ClockThứ Sáu, 26/05/2023 16:31

Tăng kiểm soát sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu

TTH.VN - Chi phí vật tư đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu, khiến ngành chăn nuôi điêu đứng trong thời gian vừa qua.

Thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn ‘đè’ ngành chăn nuôi, thủy sảnXuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: Cơ hội nâng cao giá trị, chất lượngGiá thịt lợn nhập khẩu rẻ bằng nửa trong nước, có thể gây bất ổn tới ngành chăn nuôi

leftcenterrightdel
Chăm sóc đàn gà thương phẩm tại hộ gia đình 

Cùng với giải pháp liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi, giảm trung gian thì việc kiểm soát tốt sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm buôn bán trái phép cũng sẽ giúp bảo vệ sản xuất trong nước và sức khỏe người tiêu dùng.

Trước kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam mới đây về tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc kiểm soát thịt gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu và kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, bất cứ sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đều đảm bảo theo quy trình đàm phán đánh giá. Mỗi sản phẩm động vật nhập khẩu đều mất 4 - 5 năm để đánh giá, xem xét và đảm bảo quy trình chặt chẽ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Cục Thú y phải thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh, đồng thời giám sát cả quá trình đảm bảo an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, nếu nói thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam không đảm bảo chất lượng là chưa phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì không có các quy định phân biệt đối xử với các sản phẩm.  Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn nếu được xây dựng, có áp dụng với thực phẩm từ các nước nhập khẩu thì cũng phải áp dụng đối với thực phẩm ở trong nước.

"Sản phẩm gia cầm ở Việt Nam, cụ thể là gà đẻ trứng sau một thời gian khai thác vẫn được đưa vào sử dụng làm thực phẩm cho người dân tiêu dùng. Khi đàm phán, chúng ta cũng không thể nói loại gà này không được nhập khẩu về Việt Nam", bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Về kiểm tra, kiểm dịch sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp đã giảm số mẫu về kiểm tra an toàn thực phẩm đến 95%. Do đó, tỷ lệ kiểm tra lô hàng nhập khẩu là 5%, nghĩa là trong 100 lô hàng chỉ kiểm tra 5 lô hàng.

Qua kiểm tra đối với thực phẩm động vật trên cạn nhập khẩu (thịt gà, thịt lợn, thịt bò…) trong 2 năm qua, cơ quan thú y chưa phát hiện vụ việc nào có tồn dư dư lượng trên thực phẩm đến mức phải cảnh báo.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đang rà soát lại tiêu chuẩn thực phẩm của các nước đang xuất khẩu các sản phẩm thịt vào Việt Nam.

Trước tình trạng giá sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hiện có nhiều tác động đến lĩnh vực chăn nuôi; trong đó có chăn nuôi gia cầm.

Việt Nam đã gia nhập vào thương mại quốc tế nên muốn xuất khẩu thì phải nhập, vấn đề là kiểm soát trong nhập khẩu. Việc kiểm soát nhập khẩu hoàn toàn trong tầm tay chúng ta, đây là vì sức khỏe người tiêu dùng và cũng sẽ tác động tới ngành chăn nuôi. Việt Nam đã hội nhập, mở cửa thì chúng ta phải tăng sức mạnh nội lực, như hợp tác thành lập các hợp tác xã  để cùng hợp tác với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Trước tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra khá phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.

“Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có cuộc họp liên ngành để tìm giải pháp kiểm soát vấn đề này vì Việt Nam có nhiều đường mòn, lối mở, cửa khẩu. Rất nhiều bộ phân liên quan đến kiểm soát nhập khẩu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Thời gian qua, giá các sản phẩm gia cầm luôn ở mức thấp, khiến ngành gia cầm đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà,vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài. 

Trước tình trạng trên, Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đã kiến nghị tới các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường song.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm sáng về xuất khẩu

Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu giảm sâu những tháng đầu năm 2023, vẫn có những lĩnh vực trở thành “điểm sáng” tăng trưởng.

Điểm sáng về xuất khẩu
Khơi thông dòng chảy sản phẩm hợp tác xã

Để thúc đẩy sản phẩm, hàng hóa tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, không ít hợp tác xã đã chủ động tạo mối liên kết hoặc tham gia hoạt động xúc tiến thương mại qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Khơi thông dòng chảy sản phẩm hợp tác xã
Xúc tiến quảng bá giáo dục, văn hóa và ẩm thực Australia

Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia, Đại sứ quán Australia và Tổng lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và UBND tỉnh tổ chức Hội thảo xúc tiến quảng bá giáo dục, văn hóa và ẩm thực Australia 2023 vào ngày 29/3 tại TP. Huế.

Xúc tiến quảng bá giáo dục, văn hóa và ẩm thực Australia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top