX thuê giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng điều hành và quản lý theo quy định; mời những chuyên gia, có kinh nghiệm, kiến thức quản lý về tư vấn hỗ trợ HTX.

Sắp tới, hộ thành viên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, kỹ thuật thâm canh RGL. Các HTX được tư vấn về cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ giới hóa các khâu xử lý thực bì, đào hố, vận chuyển, phân bón, thu hoạch, bốc xếp, làm đường vận chuyển… phù hợp với đặc điểm của từng HTX. Thiết bị máy móc, nhà xưởng được đầu tư phù hợp, đảm bảo phục vụ chế biến bán thành phẩm (thanh gỗ xẻ, ván bóc và dăm gỗ từ cành ngọn, bìa bắp), tiến tới chế biến sản phẩm đồ mộc, viên gỗ nén từ phế phụ phẩm. Đầu tư chế biến sâu cho các HTX có đủ năng lực, quy mô và điều kiện hợp đồng liên kết trực tiếp với Công ty Scansia Pacific và các công ty có tiềm lực khác.

Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 12  ngàn ha RGL, trong đó gần 10 ngàn ha được cấp chứng chỉ FSC (của 1.247 hộ với hơn 6.800 ha, còn lại của Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong). Theo kế hoạch của TTH-FOSDA, từ nay đến 2025, trên địa bàn tỉnh dự kiến thành lập mới thêm 14 HTXLNBV nhằm thu hút các hộ thành viên, người dân tham gia trồng RGL, chứng chỉ FSC…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai

Với việc thực hiện trồng mới 22 ha rừng ngập mặn tại xã Hương Phong (TP. Huế) đã góp phần tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển.

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai
Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn

Đối khớp ba loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) và ba loại đất lâm nghiệp (đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

TIN MỚI

Return to top