ClockThứ Sáu, 26/09/2014 17:28

Hai nông dân trẻ nhận giải thưởng Lương Định Của

TTH.VN - Vinh dự, tự hào và có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình kinh tế trang trại khác của các thanh niên trên toàn quốc là cảm xúc chung của hai nông dân trẻ Nguyễn Văn Chương (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) và Trần Văn Thiên (xã Hương Nguyên, huyện A Lưới) khi được ra Hà Nội nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn tổ chức ngày 27/9.

Gác giấc mơ giảng đường về làm trang trại

Dẫn chúng tôi đi xem trang trại chăn nuôi rộng hơn 5ha của mình, anh Nguyễn Văn Chương kể về con đường làm kinh tế của bản thân. Năm 2002, đang là sinh viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Huế, anh quyết định nghỉ học về tiếp quản trang trại chăn nuôi của gia đình đang gặp khó khăn, mặc cho gia đình hết sức can ngăn.
 
Trở về quê, anh bắt đầu cuộc sống của một anh nông dân thực thụ, ngày đêm lăn lội để vực dậy trang trại. Tuy nhiên, mọi việc không dễ như anh nghĩ, hàng ngàn con vịt bị dịch cúm H5N1, phải tiêu hủy. Kết quả gần như trắng tay. Không có đường lùi, anh đành phải đem toàn bộ số tiền vợ chồng tích cóp được và vay mượn thêm để làm lại từ đầu.
 
Rút kinh nghiệm từ thất bại, lần này anh cẩn thận trong từng việc nhỏ, từ chọn giống, làm chuồng, tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng đến theo dõi sự phát triển của đàn vịt từng ngày.... Nhờ đó, 3.000 con vịt giống của anh đã phát triển tốt, tỷ lệ đẻ trứng đạt 80%. Anh còn mạnh dạn đào ao nuôi cá và tận dụng vùng đất đồi của trang trại trồng cây sanh, lộc vừng để kinh doanh cây cảnh.
 
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm 2012, anh tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng để bán vịt giống. Hiện nay, anh đang duy trì 3.000 con vịt giống, 6 ao cá, và hơn 100 cây cảnh. Bình quân mỗi năm anh xuất ra thị trường 30.000 quả trứng, 20.000 con vịt giống, 15-20 tấn cá, vài chục gốc cây cảnh mang lại thu nhập trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi trên 4 trăm triệu đồng. Ngoài số lao động thời vụ, trang trại của Chương đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.
 
Không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, anh Chương sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm cho bất cứ ai khi tới trang trại anh tìm hiểu. “Hiện nay, mình đang hướng dẫn cho 2 thanh niên trong phường xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi”, anh chia sẻ. Nói về dự định sắp tới của mình, anh Chương cho biết: “Mình sẽ mở rộng thêm trang trại để chăn nuôi thêm heo, gà và trồng rừng, liên kết với các đoàn viên thanh niên trong phường thành lập tổ hợp tác thanh niên cùng nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên trong phường.
 
 
Bám rừng lập nghiệp
 
Không có điều kiện học nhiều, nhưng bằng sự chịu khó, cần cù, luôn khao khát vươn lên làm giàu trên quê hương, chàng thanh niên dân tộc Cơ tu Trần Văn Thiên trở thành điển hình trong phát triển kinh tế ở vùng miền núi A Lưới. Ngoài giải thưởng Lương Định Của, Thiên còn được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen về thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và thanh niên 3 năm liền làm kinh tế giỏi.
 
Thiên kể, học hết lớp 9, không có điều kiện học tiếp anh tự vạch ra con đường làm kinh tế trên mảnh đất quê hương. Thấy phát triển rừng là thế mạnh của địa phương, anh quyết định lập nghiệp từ loại hình này. “Trước khi đầu tư, mình cất công tìm gặp những người có kinh nghiệm đi trước để học hỏi, tham gia các lớp tập huấn trồng rừng của xã tổ chức. Những kinh nghiệm thành công, bài học thất bại từ người đi trước đều được mình ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ vào sổ tay để áp dụng vào việc trồng rừng ”, Thiên cho hay.
 
Nắm được những kiến thức cơ bản, năm 2005, Thiên bắt đầu sự nghiệp bằng việc trồng 2 ha cao su, tiếp đó là 8 ha keo, tràm. Để có thời gian chăm sóc rừng, Thiên đã dựng lều ngay trong trang trại cách trung tâm xã 10 km và ở luôn đó. Hàng ngày anh chăm chỉ phát cỏ, tỉa cành, bón phân cho cây “hễ phát hiện sâu bệnh, mình tìm cách chữa trị ngay, không để lan rộng”, Thiên nói.
 
Nhờ vậy, toàn bộ diện tích rừng của anh phát triển tốt, chất lượng đồng đều, cao su cho mủ nhiều và chất lượng cao. Năm 2012, anh đầu tư thí điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm và đã bước đầu cho thu nhập. Hiện nay, với 3 ha cao su, gần 10 ha keo tràm và đàn gia súc, gia cầm hàng chục con mang lại thu nhập cho anh mỗi năm khoảng 250 triệu đồng.  “Thời gian tới, mình sẽ mở rộng diện tích keo, tràm và trồng thêm một số giống cây mới như kiền, đồng thời mở trang trại để mở rộng chăn nuôi”, Thiên cho biết.
    
Hải Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1.300 ha lúa ngã, đổ

Các địa phương đã kiểm tra hiện trường, tổ chức nắm tình hình, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục hậu quả do giông lốc và hướng dẫn người dân có diện tích lúa bị đổ ngã thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiệt hại.

Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1 300 ha lúa ngã, đổ
Lúa đông xuân được mùa, được giá

Năng suất lúa đông xuân ước đạt 67,5 tạ/ha, tăng 1,7 tạ so với vụ đông xuân trước được xem là vụ mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.

Lúa đông xuân được mùa, được giá
“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn

TIN MỚI

Return to top