ClockThứ Ba, 15/03/2022 05:37

Giá vật tư tăng gấp đôi, nông dân lo nguy cơ thua lỗ

TTH - Ngành nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, chi phí trung gian vật tư nông nghiệp từ nhà máy về các HTX cho người trồng trọt.

Giải ngân vốn đầu tư công: Nguy cơ đình trệ vì giá vật liệu tăngThị trường vật liệu xây dựng: Hút hàng, giá tăng mạnhHướng đến mô hình tổ chức phù hợp trong tương lai

Giá vật tư, phân bón tăng cao, người trồng lúa khó có lãi

Tăng đột biến

Riêng vụ đông xuân 2021-2022, diện tích lúa gieo cấy hơn 28 nghìn ha, đang trong giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt. Khảo sát thị trường cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư tăng từ 30 - 50% so với vụ trước, trong khi giá bán lúa không tăng, gây khó khăn trong sản xuất, trồng trọt của người dân.

Ông Lê Văn Sự (xã Phú Dương, TP. Huế) cho biết, so với vụ đông xuân năm trước, giá vật tư, phân bón vụ mùa năm nay tăng cao từ đầu vụ và đến nay chưa có xu hướng giảm. Bình quân các loại phân bón từ 9-12 nghìn đồng/kg, thì nay tăng lên gấp đôi, hầu hết các đại lý trên địa bàn xã đều có một giá chung. Đây là giai đoạn lúa đang đẻ nhánh, sinh trưởng vào thời kỳ quan trọng, cần thăm đồng, bón thúc nhiều loại kích thích cây lúa phát triển và phòng trừ sâu bệnh nên giá vật tư tăng cao, nông dân có nguy cơ thua lỗ.

“Với 4,5 sào lúa giống J02 cùng một số giống dài ngày, hằng năm, bình quân mỗi sào thu hoạch 3-3,5 tạ lúa, trừ chi phí lãi khoảng 1 triệu đồng. Với giá vật tư hiện nay, nông dân chưa chắc đã có lãi”, ông Sự nhẩm tính.

Ông Phạm Diễn, Giám đốc HTXNN Đông Vinh (Quảng Vinh, Quảng Điền) thông tin, cung ứng vật tư, phân bón, HTX chỉ là đơn vị trung gian, theo giá thị trường. Vụ đông xuân năm nay, so với cùng kỳ phân bón, vật tư tăng đột biến; giá các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng nhẹ từ đầu vụ đến nay và không giảm; trong khi giá lúa không tăng. Ngay từ đầu vụ, nhiều diện tích lúa bà con vẫn “chần chừ” do giá phân bón, vật tư tăng cao, từ 100-110%.

Đơn cử, giá các các loại phân kali, ure từ 9-10 nghìn đồng/kg, nay tăng lên 18-20 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi sào lúa hàng năm tiêu tốn chi phí phân bón khoảng 700 nghìn đồng, nay tăng lên 1,4 triệu đồng, trong khi giá lúa vẫn “giậm chân tại chỗ”, nông dân rất khó có lãi.

Theo ông Phạm Diễn, dù giá vật tư tăng cao, vụ đông xuân năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên cơ bản đến thời điểm hiện tại, chi phí sản xuất cho vụ mùa vẫn đang ở mức thấp. Trong trường hợp giá vật tư, phân bón tiếp tục tăng, sang vụ hè thu nông dân sẽ lỗ nặng.

Giá vật tư, phân bón tăng cao, người trồng lúa buộc phải tiết giảm chi phí

Tiết giảm chi phí

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, để giảm chi phí, người dân yên tâm sản xuất, đơn vị này đã đề xuất Sở NN&PTNT triển khai một số giải pháp ngay từ đầu vụ, chỉ đạo các địa phương, HTX và nông dân cày lật đất sớm để đón lượng phù sa, tiêu hủy gốc rạ, nguồn sinh vật gây hại tồn tại trên lúa chét, cỏ dại. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh (đã có nhiều mô hình triển khai hiệu quả trong thời gian qua) để xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường.

Riêng đối với cây lúa, cần áp dụng các biện pháp khoa học tiên tiến như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nhằm giảm tối đa giá thành, tăng năng suất từ đó mới đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân. Trong thời điểm hiện nay, hướng dẫn nông dân kiểm tra và bón phân thúc đòng đúng thời điểm, cân đối phân đạm ure và kali, điều tiết nước hợp lý để cây lúa phát triển tốt; phun trừ bệnh đạo ôn lá khi bệnh mới xuất hiện và diện tích nhiễm chưa được phun trừ để hạn chế bệnh phát tán lây lan trên diện rộng nhằm quản lý tốt sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho rằng, song song với giải pháp kỹ thuật thì điểm mấu chốt hiện nay các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để các HTX có thể nhận được sản phẩm, vật tư nông nghiệp trực tiếp từ nhà máy sản xuất, giảm chi phí trung gian cho bà con nông dân. Hướng dẫn người dân căn cứ vào tính chất của cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất theo nguyên tắc “5 đúng” và sử dụng phân bón chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Xây dựng mô hình rau hoa, ứng dụng công nghệ cao, phân bón sử dụng trong tưới nhỏ giọt, châm phân tự động và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; hạn chế sử dụng các loại phân đơn trong canh tác.

Đồng thời, chú trọng công tác điều tra, kiểm soát đồng ruộng, phân công cán bộ bố trí các điểm điều tra cố định để nắm chắc các giai đoạn phát dục, dự tính dự báo chính xác các đối tượng sinh vật gây hại, ra thông báo dự kiến tình hình sinh vật gây hại và biện pháp phòng trừ như thông báo định kỳ 7 ngày, 30 ngày theo đúng quy định; thông báo tăng cường chỉ đạo phòng trừ các đối tượng phát sinh gây hại cao điểm, nhằm giúp cho chính quyền địa phương, nông dân chủ động thực hiện phòng trừ.

Chi cục TT&BVTV phối hợp các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón để kịp thời phát hiện, xử lý việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa, phát hiện hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất cây trồng.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phải tự vươn lên”

“Tôi luôn dặn lòng mình phải nỗ lực để tự vươn lên, bởi chẳng ai có thể giúp đỡ mình mãi ngoài chính bản thân mình”, đó là điều ông Lê Quý (ngụ ở thôn Mong B, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) luôn dặn bản thân khi đối mặt với những biến cố trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp.

“Phải tự vươn lên”
Giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2025

Theo dự báo của Công ty tư vấn American Express Global Business Travel Group (Amex GBT), giá vé máy bay toàn cầu sẽ đắt hơn vào năm 2025, ngay cả khi mức tăng ở mức vừa phải. Theo đó, giá vé phản ánh chi phí cao hơn và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài.

Giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2025
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

TIN MỚI

Return to top