|
|
Sơ chế chuối Laba tại cơ sở của ông Nguyễn Huy Phương (xã Đạ K’Nàng, Đam Rông, Lâm Đồng). Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Tấn Chơi, sau lô hàng đầu tiên xuất khẩu thành công, phía Nhật Bản đặt hàng mỗi tháng cung cấp 3 – 4 container chuối Laba (20 tấn/container). Đây là tín hiệu khẳng định thương hiệu, chất lượng chuối Laba của Lâm Đồng và tạo đầu ra ổn định cho người dân trồng chuối.
Hiện tại, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn có khoảng 200 ha chuối Laba, phân bố tại các xã trên địa bàn huyện Lâm Hà và xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông); trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 100 ha và đều được hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Ông Shiotani Yuichiro - Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho hay, mỗi năm, công ty nhập hàng chục nghìn tấn chuối tại nhiều quốc gia với kim ngạch lên tới 100 triệu USD.
Trước đây, chuối từ Philippines với ưu thế về sản lượng, chất lượng và giá cả chiếm tới 70% tổng số hàng nhập của công ty này. Kể từ năm 2018, khi Aeon ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương, xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản bắt đầu triển khai.
Nhờ chất lượng và hương vị áp đảo, sản phẩm chuối tươi và chế biến của Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao. Trong năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu chuối từ Việt Nam sang Nhật Bản chiếm hơn 50% và có thể cao hơn trong năm 2023.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, năm 2022 Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại lớn nhằm thúc đẩy sản xuất, kết nối sản xuất với thị trường.
Cụ thể như Chương trình "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia", Chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, Hỗ trợ xúc tiến hàng Việt Nam, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)... qua đó giúp nhà sản xuất, nhà cung ứng của địa phương kết nối với hệ thống phân phối, đơn vị thu mua phục vụ sản xuất.
Đáng chú ý, Chuỗi chương trình nâng cao năng lực chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tổ chức cho hàng nghìn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã cả nước thông qua hướng dẫn hỗ trợ kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn có uy tín.
Ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội chia sẻ, để giải toả những trăn trở trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, hàng năm Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho hợp tác xã thành viên có hiệu quả.
Chẳng hạn như tư vấn, kết nối và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho hợp tác xã, doanh nghiệp thành viên trên toàn thành phố qua các hội nghị, hội chợ, Đoàn công tác, diễn đàn... Qua đó, hợp tác xã, doanh nghiệp đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ thị trường.
Đặc biệt, nhiều hợp tác xã đã đạt được những thỏa thuận, ký kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm với doanh nghiệp trên cả nước, thậm chí xuất khẩu ra thị trường nước ngoài những sản phẩm chất lượng cao.
Vượt qua thách thức
Ông Nguyễn Duy Toan, Giám đốc Hợp tác xã gỗ mỹ nghệ Toan Lộc, tỉnh Bắc Ninh cho hay, việc tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu đã từng bước giúp hợp tác xã quảng bá sản phẩm và tiếp cận được những đơn hàng với số lượng khác nhau. Thế nhưng, gần đây hợp tác xã ít tham gia vì kinh phí hạn hẹp, trong khi mặt hàng của hợp tác xã là đồ gỗ mỹ nghệ nên chi phí vận chuyển khá lớn.
Ngoài ra, dù nhiều hợp tác xã kinh doanh hiệu quả tương đương doanh nghiệp nhưng nhiều ngân hàng vẫn có cách nhìn chưa thiện cảm với mô hình hợp tác xã. Điều này dẫn đến việc hợp tác xã gặp không ít rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư công nghệ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Nhìn nhận từ các chuyên gia, thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các hợp tác xã đều không khoẻ về vốn, phương án kinh doanh chưa rõ ràng, nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các chuyên gia cũng chỉ ra việc không ít hợp tác xã chủ động xúc tiến thương mại sản phẩm theo hình thức kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hay các trang bán hàng online. Tuy nhiên, hình thức xúc tiến thương mại này phần lớn là phù hợp với những hợp tác xã có sản phẩm đã được sơ chế, chế biến, đóng gói sẵn, đảm bảo truy xuất về nguồn gốc.
Ngược lại, với các hợp tác xã sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm cồng kềnh, chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc chưa đa dạng sản phẩm... rất khó áp dụng hình thức này.
Mặt khác, nhiều hợp tác xã chưa kết nối được với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị giúp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nên vẫn còn khó khăn về đầu ra.
Ông Ngô Văn Chi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ Đại Thạnh Phát, tỉnh Quảng Nam cho biết, dù đã tham gia nhiều hội nghị, hội chợ nhưng để xúc tiến thương mại chuyên nghiệp và hiệu quả vẫn còn nhiều gian nan.
Bởi vậy, hợp tác xã mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn trong xúc tiến thương mại do nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Hơn nữa, việc tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận kỹ năng, công nghệ hiện đại về xúc tiến thương mại cũng đóng vai trò quan trọng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa cho hợp tác xã. Điều này góp phần khẳng định chỗ đứng của hàng hóa cũng như hỗ trợ hợp tác xã gắn sản xuất với thị trường.
Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ làm việc với đối tác tiếp tục nâng cao năng lực, tăng cường tư vấn, huấn luyện để hỗ trợ hiệu quả hơn cho hợp tác xã. Điều này góp phần khơi thông dòng chảy về tiêu thụ và đưa sản phẩm của hợp tác xã ngày càng vươn xa.