Người dân tiến hành đông lạnh cá để bán cho thương lái
Cá chết trắng lồng
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, hiện tượng cá lồng ở địa phương bị chết xuất hiện từ đợt mưa lũ đầu tiên trong tháng 11/2017, nhưng chỉ với số lượng khoảng 10%. Đến đợt mưa lũ thứ hai vừa qua, cá lồng bắt đầu chết với tỷ lệ nhiều hơn. Riêng trong hai ngày 27 - 28/11, cá lồng chết hàng loạt. Thống kê sơ bộ, đến chiều 28/11, toàn xã Vinh Hiền có khoảng 1.300 lồng cá bị chết, với khoảng 82 tấn, chủ yếu là cá vẩu và một ít là cá mú.
Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất ở Vinh Hiền, bà Tịnh Thị Lệ Trang nói: “Gia đình tôi có tổng cộng 50 lồng nuôi, không tính cá giống, chỉ riêng cá thịt cũng đã chết hơn 3 tấn. Cách đó mấy hôm, khi lặn xuống đáy kiểm tra phát hiện cá bắt đầu có hiện tượng chết, sợ đưa lồng lên bắt cá chết thì các con còn sống cũng sẽ chết theo. Quyết định gắng thêm mấy ngày nữa trời nắng, sẽ tiến hành đưa lồng lên. Không ngờ chỉ trong hai ngày qua, gần 3 tấn thịt đều đã chết trắng lồng. Ban đầu, còn có người đến lấy về cho heo ăn. Hôm nay cá chết nhiều quá, không ai đến lấy nữa nên phải mang đi tiêu hủy”.
Hộ ông Phan Minh (xã Vinh Hiền) đang nuôi 35 lồng cá, tổng số lượng cá ước khoảng 2 tấn. Đến ngày 28/11, số lượng cá chết của hộ ông Minh hơn 1 tấn. Do nằm ở gần cửa biển Vinh Hiền nên cá lồng của hộ ông Minh chết chậm hơn so với các hộ nằm xa cửa biển. Ông Minh nhận định, với nguồn nước hiện tại, nếu kkông thu hoạch thì cá sẽ còn tiếp tục chết. Riêng trong ngày 28/11, gia đình ông Minh tiến hành bắt tất cả số cá còn lại, bán với giá bằng 50% so với giá trên thị trường trước đó.
Tại xã Lộc Bình cũng ghi nhận tình trạng cá chết tương tự. Ông Phan Thế Phúng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình thông tin, từ đầu tháng 11 đến nay, tổng số cá chết trên địa bàn xã hơn 30 tấn. Riêng trong đợt lũ vừa qua ghi nhận chết khoảng 25 tấn. Trong các hộ bị thiệt hại, có một số hộ cá bị chết trên 1 tấn, còn đa số mỗi hộ cũng vài tạ cá bị chết.
Ghi nhận tại xã Vinh Hiền và Lộc Bình trong trưa ngày 28/11, nhiều thương lái tiến hành thu mua cá. Bởi cá đã chết còn sử dụng được, thương lái thu mua với giá 40 nghìn đồng/kg; cá còn sống có giá 100 – 120 nghìn đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định, nếu tính giá thị trường, mỗi kg cá người dân bị thiệt hại khoảng 100 nghìn đồng. Tính sơ bộ, tổng thiệt hại của người dân ở Vinh Hiền là khoảng 8 tỷ đồng.
Tại xã Lộc Bình, tổng thiệt hại cũng trên dưới 3 tỷ đồng. Theo lãnh đạo hai xã, mưa lạnh còn kéo dài thì toàn bộ cá lồng còn lại sẽ tiếp tục bị chết.
Do ngọt hóa kéo dài
Theo kinh nghiệm của người dân hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình, nguyên nhân chính là do mưa lũ đưa nước nguồn có màu đục về, làm cho cá bị ngột oxy và chết. Ông Phan Minh cho hay, dù đã rút kinh nghiệm so với các năm trước, người dân tiến hành dìm lồng cá xuống đáy khi có lũ hoặc mưa kéo dài. Nhưng năm nay thời gian dìm lồng xuống đáy lâu hơn, mới làm cá chết như thế.
Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, địa phương đã tiến hành đo tỷ lệ độ mặn trong nước vào sáng 28/11, kết quả là 0%. Như thế, nước trong đầm Cầu Hai đoạn qua xã Vinh Hiền hoàn toàn là nước ngọt, với môi trường như thế thì không đủ điều kiện để các loại cá vẩu, cá mú… sinh sống.
Ông Mai Văn Xỉ, phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết, qua kiểm tra, nguyên nhân chính gây ra cá chết là do nước ở đầm Cầu Hai bị "ngọt hóa kéo dài". Những năm trước, các đợt mưa kéo dài trong khoảng 5-7 ngày, khi đó nước ở đầm có ngọt hóa nhưng ít hơn nên cá vẫn sống. Đợt mưa lũ lần này kéo dài hơn 10 ngày nên mới gây ra hiện tượng chết đột biến như thế.
Theo ông Mai Văn Xỉ, huyện đang tiến hành thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra. Riêng việc hỗ trợ cho người dân thì về phía huyện chưa thể khẳng định. Bởi nguyên nhân gây cá chết là thiên tai và trước đó, huyện cũng đã khuyến cáo người dân kết thúc vụ nuôi cá lồng từ 30/8.
Đức Quang-Hải Triều